Kinh tế tư nhân - Động lực quan trọng nền kinh tế (Bài 2)

(ĐTTCO)-Bên cạnh những chuyển động tích cực, với nhiều doanh nghiệp, điều họ ngán ngại nhất, vẫn là lo sợ rủi ro.
 
Hàng hóa cập bến tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: LÃ ANH
Hàng hóa cập bến tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: LÃ ANH

Rủi ro môi trường kinh doanh

Những năm qua, trong công việc của mình, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, tham dự nhiều hội thảo, diễn đàn. Điều tích cực là khá nhiều nhà đầu tư nhận định môi trường kinh doanh Việt Nam đang dần tốt lên. Nhiều chính sách, định hướng quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được khẳng định. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển động tích cực, với nhiều DN, điều họ ngán ngại nhất, vẫn là lo sợ rủi ro.

Rủi ro thay đổi chính sách

Với đa phần DN, rủi ro đến từ thay đổi chính sách có lẽ đáng lo nhất. Một chính sách ra đời có thể làm họ đối mặt với nguy cơ thua lỗ hay phá sản nhanh hơn bất cứ một rủi ro nào đó từ thương trường. Dẫn chứng cụ thể là Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí gas (bài trước đã có đề cập) đã dựng lên hàng rào khiến các DN nhỏ không thể thực hiện được dẫn đến nguy cơ hàng chục DN đang kinh doanh yên ổn bấy lâu bị đẩy ra khỏi thị trường.

Nhiều DN chỉ biết gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan quản lý, đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng quy định này đang dồn họ đến “bước đường cùng”, phải đóng cửa, phá sản. Cay đắng là có DN kể, sau khi Nghị định 19 ra đời, đã có DN lớn chào mua lại DN 5 tỷ đồng, dù trước đó hơn 1 năm, DN được định giá 15 - 20 tỷ đồng.

Trong năm 2016, một công ty cỡ vừa sản xuất bao bì cao cấp gửi đơn kêu cứu đến VCCI. Lý do là từ năm 2010 đến nay, công ty nhập giấy nguyên liệu từ một nhà cung cấp, khi khai báo hải quan năm 2010 thì chi cục hải quan đã lấy mẫu, phân tích, phân loại tại trung tâm của Tổng cục Hải quan và xếp vào mã thuế với mức thuế 0% và tiến hành thông quan. Từ đó về sau năm nào cơ quan hải quan cũng lấy mẫu tái kiểm tra và đều xác nhận là mã thuế đúng như vậy.

Đột nhiên 1 năm gần đây, cơ quan hải quan lấy mẫu lại xác định là mã khác và áp thuế 5%. Trong khi, tất cả các lô này đều cùng một chủng loại hàng, từ một nhà cung cấp ổn định.

Đáng nói là mức thuế 5% này không chỉ áp dụng từ đó trở về sau mà còn kèm theo là quyết định truy thu toàn bộ thuế theo mức 5% cho tất cả lô hàng mà DN đã nhập từ 2010 đến nay. Phải nộp thêm gần 6,5 tỷ đồng tiền truy thu, DN khóc dở mếu dở! Việc áp mã trước đây vốn của cơ quan hải quan, công ty không tự khai; cơ quan hải quan khi giám sát thường xuyên vẫn bảo DN đúng. Hàng đã bán, lãi (nếu có) đã chia, mọi thứ hạch toán, quyết toán, báo cáo thuế đã xong. Nhưng đùng một cái, mọi thứ đảo ngược!

Rủi ro này không chỉ đến từ DN nhỏ và vừa ở khu vực tư nhân mà còn xảy ra cả với DN lớn, thuộc sở hữu của Nhà nước. Hai Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) cũng từng phải đối mặt.

Quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt từng được Tổng cục Thuế, cục thuế địa phương hướng dẫn và DN áp dụng nhiều năm. Cơ quan kiểm toán từng kiểm toán; cơ quan thuế kiểm tra nhiều lần. Tất cả đều hướng dẫn và xác nhận là đúng, DN yên tâm thực hiện. Nhưng chỉ cần một lần, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán và kiến nghị truy thu, SABECO bị truy thu trên 1.000 tỷ đồng, HABECO trên 800 tỷ đồng cho những năm trước đó.

Đối với cả DN lớn và DN bé, trong hay ngoài nước, việc áp dụng hồi tố kiểu này quá nguy hiểm và tạo tiền lệ quá xấu trong kinh doanh ở Việt Nam. Với những DN nhỏ, đây dường như là những bản án tử có thể đến bất cứ lúc nào đối với họ.

Rủi ro về chi phí ngầm

Từng nhận được nhiều bức thư kêu oan hay phản ánh từ DN nhưng tôi nhớ mãi một bức thư viết tay của một chủ DN tại một tỉnh miền Trung gửi đích danh. Bức thư “không dám” ghi tên, địa chỉ. Trong thư ông cho biết, ông là chủ một DN nhỏ. Để có thể hoạt động được, nuôi sống gia đình, trả lương công nhân và nộp thuế cho Nhà nước, hàng tháng ông vẫn phải “đóng phí” bôi trơn cho nhiều lực lượng chức năng khác nhau... Khoản phí đen này tính công khai theo tháng, quý và ngày lễ tết.

Cũng theo ông, không thể làm khác được vì với những quy định pháp luật hiện nay thì vi phạm là bất khả kháng. Bó thép 1 ly, thanh thép vuông, cuộn tôn nhỏ được cắt ra thì dán tem nhãn ở đâu được nên chắc chắn phải vi phạm quy định về tem nhãn hàng hóa! Quy định và áp dụng về quá khổ, quá tải cứng nhắc nên cứ vận chuyển ra đường là chắc chắn vi phạm quy định về giao thông.

Bản thân quy định cũng không cho phép DN thực hiện đúng, cách nào cũng phải vi phạm! Chẳng hạn trong lĩnh vực vận tải ô tô. Theo quy định, mỗi chiếc ô tô vận tải lăn bánh ra đường phải có phù hiệu, nhưng xe muốn có phù hiệu thì DN phải có chức năng kinh doanh vận tải. Nhiều DN dù không kinh doanh ngành nghề này, xe chỉ để chở hàng nội bộ nhưng cũng phải đăng ký, xin phép thêm một ngành mới chỉ để đỡ bị phạt. Nhưng những DN có vốn đầu tư nước ngoài, dù muốn cũng không thể được, vì ngành kinh doanh vận tải chưa mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài! Không cách nào thực hiện đúng! Chỉ có cách phải trả tiền bôi trơn để tồn tại!

Rủi ro tăng giá, phí

Khi lên kế hoạch kinh doanh, DN thường tính đến dài hạn, các bài toán lỗ lãi được tính toán cả chục năm trời. Chi phí nguyên liệu, chi phí vật tư tăng DN còn chủ động, đàm phán được, mua bảo hiểm phòng ngừa “chứ Nhà nước tăng tiền thuê đất đột ngột cao là chịu”. Cuối năm 2016 vừa rồi, tham dự một cuộc hội thảo về giá thuê đất của các DN du lịch tại một tỉnh, hàng chục DN tham dự đều kêu về sự tăng cao ngỡ ngàng của giá thuê đất. Nhiều DN nhận được bản áp giá thuê đất mới tăng 10 - 16 lần so với giai đoạn trước.

Một DN nhỏ nhận “trát” nộp tiền thuê đất mới 8,6 tỷ đồng/năm từ mức 580 triệu đồng/năm trước đó, trong khi vốn điều lệ chỉ có 8,1 tỷ đồng. Trường hợp khác, có DN tư nhân lớn đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho một dự án lớn trọng điểm tại tỉnh thì mới nhận được văn bản tính giá tiền thuê đất tăng đến 14 lần so với hợp đồng thuê đất 50 năm được ký chỉ cách đó… 5 năm. Điều này khiến DN “choáng váng”, mọi phương án kinh doanh lạc quan nhất sụp đổ.

Cũng đầu năm 2017 này, nhiều DN gọi điện cho tôi phàn nàn về quy định thu phí hạ tầng cảng biển mới của Hải Phòng. Việc đặt quyết định thu phí đột ngột khiến nhiều DN trở tay không kịp, khi nhiều hợp đồng đã chốt giá trước đó khiến lãi bay biến. Mức độ tăng phí hạ tầng cảng biển dạng này cùng rất nhiều loại phí có tên và không tên khác đang khiến mức độ cạnh tranh của hàng hóa và DN Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề.

Đã có nhiều văn bản chỉ đạo, thậm chí yêu cầu từ Chính phủ xem xét, trình HĐND TP Hải Phòng điều chỉnh giảm phí nhưng tại kỳ họp HĐND TP Hải Phòng gần đây, nội dung này không được xem xét. Và, trong một thông báo mới đây của quận Hải An (đơn vị được ủy quyền thu phí), DN xuất, nhập khẩu từ 1-1 đến 21-8 chưa nộp phí khẩn trương thực hiện nộp phí những lô hàng đó trước ngày 15-9. Nếu không nộp DN sẽ bị xử phạt, cưỡng chế, hải quan sẽ dừng làm thủ tục.

Có một DN gửi thư đến nhờ giúp đỡ và cho biết, DN nhập khẩu than từ Trung Quốc về thông thường mỗi tàu là 10.000 tấn. Hàng hóa sau khi cập cảng Hải Phòng thì sẽ sang tàu nhỏ để chuyển hàng về Thái Nguyên cung cấp cho Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên.

Thực tế, DN chỉ sử dụng chủ yếu là phần mặt nước trong cảng để chuyển hàng hóa nên việc sử dụng kết cấu hạ tầng, kho bãi và các dịch vụ công ích rất ít. Nhưng với yêu cầu bắt buộc phải nộp 20.000 đồng/tấn hàng hóa bất kể có lưu kho bãi hay có sử dụng hạ tầng, DN gặp rất nhiều khó khăn vì gia tăng chi phí.

Chính vì vậy, cộng đồng DN đang rất hy vọng vào những tuyên bố gần đây của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ là phải giảm triệt để chi phí kinh doanh cho DN, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, phải cắt giảm các giấy phép kinh doanh và điều kiện kinh doanh. Chỉ khi có những hành động thiết thực như vậy thì các DN Việt mới thoát được khỏi “ám ảnh rủi ro” đeo đẳng trong kinh doanh.

Các tin khác