Kỳ vọng Tây Đô chuyển mình

(ĐTTCO) - Với chủ đề “Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển”, Hội nghị Xúc tiến Đầu tư  (XTĐT) TP Cần Thơ năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày mai 10-8, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham dự của các lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, các tổ chức quốc tế cùng hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Điểm đến hấp dẫn
Nằm ở vị trí trung tâm, TP Cần Thơ là một trong 4 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL. Trong những năm qua, TP tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng đồng bộ, tích cực, từng bước củng cố được nội lực của nền kinh tế. Cần Thơ hôm nay đang tạo được phát triển vượt bậc, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của vùng.
 Để hội nghị XTĐT lần này có hiệu quả thiết thực, đạt kết quả cao, ngoài phát huy tối đa nguồn lực hiện có, Cần Thơ cũng nóng lòng có một cơ chế chính sách đột phá, vượt trội hơn trước đây để thu hút các nhà đầu tư, phát triển Cần Thơ xứng đáng với vị thế trung tâm vùng ĐBSCL.
Ông VÕ THÀNH THỐNG,
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ
Cần Thơ hiện có 8 khu công nghiệp tập trung và 1 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, được quy hoạch xây dựng ở các vị trí thuận tiện về giao thông đường thủy, đường bộ, lại nằm ở trung tâm vùng nguyên liệu nông - thủy - hải sản…nên có nhiều triển vọng trong thu hút đầu tư. 
Trong những năm gần đây, TP đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội giúp tạo ra thế và lực mới cho địa phương nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung. Cần Thơ đang hướng tới mục tiêu là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, trung tâm chăm sóc sức khỏe và văn hóa của vùng.
Trong thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, Cần Thơ còn tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm đưa TP trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.
Trong vòng 6 năm trở lại đây, Cần Thơ luôn nằm trong nhóm đứng đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2017, Cần Thơ đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng PCI, năm 2016, Cần Thơ xếp vị trí thứ 5 trong danh sách 10 địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất của cả nước được doanh nghiệp lựa chọn.
Theo Trung tâm XTĐT - Thương mại và Hội chợ triển lãm TP Cần Thơ, năm 2017, TP Cần Thơ có 77 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư là 656,8 triệu USD, vốn thực hiện 422 triệu USD, chiếm khoảng 64,3% tổng vốn đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm: Môi trường và cơ chế, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút mạnh đầu tư, nhất là số dự án vốn FDI có giá trị lớn, công nghệ tiên tiến còn hạn chế.
Để trở thành điểm đến hấp dẫn, Cần Thơ đã và đang đổi mới công tác XTĐT, thương mại của TP, như tập trung vào các quốc gia trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...); khai thác và triển khai hành động cụ thể giữa các trung tâm xúc tiến trong cả nước, các văn phòng thường trực nước ngoài tại Việt Nam, đẩy mạnh thu hút các dự án quy mô lớn, như: Trung tâm Logistics, khu công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản Cần Thơ, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, quảng bá và kêu gọi đầu tư vào Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP). Tham gia các hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành và khu vực khác nhằm quảng bá tiềm năng kinh tế thương mại địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng.
Kỳ vọng Tây Đô chuyển mình ảnh 1 Một góc TP Cần Thơ, trung tâm vùng ĐBSCL. Ảnh: PHÚC VINH 
Lan tỏa và chia sẻ
Trong 2 năm trở lại đây, một số tỉnh thành ở ĐBSCL đã tổ chức hội nghị XTĐT nhưng cách chọn chủ đề của cần Thơ lần này khá hay và hàm chứa thông điệp vị trí “đắc địa của Cần Thơ”. Từ rất lâu nhiều người vẫn gọi Tây Đô để chỉ địa giới hành chính của Cần Thơ. Nói nôm na trong lòng nhiều người nhìn nhận “Tây Đô – như thủ đô của miền Tây”.
Phát biểu tại buổi họp báo về Hội nghị XTĐT vào TP Cần Thơ vừa tổ chức mới đây, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chân thành: “Chọn chủ đề chia sẻ tiềm năng, chúng tôi mong các địa phương trong vùng cùng phát triển. Cần Thơ không có gì lo ngại khi các tỉnh lân cận thu hút được nhiều nhà đầu tư. Trái lại cùng với sự kết nối hạ tầng thương mại, dịch vụ của Cần Thơ sẽ tương tác hỗ trợ cùng nhau phát triển”.
Kỳ vọng Tây Đô chuyển mình ảnh 2 Một góc chợ nổi Phong Điền, Cần Thơ, tiềm năng lớn phát triển du lịch vườn và sông nước ĐBSCL. Ảnh: T.VÂN 
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết thêm: “Đây là chủ đề được TP Cần Thơ cân nhắc kỹ và lựa chọn cho hội nghị XTĐT năm 2018. Xuất phát điểm của TP Cần Thơ cũng như các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, phát triển kinh tế từ nông nghiệp là chủ yếu, sau đó là công nghiệp và thương mại dịch vụ trong tình hình mới. Song xuất phát điểm của Cần Thơ là rất thấp, vì vậy để phát triển bền vững và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vấn đề cần đặt ra là chúng ta phải tăng cường kêu gọi đầu tư. Muốn làm được điều này phải chia sẻ lẫn nhau.
Tiềm năng mà TP Cần Thơ hiện có đó là tài nguyên đất đai, cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng giao thông (thuỷ, bộ và hàng không), hạ tầng kỹ thuật và kinh tế xã hội có đầy đủ các tiện ích, dịch vụ mà nơi khác chưa đáp ứng được. Ngoài ra, tiềm năng mà chúng tôi hiện có đó là nguồn lực, con người, lực lượng lao động qua đào tạo…đây chính là tiềm năng và thế mạnh mà chúng tôi có được và sẵn sàng chia sẻ. 
Ngược lại, nhà đầu tư đến với địa phương sẽ có các tiềm năng như, vốn, công nghệ, năng lực quản trị được cụ thể hoá bằng những dự án cụ thể, và sự phối hợp giữa các tiềm năng sẽ tạo nên những nét mới cùng nhau phát triển và lại tạo nên những tiềm năng mới, lớn hơn nữa”. 
Đợt này Cần Thơ kêu gọi 54 dự án đầu tư với tổng số tiền lên đến trên 124.000 tỷ đồng. Đến nay, 44 dự án đã được các nhà đầu tư quan tâm. Kết quả này vừa là thuận lợi, nhưng cũng là điều mà TP Cần Thơ trăn trở, cân nhắc trong việc lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm năng.
Tại Hội nghị, Cần Thơ sẽ giới thiệu và mời gọi đầu tư 54 danh mục dự án với tổng giá trị gần 124.000 tỷ đồng (tương đương, 5,5 tỷ USD). Trong đó có 21 dự án bất động sản;  9 dự án về hóa, thể thao, du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch; 9 dự án về cơ sở hạ tầng nông thôn công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp dự án kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao và y tế và 1 dự án về công nghệ thông tin.  Đặc biệt, lần này Cần Thơ còn mời gọi 2 dự án liên quan đến lĩnh vực Logistic là Trung tâm Logistic hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế ĐBSCL tại TP Cần Thơ, vốn đầu tư dự kiến trên 4.100 tỷ đồng; dự án đầu tư Trung tâm Logistic hàng không Cần Thơ, vốn dự kiến 400 tỷ đồng.

Các tin khác