Gỡ vướng đất đai khi cổ phần hóa

(ĐTTCO) - Trong 6 tháng đầu năm, 16 DN bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thu về hơn 22.400 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2017. Tuy nhiên, tốc độ cổ phần hóa (CPH) được xác định là chậm, có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch. Lý do có nhiều, trong đó đất đai là trở ngại lớn nhất.

Gỡ vướng đất đai khi cổ phần hóa
IPO 6 tháng bằng cả năm 2017
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, 6 tháng đầu năm đã có 16 DN tiến hành IPO và bán cho cổ đông chiến lược, thu về hơn 22.400 tỷ đồng khi bán 46% vốn điều lệ cho cổ đông bên ngoài và người lao động (bao gồm 8 DN được phê duyệt phương án CPH từ năm 2017 và 8 DN vừa phê duyệt trong năm nay).
 Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN phối hợp với các bộ tổng hợp, rà soát, điều chỉnh kế hoạch CPH, thoái vốn để định vị kế hoạch bổ sung, làm căn cứ đánh giá kế hoạch thực hiện từ nay tới cuối năm, với phương châm không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép không đạt hiệu quả tối đa.
Ông VƯƠNG ĐÌNH HUỆ,
Phó Thủ tướng Chính phủ
Số thu này gấp 4,5 lần số thu từ IPO của cả năm 2017. Trong đó có những DN quy mô lớn, như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Về thoái vốn nhà nước tại DN, các bộ, địa phương đã thoái vốn tại 42 DN với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng (gấp 3 lần giá trị sổ sách). 
Như vậy, tổng thu từ CPH, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm đạt 28.055 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số thu từ CPH, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng (năm 2016 là 30.000 tỷ đồng; năm 2017 là 140.000 tỷ đồng).
Tính từ năm 2016 tới nay, số thu từ CPH gấp 2,5 lần tổng số thu giai đoạn 2011-2015 (khoảng 78.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ triển khai CPH và thoái vốn nhà nước hiện chưa đạt đến 10% kế hoạch, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra của năm 2018. Trong đó, TPHCM và Hà Nội có nhiều DNNN chưa CPH, lần lượt đạt 7% và 16% kế hoạch.

Điều chỉnh, không chạy theo tiến độ
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, theo quy trình trước đây về CPH, Hà Nội giao Sở Tài chính và đơn vị tư vấn xác định giá trị DN, nếu ổn giao cho DN triển khai. Nhưng nay, Nghị định 32/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN) quy định việc này giao cho cơ quan có chức năng để ký hợp đồng tư vấn.
Vậy cơ quan chức năng của địa phương, cụ thể là sở tài chính có được không? Hay như Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC trong liên doanh với Tập đoàn Ciputra (Indonesia) đang được giao đất theo tiến độ nên xác định vốn nhà nước trong liên doanh cũng khó.
Trong khi đó, đại diện Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN TPHCM, cho biết trong 39 DN phải CPH, có 22 DN quận, huyện “giữ hộ nhà đất của nhà nước” vì thế CPH “không thể mang theo”, phải rà soát lại các loại dự án, đất DN đang quản lý, sử dụng để xem có giao hay không…
Bên cạnh đó, trong 14 tổng công ty, có hơn công ty 30 liên doanh với đối tác nước ngoài. Hợp đồng liên DN có điều khoản nếu Nhà nước rút vốn phải có ý kiến của bên liên doanh. Nhưng có những liên doanh không đồng ý giao phần vốn đó cho cơ quan, đơn vị khác.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là đơn vị kinh doanh bất động sản nên các dự án, khu đất trải dài nhiều tỉnh, thành phố, vì vậy phương án sắp xếp lại, xác định giá nhà đất gặp khó khăn. Vì thế, với những khu đất tại Hà Nội, TPHCM, bộ này sẽ làm việc để đề nghị hỗ trợ và “đề nghị được chuyển hoàn thành CPH sang năm 2019”.
Cũng theo Bộ Xây dựng, theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP, việc xác định lợi thế đất thuê, đất thương mại làm giá cổ phần tăng lên. Có DN định giá thời điểm cuối năm 2017, trình cấp có thẩm quyền theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP giá thấp 12.000 đồng/cổ phần, nhưng nay phải trình lại theo Nghị định 32 giá trị trên 20.000 đồng/cổ phần. Trong khi, cũng chính DN này trước đó đưa ra bán 10.300 đồng/cổ phần nhưng không bán được hết.
Thực tế hiện nay nhiều nhà đầu tư nhòm ngó vào DNNN là vì đất đai. Vì vậy phải sửa căn bản, phải xác định cho được phương án sử dụng đất trước khi CPH. Với một số tập đoàn, tổng công ty có nhiều đất đai, trách nhiệm của các cơ quan trung ương là kiểm đếm, xác định phương án sử dụng đất này.
Tại hội nghị ngành tài chính mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ kế hoạch, giải pháp thực hiện Nghị quyết 60/2018/QH14 của Quốc hội (về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN). Các địa phương, nhất là ngành tài chính, tài nguyên và môi trường kiểm tra, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, bởi nếu chậm là chậm CPH cả tập đoàn, tổng công ty. 

Các tin khác