Kết nối giữ “mạch nước ngọt” châu thổ

(ĐTTCO) - Nước sạch cho người dân ĐBSCL đang là một thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động sâu rộng đến đời sống người dân. Trong đó, năm 2021 dự báo lượng nước từ dòng Mê Kông trung bình đổ về đồng bằng thấp nhất 10 năm qua. 
Kiểm tra nồng độ mặn trên sông Cái Lớn nơi giáp ranh giữa Kiên Giang và Hậu Giang.
Kiểm tra nồng độ mặn trên sông Cái Lớn nơi giáp ranh giữa Kiên Giang và Hậu Giang.
Việc các tỉnh ĐBSCL kết nối hệ thống cung cấp nước giữa các địa phương đang mang những giá trị cốt lõi để giữ liền mạch nước sạch cho người dân trong vùng.
Đặc biệt, ngay những ngày đầu năm 2021, nước mặn từ biển Đông đã bắt đầu xâm nhập vào địa phận tỉnh Trà Vinh. Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mặn xâm nhập sớm vào đồng bằng.
Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, vào mùa khô hạn có gần 100.000 hộ dân vùng ĐBSCL thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trong 5 năm qua, từ đợt hạn mặn lịch sử 2016 đến nay, cứ đến mùa hạn mặn, người dân vùng ven biển ĐBSCL phải tất bật chạy lo tìm nguồn nước ngọt.
Việc dùng xe bồn, sà lan chuyển nước ngọt rất đáng trân quý để hỗ trợ. Song, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, ĐBSCL cần có những giải pháp căn cơ để cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân và điều tiết hợp lý cho các vùng sản xuất nông nghiệp. 
Còn nhớ cách đây 5 năm, vào mùa khô, nước mặn từ biển đã xâm nhập vào kinh xáng Xà No khiến hệ thống cung cấp nước ngọt ở TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang bị tê liệt. Việc kết nối cung cấp nước ngọt đang đặt ra nhiều vấn đề không chỉ liên thông trên địa bàn Hậu Giang mà cả vùng ĐBSCL.
Nghị quyết 120/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã nhấn mạnh: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng và tiểu vùng sinh thái để nâng cao hiệu quả, thực chất, theo hướng thu gọn đầu mối, lấy quản lý thông minh tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và vùng ĐBSCL làm trọng tâm xuyên suốt”. 
ĐBSCL với gần 20 triệu dân, hàng năm sản xuất khoảng 25 triệu tấn lúa; cung cấp 1/5 lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới. Song vùng châu thổ hạ lưu phải đối diện với muôn vàn thách thức về biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng nước, đất, sạt lở, khô hạn, nước mặn gia tăng xâm nhập.
Hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và nhiều dự án nước ngoài đã giúp người dân từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. Song, tình trạng người dân vùng ven biển, vùng bị nước mặn xâm nhập vẫn thiếu nước ngọt trầm trọng vào mùa khô.
Thực tế, ĐBSCL vẫn còn lệ thuộc vào các hệ thống cung cấp nước “mini”. Các trung tâm cung cấp nước “mini” vì nhiều lý do chưa kết nối với các nhà máy cung cấp nước có công suất lớn. Trong khi đó, nhiều nhà máy có công suất lớn ở các đô thị và nằm ven sông Hậu, sông Tiền muốn mở rộng cung cấp khu vực nông thôn đang đau đầu với nguồn vốn đầu tư.
Nguồn vốn để đầu tư kéo đường ống hiện nay rất đắt đỏ. Ngoài số tiền phải bồi hoàn khi làm đường ống dẫn nước đi qua đất của dân, việc đầu tư các đường ống âm dưới đất khi đi qua kinh, mương rất cao.
Đây là trở ngại lớn nhất cho việc đấu nối liên thông nguồn cung cấp nước ngọt ở ĐBSCL. Nó đòi hỏi các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng cần khẩn trương triển khai các giải pháp, trong đó phải dành nguồn vốn để các tỉnh trong vùng đầu tư đấu nối hệ thống cung cấp nước, sớm hoàn thiện hệ thống cung cấp nước liên thông giữa các tỉnh.
Các địa phương cần nhận diện việc hòa mạng, kết nối hệ thống cung cấp để người dân thụ hưởng giá trị nước sạch thực sự là xu hướng tất yếu bảo đảm an ninh nguồn nước trong bối cảnh ĐBSCL đối diện với thiếu nước ngọt trong mùa hạn mặn. Đó cũng là nguyện vọng của hàng trăm ngàn người dân vùng ven biển ĐBSCL. 

Các tin khác