Khi các “sói già” thiếu tầm nhìn?

(ĐTTCO)-Không chỉ gây bất ngờ khi nhanh chóng đóng cửa hàng loạt cửa hàng thuộc 9 thương hiệu mà mình sở hữu, Huy Việt Nam còn trở thành tâm điểm của nhiều phân tích khi bị nhóm các nhà đầu tư (NĐT) lớn khởi kiện. Việc kiện tụng này đang đặt ra một câu hỏi về mối quan hệ giữa các quỹ/NĐT với doanh nghiệp (DN) gọi vốn trên thị trường hiện nay. 
Phải chăng thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng với hàng trăm cửa hàng phủ khắp cả nước, tại các vị trí đắc địa là một lợi thế thu hút các quỹ PE nhảy vào?
Phải chăng thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng với hàng trăm cửa hàng phủ khắp cả nước, tại các vị trí đắc địa là một lợi thế thu hút các quỹ PE nhảy vào?
NĐT đã bị lừa?
Ngày 24-10-2019, theo một thông cáo báo chí được phát đi thì nhóm các NĐT lớn của Công ty Huy Việt Nam đã thay mặt tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch công ty tại Tòa án Nhân dân TPHCM.
Nhóm các NĐT nói trên đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD. Các thành viên của nhóm bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital.
Những động thái pháp lý này nhắm tới ông Huy và các cộng sự, bao gồm bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Điều hành của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, liên quan đến cáo buộc vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo, theo đó ông Huy Nhật đã chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản.
Phía đại diện nhóm các NĐT còn chia sẻ với báo chí, rằng ông Huy Nhật từng cung cấp các báo cáo tài chính cho thấy việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận. 
Phải chăng các NĐT đã dễ dàng bị ông Huy Nhật qua mặt bằng các báo cáo tài chính đẹp. Liệu có phải các NĐT đã quá chủ quan, tin tưởng hoàn toàn vào người sáng lập này nên không kiểm soát tình hình kinh doanh. Hay trong điều kiện rót vốn, Huy Nhật đã thuyết phục được các NĐT trao quyền quá lớn cho mình.
Tất cả những câu hỏi ấy chỉ những người trong cuộc mới có thể trả lời chính xác nhất. Song dưới góc nhìn từ bên ngoài, các chuyên gia lại có những phân tích riêng của mình. 
Trao đổi với ĐTTC, chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến cho rằng, có thể các quỹ đã buông lơi công tác quản trị công ty. Về nguyên tắc các quỹ đầu tư sẽ rất chặt chẽ, nhưng trong quá trình vận hành có những quỹ do cách nhìn nhận con người, đánh giá việc kinh doanh đã giao lại cho người vận hành công ty nên dẫn tới rủi ro, thậm chí khi có nhiều quỹ tham gia thì người này lại nghĩ người kia quản lý.
“Người ta thường chết vì chủ quan chứ không phải vì không biết. Ngay ở các nước phát triển cũng không tránh được những vụ lừa đảo như vậy” - ông Chiến nhấn mạnh.
Song ông cũng nhìn nhận do không nằm trong nội bộ nên cũng không nắm được hết các số liệu, các thông tin để biết rằng việc kiện tụng có thực sự mang lại kết quả hay không. 
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia Đoàn Đình Hoàng, người có nhiều kinh nghiệm trong phát triển chuỗi mảng F&B cho rằng, việc đóng cửa hay phá sản một chuỗi là do cạn kiệt nguồn tiền chi trả cho các nhu cầu đến hạn.
Ông Hoàng cũng chia sẻ rằng, một số người cho rằng với nguồn đầu tư khủng lên tới 70 triệu USD thì làm sao mà Huy Việt Nam có thể mất khả năng chi trả, liệu có vấn đề trục lợi của người điều hành công ty. Nhưng chuyện đó không có thông tin kiểm chứng, ngay cả thông tin vốn huy động lên tới 70 triệu USD cũng chưa chắc chắn chuẩn xác. Luồng tin phổ biến nhất trên báo chí là 2 vòng gọi vốn 30 triệu USD tương đương 650 tỷ đồng, và đây cũng chỉ là vốn công bố. 
“Với mức độ mở rộng gần 200 cửa hàng trải rộng khắp cả nước, theo đó đầu tư nhà xưởng, máy móc, công nghệ quản trị… trong khi doanh thu không bù nổi chi phí, thì con số 30 triệu USD (nếu thực sự huy động được) cũng ra đi nhanh chứ không phải do quản trị công ty. Với những con “sói già” như quỹ đầu tư sinh ra là để cầm tiền đi đầu tư mà nói không có khả năng kiểm soát quản trị, bị lừa là câu chuyện khó xảy ra” - ông Hoàng đánh giá.
Cũng theo góc nhìn của chuyên gia này, ở một chi tiết trước khi đóng cửa chuỗi thì Huy Việt Nam đã giảm vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng xuống 600 tỷ đồng, rất có thể một dòng vốn đã không vào nữa bởi quỹ đầu tư nhìn thấy bất ổn trong quản trị nên không tiếp tục rót vốn. Tất nhiên nếu đã kiện tụng thì sẽ có sự tham gia của cơ quan điều tra và nhiều vấn đề sẽ lộ diện trong thời gian tới. 

Gọi vốn không dễ như gameshow
 Không phải lúc nào các NĐT cũng có thể kiểm soát hết tất cả, cũng có những trường hợp NĐT phải nuốt trái đắng khi DN nhận vốn không sử dụng đúng cam kết. Với một thị trường còn nhiều tiềm năng như Việt Nam, mối quan hệ giữa NĐT và DN gọi vốn sẽ còn là đề tài thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Những năm gần đây, một số DN khởi nghiệp của Việt Nam nổi đình đám thông qua những vòng gọi vốn triệu USD, thậm chí Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến ưa thích của nhiều quỹ đầu tư khu vực và thế giới.
Theo thống kê,  trong 3 năm trở lại đây vốn đầu tư cho các startup Việt Nam tăng nhanh. Năm 2018 vốn đầu tư cho startup là 889 triệu USD, gấp 3 lần năm 2017 và 5 lần so với năm 2016.
Và ngay tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 6 vừa qua, đã có những cam kết rót vốn của các quỹ đầu tư rất đáng chú ý. Thậm chí, giám đốc một quỹ đầu tư của Nhật tại Việt Nam còn cho biết giá đầu tư vào DN khởi nghiệp Việt Nam hiện nay đang cao hơn mức bình thường. Đó là tin vui, nhưng phía sau những con số đẹp được công bố thì thực tế DN khởi nghiệp nhận được bao nhiêu chỉ có người trong cuộc mới rõ nhất. 
Đó là chưa kể hành trình gọi vốn cũng rất gian nan, vì bản chất quỹ đầu tư luôn là người đưa ra luật chơi, mang đến các quy trình thẩm định khắt khe để bảo đảm an toàn cho dòng vốn của mình. Đó cũng là lý do hầu như trong các buổi hội thảo, giao lưu câu hỏi đại diện các quỹ nhận được thường là quỹ/NĐT sẽ dựa trên yếu tố nào để quyết định rót vốn.
Tất nhiên để đi đến quyết định đầu tư sẽ phải trải qua nhiều vòng thẩm định khắt khe khác nữa vì “đồng tiền đi liền khúc ruột”, không ai dại mà ném tiền qua cửa sổ. Bởi khi rót vốn nhiều quỹ còn cử người vào ghế quản trị để kiểm soát hoạt động. 
Ngay như trong chương trình truyền hình đang khá nổi tiếng trong giới khởi nghiệp là Shark tank hiện nay, thoạt nhìn việc xuống tiền của các shark rất mạnh tay, thậm chí với một số DN khởi nghiệp các shark còn tranh nhau đầu tư. Thế nhưng phía sau màn ảnh nhỏ là gì, DN khởi nghiệp thực sự nhận được đầu tư từ các shark vẫn chưa có những con số chính xác.
Nhiều nhận định đều cho rằng đó thực ra cũng chỉ là một gameshow, nơi các DN khởi nghiệp có cơ hội được truyền thông nhiều hơn khi tham gia chương trình, đồng thời có thể nhận được những lời khuyên quý báu của các "cá mập" cho dự án kinh doanh của mình.
Còn các "cá mập" khi tham gia cũng không phải để tìm chỗ đầu tư, nhất là đầu tư theo kiểu chóng vánh thông qua những chia sẻ chiến lược, kế hoạch kinh doanh của các DN khởi nghiệp chỉ trong vài chục phút. Rất có thể các "cá mập" ngồi đó để quảng bá, khẳng định thương hiệu DN mình và tìm kiếm những cơ hội hiếm hoi từ các startup.

Các tin khác