Khai tử xăng RON95 cần lộ trình

(ĐTTCO) - Tại cuộc họp về triển khai xăng sinh học mới đây, Bộ Công Thương đã ủng hộ đề xuất của Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), về việc sẽ bỏ xăng khoáng RON95, chỉ sử dụng xăng sinh học E5RON92 (xăng RON92 pha 5% ethanol).

 Đề xuất này đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người tiêu dùng, bởi nó sẽ tạo sự độc quyền trên thị trường, đẩy giá xăng lên cao. Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN TIẾN THỎA, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng khai tử xăng RON95 ở thời điểm này chưa thể làm được.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, quan điểm của ông thế nào về việc khai tử xăng RON95 theo đề xuất của DN? 
Ông NGUYỄN TIẾN THỎA: - Hiện nay, trên thị trường chỉ có 1 nhà cung cấp cồn ethanol - E100 để sản xuất xăng sinh học E5RON92 là Công ty TNHH Tùng Lâm. Các nhà máy sản xuất ethanol khác như Ethanol Dung Quất, Ethanol Bình Phước đang dừng hoạt động vì lỗ, Ethanol Phú Thọ đang xây dựng dở dang. Do vậy giá ethanol trên thị trường liên tục tăng từ khi có chủ trương ngừng sử dụng xăng RON92.
Cụ thể, đầu năm 2017, giá ethanol khoảng 13.800 đồng/lít, đến tháng 10-2017 tăng lên 14.200 đồng/lít, gần đây giá ethanol tăng lên 14.488 đồng/lít. Và khi ethanol tăng giá sẽ gây sức ép tăng giá các loại xăng sinh học.
Đúng là về lâu dài phải hướng đến việc sử dụng nhiên liệu sinh học, vì đây là nhiên liệu thân thiện với môi trường sống con người. Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu và sử dụng nhiên liệu sinh học xăng E10, E15. Trong khi đó, xăng khoáng là nhiên liệu không tái tạo được, đang có nguy cơ cạn kiệt dần, nên phải tìm nguồn nhiên liệu thay thế. Về chi phí, khi chúng ta làm tốt xăng sinh học sẽ rẻ hơn xăng khoáng.
Đồng thời, giải quyết nguồn nhiên liệu sinh học của đất nước hiện nay sẽ góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp ở những vùng có lợi thế trồng sắn. Qua đó giải quyết công ăn việc làm cho nông dân, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nông thôn, hạn chế được tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô (sắn lát khô) hiện nay.
Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, đề xuất dừng ngay việc sử dụng xăng RON95 để thay thế bằng xăng E5RON92 không ổn, vì có những khó khăn chưa thể giải quyết được ngay.
Khai tử xăng RON95 cần lộ trình ảnh 1
 - Ông có thể nói rõ lý do chưa thể khai tử ngay xăng RON95?
- Khó khăn chính do chúng ta chưa chuẩn bị đủ điều kiện để có thể chuyển ngay sang dùng nhiên liệu sinh học. Vì vậy cần có lộ trình nhất định để chuyển đổi. Đến nay, nguồn lực để sản xuất nhiên liệu sinh học E5RON92 và E5RON95 còn hạn chế. Cụ thể, chúng ta thiếu cả nguồn lực sản xuất ethanol và nguồn lực hạ tầng của ngành kinh doanh xăng dầu khi chuyển từ dùng xăng khoáng sang xăng sinh học.
Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất xăng sinh học hiện nay chưa đồng bộ, chưa theo quy hoạch nên sẽ có những khó khăn nhất định, dễ sinh ra độc quyền, và thực tế đã xuất hiện tình trạng độc quyền sản xuất ethanol làm cho giá xăng sinh học không ổn định. Mặt khác, chính sách khuyến khích, định hướng tiêu dùng với xăng sinh học hiện nay cũng chưa đủ hấp dẫn người sử dụng.
- Theo ông, việc chuyển sang dùng xăng sinh học có thực sự tốt hơn dùng xăng RON95? 
- Đến nay chưa có một đánh giá khoa học thực tiễn nào về tác dụng tích cực, tiêu cực và hạn chế của việc dùng xăng E5, RON92-E5 nếu đưa vào sử dụng ngay. Cần đánh giá được tác động của loại nhiên liệu sinh học này với các loại động cơ khi sử dụng nguồn nhiên liệu mới.
Cũng cần phải cân nhắc vấn đề niềm tin của người tiêu dùng đối với xăng sinh học hiện nay còn hạn chế. Tỷ lệ yêu cầu sử dụng phổ cập xăng sinh học E5 đặt ra hiện nay khoảng 40%, cho thấy mục tiêu này còn nhiều khó khăn. Giờ nếu đặt mục tiêu sử dụng 100% nhiên liệu sinh học, khó khăn sẽ tăng lên nhiều lần.
- Xin cảm ơn ông.
 Hiện nay chỉ có 2 nhà máy của Công ty Tùng Lâm sản xuất E100, đủ cho việc thay thế toàn bộ xăng RON92 bằng xăng E5RON92. Nếu bắt buộc sử dụng E5RON95 và bỏ xăng RON95 ngay phải nhập khẩu E100, hoặc Nhà nước phải hỗ trợ các nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước và Dung Quất tái sản xuất. Nhưng với giá xăng và giá sắn như hiện nay, 2 nhà máy của Công ty Tùng Lâm cũng đang lỗ, sở dĩ cầm cự được do chi phí sản xuất thấp và bán được phụ phẩm. 
Ông Lưu Quang Thái, 
Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam

Các tin khác