Hàng không Việt 'thấp thỏm' chờ ngày bầu trời mở cửa trở lại

(ĐTTCO) - Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, lây lan trên khắp 39 tỉnh, thành đúng mùa cao điểm du lịch hè 2021, khiến các hãng hàng không đang trên đà phục hồi, lại quay lại thời kỳ “đắp chiếu”.


Hàng không Việt 'thấp thỏm' chờ ngày bầu trời mở cửa trở lại
Theo tổng hợp số liệu khai thác các chuyến bay do Cục Hàng không Việt Nam công bố, trong tháng 5-2021, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 20.217 chuyến bay, giảm 15% so với tháng trước, riêng Công ty bay dịch vụ hàng không Việt Nam (VASCO) giảm tới 51,8%.
Trong cả 5 tháng đầu năm, 4/6 hãng đều sụt giảm số chuyến bay so với cùng kỳ, riêng Vietravel Airlines mới bay thương mại từ đầu năm 2021 nên không có số liệu  so sánh cùng kỳ.
Hàng không Việt có thể chậm chân

Trong khi hầu hết các hãng đều giảm số chuyến bay, Bamboo Airways vẫn tăng 59,1% so với cùng kỳ (18.341 chuyến bay), “cân hết” sự suy giảm của các hãng còn lại.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines đã khai thác 34.056 chuyến bay, giảm 1% so với cùng kỳ.

Các hãng còn lại như Vietjet Air, Jetstar Pacific, VASCO lần lượt giảm 6,2%, 14,6% và 6,5% so với cùng kỳ. Riêng tân binh Vietravel Airlines đã khai thác 1.282 chuyến bay.

Nhiều ý kiến cho rằng trong năm 2020, Việt Nam làm rất tốt công tác phòng chống dịch Covid, là điểm sáng trong kiểm soát dịch bệnh. Nhờ đó, ngăn chặn được dịch lây lan trên diện rộng, số ca nhiễm nhỏ trong khi châu Âu, châu Mỹ và nhiều khu vực khác vẫn “lao đao” vì dịch. Nhưng sang năm 2021, tiến trình tiêm vaccine của Việt Nam chậm hơn các quốc gia khác, ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế.

Theo đại diện Bộ Y tế, nếu suôn sẻ, hết tháng 7 sẽ có đủ lượng vaccine tiêm cho xấp xỉ 10% dân số có chỉ định tiêm chủng. Như vậy, còn rất lâu mới có đủ vaccine cho đại đa số dân chúng, để nền kinh tế có thể trở lại trạng thái bình thường.

Còn theo đánh giá của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC), với tốc độ tiêm chủng vaccine còn chậm tại Việt Nam, Chính phủ sẽ vẫn thận trọng trong việc nối lại các chuyến bay quốc tế.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam từng có đề xuất triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam có cách ly sau khi nhập cảnh, dự kiến triển khai từ tháng 7-2021, thực hiện đồng thời với các chuyến bay trọn gói chở công dân Việt Nam về nước. Tuy nhiên, với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 gần đây tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của VCSC cho rằng, các chuyến bay thương mại quốc tế sẽ không được nối lại cho đến quý IV-2021.

Hàng không Việt 'thấp thỏm' chờ ngày bầu trời mở cửa trở lại ảnh 1 Mô tả ảnh

Theo đó, VCSC dự báo lượng hành khách quốc tế của Vietnam Airlines chỉ đạt 21% mức trước dịch Covid-19 vào năm 2021 sau đó tăng dần lên mức 67%, 77% và 87% vào các năm 2022-2024, thấp hơn đáng kể so với dự báo trước đây.

Về mảng kinh doanh vận chuyển quốc tế, VCSC cũng kéo dài lộ trình phục hồi của Vietnam Airlines, do năng lực tăng giá vé khá yếu trong bối cảnh chi phí nhiên liệu tăng cao. Bởi Vietnam Airlines không thể chuyển hoàn toàn tác động của chi phí nhiên liệu tăng lên giá vé máy bay, do sự cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không của Việt Nam ngày càng gay gắt, khi Bamboo Airways mở rộng đội bay cùng với Viettravel Airlines mới gia nhập thị trường.

Dù vậy, các chuyên gia đều lạc quan khi Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 vừa chính thức ra mắt là tín hiệu rất tích cực, huy động tổng hợp mọi nguồn lực, cùng sự đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, để Việt Nam có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể, tiêm miễn phí cho toàn dân, sớm phục hồi kinh tế, hỗ trợ  hàng không cất cánh.

Mở đường bay thẳng đến Mỹ, còn nhiều hoài nghi?

Mặc dù còn nhiều khó khăn chực chờ, nhưng các hãng luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nối lại đường bay quốc tế, khi được Chính phủ cho phép.

Giữa mùa dịch Covid-19, Bamboo Airways vừa được cấp slot bay (lượt cất, hạ cánh) thẳng tới sân bay quốc tế San Francisco và sân bay quốc tế Los Angeles, bang California, Mỹ, bắt đầu từ 1-9 tới đây.

Bamboo Airways cũng đang tiếp tục tuyển dụng nhiều vị trí quan trọng khác tại Văn phòng đại diện của Bamboo Airways tại Mỹ, hoàn thiện công tác chuẩn bị để bay thẳng tới Mỹ. Các công tác chuẩn bị, xúc tiến khai thác đường bay thẳng kết nối Việt – Mỹ của hãng, đang được gấp rút đẩy nhanh, bước đầu thông qua các chuyến bay thẳng charter từ cuối tháng 6, đầu tháng 7-2021, tiến tới bay thẳng thường lệ ngay, sau khi Chính phủ cho phép mở lại các đường bay thương mại thường lệ quốc tế.

Tuy nhiên, thông tin này cũng ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều.

VCSC dự báo lượng hành khách quốc tế của Vietnam Airlines chỉ đạt 21% mức trước dịch Covid-19 vào năm 2021, sau đó tăng dần lên mức 67%, 77% và 87% vào các năm 2022-2024, thấp hơn đáng kể so với dự báo trước đây.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, việc bay thẳng đến Mỹ được cho phép, nhưng bay được không lại là một chuyện khác.

“Tôi cho rằng Vietnam Airlines là hãng bay có khả năng nhất trong tất cả các hãng bay, nhưng đến nay Vietnam Airlines đang cân nhắc vấn đề lãi lỗ, tính toán gom đủ khách để bay thẳng. Hoặc có thêm một điểm dừng để nhận thêm hành khách, mới đủ chi phí. Vietnam Airlines là kỳ cựu, còn cân nhắc ngược xuôi, tôi nghĩ Bamboo nói cho vui vậy thôi. Nếu có làm, chắc chắn lỗ”, ông Tống bày tỏ quan điểm.

 “Trước đây, khi không có dịch, Vietnam Airlines đã phải cân nhắc nhiều về nhu cầu bay thẳng với giá đắt hơn. Hiện nay, đang giai đoạn dịch, số lượng hành khách đủ điều kiện, có nhu cầu bay lại càng thưa thớt hơn”, ông Nguyễn Thiện Tống phân tích.

Với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, hãng vừa chính thức được nhà chức trách Hoa Kỳ cấp phép thực hiện 12 chuyến bay chở công dân Việt Nam từ Hoa Kỳ về nước trong năm 2021, bắt đầu vào ngày 22-6.

“Các chuyến bay theo hình thức thuê chuyến là bước đệm, để hãng thử nghiệm, đánh giá và chuẩn bị cho kế hoạch khai thác thường lệ đường bay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong tương lai sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, và nhu cầu thị trường chuyển biến tích cực”, đại diện Vietnam Airlines kỳ vọng.

Tích cực thử nghiệm hộ chiếu vaccine

Theo ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), nhiều quốc gia châu Âu đang thực hiện các bước để mở lại biên giới.

Kể từ ngày 7-6, Tây Ban Nha đã mở cửa biên giới cho hầu hết khách du lịch đã được tiêm chủng từ khắp nơi trên thế giới, và cho phép du khách Liên minh châu Âu nhập cảnh vào nước này với kết quả xét nghiệm âm tính. Hơn nữa, hành khách đến từ các quốc gia có “rủi ro thấp” có thể nhập cảnh mà không có bất kỳ hạn chế nào.

Từ ngày 9-6, Pháp mở cửa cho khách du lịch tiêm chủng từ tất cả, trừ những quốc gia được đánh giá là “có nguy cơ cao”...

Để các chính phủ tự tin mở cửa biên giới, IATA đã tung ra IATA Travel Pass, ứng dụng chứng nhận sức khỏe đang được 38 hãng hàng không trên thế giới thử nghiệm như Qatar Airways, Singapore Airlines, Royal Brunei Airlines...

IATA Travel Pass tích hợp giải pháp số hàng đầu như du lịch không tiếp xúc, dữ liệu sinh trắc học, chứng nhận sức khoẻ điện tử như kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine Covid-19, đặc biệt thuận tiện và hiệu quả khi có thể thay thế cho các loại thủ tục bằng giấy tờ hiện nay. Đây là ứng dụng an toàn, đảm bảo thông tin nhất quán giữa các bên gồm chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách.

Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam ký thỏa thuận với IATA, để thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass. IATA sẽ hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Vietnam Airlines xuyên suốt quá trình chạy thử nghiệm.

Theo đó, trước khi khởi hành, hành khách phải đặt lịch và đến xét nghiệm hoặc tiêm chủng vaccine Covid-19 tại cơ sở được chỉ định bởi chính phủ nước sở tại mà đã được đăng kí với IATA. Sau đó, chia sẻ kết quả điện tử và xác nhận tình trạng bay với hãng hàng không trước khi bắt đầu hành trình.

Bắt kịp hộ chiếu vaccine, Vietjet là hãng hàng không thứ hai thử nghiệm IATA Travel Pass.

Ông Đinh Việt Phương, Giám đốc Điều hành Vietjet cho biết “đội ngũ nhân viên IATA Travel Pass đã và đang hợp tác chặt chẽ với Vietjet – một thành viên của IATA, các cơ quan hữu quan của Việt Nam, cũng như các thành viên khác của hiệp hội cùng với chính phủ các nước để đảm bảo IATA Travel Pass có thể hỗ trợ và tạo điều kiện cho hoạt động du lịch quốc tế được an toàn”.

"Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không tiên phong tại Việt Nam thử nghiệm IATA Travel Pass, tạo ra một bước tiến lớn cho hành khách của hàng và cho ngành hàng không nước nhà.
Giải pháp hộ chiếu sức khỏe điện tử như IATA Travel Pass nên được các chính phủ cho phép và công nhận rộng rãi, giúp nhanh chóng khôi phục vận tải hành khách quốc tế thường lệ. Mục tiêu quan trọng nhất là khôi phục niềm tin của hành khách khi đi máy bay và đảm bảo trải nghiệm du lịch an toàn và liền mạch cho tất cả mọi người", ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines.

Các tin khác