Khủng hoảng nhân lực

(ĐTTCO)-Đại dịch Covid-19 không chỉ khiến nhân sự ngành dịch vụ buộc phải nghỉ việc với số lượng lớn, nhiều ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam như dệt may, da giày… cũng đang bắt đầu phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên vì không có nguyên liệu, đơn hàng. 
Băn khoăn cho ngành dệt may hiện nay là thiếu nguyên liệu sản xuất nhưng cho công nhân nghỉ việc là không thể, song giữ lại càng khó hơn.
Băn khoăn cho ngành dệt may hiện nay là thiếu nguyên liệu sản xuất nhưng cho công nhân nghỉ việc là không thể, song giữ lại càng khó hơn.
Không đủ việc cho công nhân
Theo thông lệ hàng năm, trước Tết Nguyên đán, Công ty May Minh Long Hưng chuẩn bị lượng hàng tương đối để tung ra ngay sau tết. Nhưng năm nay, dịch viêm phổi đã làm đảo lộn tất cả. Người dân thắt chặt chi tiêu, hàng bán không được, đã khiến công ty không dám tiếp tục sản xuất, máy móc tạm ngưng, công nhân phải cho nghỉ đến 2/3. 
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Minh Long Hưng, chia sẻ cho công nhân tạm nghỉ nhưng vẫn phải trả 70% lương cơ bản để giữ chân họ, nếu không khi quay trở lại nhịp sản xuất sẽ thiếu người. Với những người ở lại để có việc làm cho họ, công ty phải đi năn nỉ các đối tác có vốn nhàn rỗi rót vốn trước, công ty sẽ chiết khấu gấp đôi.
“Làm hàng nội địa với lượng công nhân trên dưới 100 người còn đỡ vất vả, những DN làm hàng may mặc xuất khẩu với hàng ngàn công nhân đang hết sức khó khăn trong bối cảnh hiện nay” - ông Sinh nói. 
Trao đổi với ĐTTC, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết nhiều DN đang thiếu nguyên liệu đầu vào, không có đơn hàng đầu ra, đứng trước áp lực lớn dư thừa lao động nhưng vẫn phải trả lương, bảo hiểm. Nếu không cầm cự nổi DN sẽ buộc phải cho lao động nghỉ việc luân phiên. 
Tương tự, da giày là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động và cũng đang trong tình trạng khủng hoàng thừa nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Trí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Gia Định, cho biết đang rất khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào do việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế không đơn giản. Hiện nhiều DN trong ngành đang bắt đầu cho công nhân nghỉ việc. Riêng giày Gia Định từ thứ 2 này có xưởng cho công nhân nghỉ luân phiên, có xưởng phải nghỉ 10 ngày. 
Cho công nhân nghỉ nhưng vẫn phải trả lương cơ bản trong khi DN lớn có hàng ngàn công nhân nên chi phí rất lớn. Phía DN mong có sự hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước. Ông Trung lấy thí dụ về việc hỗ trợ DN ở Campuchia, khi DN buộc phải cho công nhân nghỉ việc chỉ phải chi trả 60% lương cơ bản, trong đó DN chịu 40% còn nhà nước hỗ trợ 20%.
“Đó là những hỗ trợ rất thực tế và chúng tôi cũng mong mỏi những điều tương tự như vậy. Covid-19 không chỉ tác động trực tiếp lên các ngành dịch vụ mà những ngành sản xuất cũng đang chịu tác động rất lớn. DN đang phải đứng trước nhiều bài toán nan giải” - ông Trung chia sẻ. 
Từng là một trong những DN thuộc khu công nghệ cao TPHCM có kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành tháo gỡ khó khăn để có nguyên liệu sản xuất, Công ty Datalogic, chuyên sản xuất máy quét mã vạch xuất khẩu, cho biết hiện sản xuất vẫn chưa thể quay lại bình thường vì mới khôi phục được hơn 50% nguyên liệu.
Ông Đặng Văn Chung, Giám đốc nhà máy của Datalogic, cho biết công ty đang cố gắng cầm cự chưa để công nhân phải nghỉ việc. Nguyên liệu đầu vào tắc nghẽn, đầu ra cho sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng cũng hết sức khó khăn vì đơn hàng giảm, trong khi nhiều hội chợ, triển lãm, ký kết các hợp đồng mới, đã bị hủy, hoãn trên diện rộng. 

Kỳ vọng phục hồi từ tháng 6
 Theo kết quả khảo sát mới nhất, gần 74% DN cho biết có nguy cơ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng…
Bối cảnh nhân lực hiện nay khá ảm đạm, tuy nhiên đã có những ý kiến kỳ vọng những thông tin tích cực hơn từ đầu tháng 4 tới. Hiện nay Trung Quốc đang khống chế khá tốt dịch Covid-19 và quyết tâm phục hồi kinh tế. Như vậy việc nối lại nguồn cung ứng nguyên vật liệu phục vụ cho trung gian sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam trong quý II khả thi cao. Và khi ấy các nhà máy của Việt Nam cũng có thể sôi động trở lại, công nhân sẽ lại có việc làm, thu nhập dần ổn định. 
Tuy nhiên, phía DN hiệp hội vẫn cho rằng cần có thời gian và khoảng tháng 6 mới phục hồi trở lại. Lý do, tuy một số nhà máy của Trung Quốc đã bắt đầu quay lại sản xuất nhưng họ cũng cần thời gian. Ngoài ra nguyên phụ liệu chúng ta cần cũng rất đa dạng nên chưa thể đủ ngay được.
Đó là chưa kể việc giá đầu vào sẽ tăng, logistics chưa thuận tiện, việc kiểm dịch cũng mất thời gian hơn. Mối lo đầu vào dần được giải tỏa, đầu ra lại đang khó khi dịch bùng phát đến hơn 100 quốc gia trên thế giới sẽ khiến đơn hàng giảm mạnh. Những lao động trong các ngành sản xuất có thể kỳ vọng sự phục hồi từ tháng 6, nhưng những ngành dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn hết sức mong manh.
Ngành du lịch hiện đang đóng băng và gần như chưa tìm thấy ánh sáng “phía cuối đường hầm”, nên người lao động cũng chưa dám kỳ vọng khi nào sẽ có việc làm trở lại. 
Có thể thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây nên những khủng hoảng về nhân sự tại nhiều DN, đặc biệt là DNNVV có vốn không nhiều, chưa kể một số công ty phải đi vay và đang tìm cách xoay sở.
Trong khi DN đang khó khăn, nhiều người lao động phải nghỉ việc hoặc nghỉ việc tạm thời, Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó Covid-19, được nhiều DN cho là rất kịp thời. Song cũng còn nhiều nội dung DN băn khoăn không biết “trên nói dưới có nghe” hay không. 

Các tin khác