Hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách tài khóa

(ĐTTCO)-Các chỉ số kinh tế tháng 8 được công bố bởi Tổng cục Thống kê, cho thấy nền kinh tế dù có sự hồi phục nhưng yếu hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong hoàn cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ đã không còn nhiều tác dụng và chính sách tài khóa có thể là công cụ chủ yếu để vực dậy nền kinh tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách tài khóa
Chính sách hiện hành đang kém hiệu quả
Tháng 8, chỉ số công nghiệp tăng 3,5% so với tháng trước nhưng giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo 8 tháng năm 2020 chỉ tăng 2,2% so với 9,5% cùng thời điểm 2019.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa thậm chí giảm 2,7% so với tháng 7 và giảm 0,02% tính chung 8 tháng so với cùng kỳ năm trước. Cầu yếu đi cũng được thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp nhất trong vòng 5 năm qua, chỉ tăng 0,07% so với tháng trước và giảm 0,12% so với tháng 12-2019. 
Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho biết chỉ 3% doanh nghiệp (DN) không bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tỷ lệ DN giải thể chiếm 2% tổng số tham gia khảo sát; tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động kinh doanh 20%; có tới 75% DN vẫn hoạt động nhưng không cân đối được thu - chi, tức dòng tiền vào nhỏ hơn chi phí. Phần lớn DN cho biết không có khách hàng là khó khăn lớn nhất (81%), tiếp theo là việc chi trả các khoản phí liên quan tới người lao động (72%).
Theo ước tính, hiện có tới 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đáng chú ý, thất nghiệp ở nhóm thanh niên 15-24 tuổi, chiếm 30,7% tổng số thất nghiệp. Thực tế đó có thể dẫn tới những lo ngại về các hậu quả xã hội sau này.
Ngay khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 3, Chính phủ đã sớm có những phản ứng chính sách hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm sự tương tác của các chính sách tiền tệ, tài khóa và khuyến khích tiêu dùng.
Những chính sách này đã có tác dụng giúp nền kinh tế cầm cự, vượt qua cú sốc do sự sụp đổ bất ngờ từ phía cung đến từ sự đổ vỡ các chuỗi cung ứng. Nhưng dường như hiện tại, chính sách hiện hành đã dần trở nên không còn tác dụng, hoặc kém hiệu quả và cần một tư duy chính sách mới.

Tập trung chính sách tài khóa
Chính sách tài khóa lúc này sẽ giúp DN duy trì hoạt động và người lao động có thu nhập - những yếu tố quan trọng để duy trì và phục hồi nền kinh tế.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có dư địa giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ DN.
Thực tế, lãi suất huy động đã giảm khoảng 1-2% so với đầu năm, trong khoảng 3,7-6,1% kỳ hạn 1-36 tháng (theo số liệu của  4 NHTM có vốn nhà nước), nhưng lãi suất cho vay thương mại không giảm nhiều, xoay quanh mức 7-10% theo các kỳ hạn. Điều này cho thấy việc giảm các mức lãi suất điều hành không còn có tác dụng hỗ trợ lãi suất đối với DN và nền kinh tế như kỳ vọng.
Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn dư địa cho chính sách tiền tệ thông qua việc giảm các mức lãi suất điều hành, nhưng thực tế chỉ có ý nghĩa lý thuyết. Nếu so mặt bằng lãi suất điều hành hiện tại (trong khoảng 3% lãi suất chiết khấu đến 4,5% lãi suất tái cấp vốn) với chỉ số giá bình quân 8 tháng năm 2020 (3,96%), lãi suất thực đang xoay quanh 0%.
Do vậy, dư địa chính sách tiền tệ thực tế đã hết. Nếu tiếp tục giảm lãi suất sẽ tạo ra các bong bóng tài sản do sự xuất hiện của tiền rẻ.
Hiện tại, hệ thống NH đang trong trạng thái kiềm chế tín dụng không mong muốn: không thể cho vay thêm nhưng cũng không thể hạ lãi suất cho vay. Trạng thái này xuất hiện vì mức độ rủi ro ở mức cao, đã khiến các NH chủ động hạn chế cho vay.
Trong khi đó giảm lãi suất sẽ làm tăng nguy cơ nợ xấu do việc sàng lọc đơn vay trở nên khó khăn hơn rất nhiều, khi số đơn xin vay dưới chuẩn hoặc không đúng mục đích sẽ gia tăng do hiệu ứng tiền rẻ. 
Số liệu thống kê đã cho thấy phần nào thực trạng trên. Ngày 28-7, NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,45% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%), là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, trong khi huy động vốn tăng 5,31%. Còn các NHTM cũng báo cáo nợ xấu gia tăng 6 tháng đầu năm.
Chẳng hạn, Vietcombank có tổng nợ xấu tăng 11% so với đầu năm, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ tăng 56%. VietinBank có nợ xấu tăng 48%, nợ dưới chuẩn tăng 250% và nợ nghi ngờ tăng 84%. Việc cố giảm lãi suất cho vay sẽ dẫn tới khả năng trích lập dự phòng cao hơn, kéo theo là sự hy sinh lợi nhuận của các NH. 
Với việc chính sách tiền tệ đã không còn tác dụng, chính sách tài khóa có thể là công cụ chủ yếu lúc này. Chính phủ đang cân nhắc trình Quốc hội cho phép tăng nợ công thêm 2-3% GDP, tương đương tỷ lệ nợ công năm 2020 ở mức 56,3-57,3% GDP.
Đây là mức không quá lo ngại nếu so với trần nợ công giai đoạn năm 2016-2020 là 65%. Bước đi này được kỳ vọng sẽ tác động tới tổng cầu trong nền kinh tế. Song chúng tôi nhấn mạnh rằng điều này sẽ chỉ trở nên hiệu quả nếu được sử dụng đúng cho những nút thắt hiện tại của nền kinh tế do dịch bệnh tạo ra, không phải là mở rộng các khoản chi tiêu công thông thường.
Ở khía cạnh này, ngân sách nên được dành để hỗ trợ DN đảm bảo dòng tiền hoạt động. Cụ thể, các khoản phí liên quan tới người lao động như bảo hiệm xã hội, bảo hiểm y tế hay các khoản thuế DN, kinh phí công đoàn… nên được giảm trừ hoặc miễn giảm.
Việc hỗ trợ chi trả lương cho người lao động, hoặc lao động mất việc thời vụ, cũng nên nằm trong tính toán của Chính phủ, thông qua bảo lãnh các khoản vay NH để chi trả lương của các DN. Điều này không chỉ giúp NH giải quyết bài toán dư thừa thanh khoản, còn giúp DN duy trì hoạt động và người lao động có thu nhập - những yếu tố quan trọng để duy trì và phục hồi nền kinh tế.
-------------
(*) Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh  Đại học Lincoln, Vương quốc Anh

Các tin khác