Làm gì được Uber, Grab?

(ĐTTCO)-Bộ Giao thông Vận tải cho rằng không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động và đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng.
 
Làm gì được Uber, Grab?

Trong những ngày qua, các hãng taxi hoạt động tại Hà Nội như: Mai Linh, VIC, Mỹ Đình, Sao Thủ Đô, Hoàn Kiếm... đã dán băng-rôn trên các xe bày tỏ phản đối Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Nội dung như: "Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch...", "50.000 xe thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỉ đồng nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỉ đồng. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?".

Thất thoát ngân sách?

Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc dán khẩu hiệu trên hoàn toàn là hành động tự phát của các doanh nghiệp (DN) (Mtaxi, không phải là ý chí của hiệp hội vì mọi việc hiệp hội phải kiến nghị bằng văn bản. "Họ thấy quyết định trên ảnh hưởng tới quyền lợi của họ thì họ dán để phản đối quyết định, biểu thị ý kiến" - ông Bình nói.

Tuy nhiên, bình luận về Quyết định 24 của Bộ GTVT, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nhấn mạnh: "Quyết định 24 chỉ là thí điểm, cũng có sai, có đúng. Nếu đã sai thì phải sửa, phải bỏ những cái sai chứ".

Trước đó ít ngày, hiệp hội này đã có báo cáo các sai phạm của chương trình thí điểm triển khai hoạt động vận tải hành khách có ứng dụng công nghệ kết nối được ban hành tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT và kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9-2017; đồng thời, tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là gây ra nhiều bất an cho xã hội khi số lượng xe Uber, Grab đang hoạt động hiện đã vượt 50.000 chiếc.

Cho rằng Uber, Grab đang gây thất thoát ngân sách quốc gia, hiệp hội này lý giải: "Với số 20% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng thì mỗi năm, dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 3.600 tỉ đồng. Số tiền thất thu của ngân sách nhà nước là rất lớn".

Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT cho rằng không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động và đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, bình đẳng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng nhấn mạnh đây loại hình quản lý vận tải đã phổ biến ở nước ta vài năm nay.

Theo ông Đông, về thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ đã cho thí điểm và đang triển khai tại các đô thị. Theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh, thành quản lý giao thông trên địa bàn, gồm phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có cả quản lý quy hoạch giao thông.

"Việc kiểm soát số lượng phương tiện theo loại hình nào là thẩm quyền của các địa phương. Đây là kiến nghị của Hiệp hội Vận tải, địa phương sẽ xem xét, tùy theo điều kiện hạ tầng giao thông cụ thể của các địa phương, có thể quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu của người dân, phù hợp điều kiện phát triển hạ tầng" - Thứ trưởng Đông nói.

Dán băng-rôn phản đối là phản cảm

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết ngay sau khi nhận được phản ánh về việc trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh xe taxi dán biểu ngữ phản đối Quyết định 24/QĐ-BGTVT, Sở GTVT đã có công văn gửi các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TP, đề nghị các đơn vị kinh doanh taxi tháo bỏ toàn bộ các biểu ngữ này trên các taxi do đơn vị quản lý; tuyên truyền, tập huấn đến đội ngũ lái xe của đơn vị không tham gia tụ tập đông người và phương tiện tại những địa điểm công cộng gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng hành động biểu thị phản đối chính sách bằng hình thức dán băng-rôn là phản cảm, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ở góc độ pháp lý, bình luận vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng các DN taxi truyền thống có quyền bày tỏ quan điểm phản đối với taxi công nghệ nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật bởi về nguyên tắc, công dân được làm những gì pháp luật không cấm.

"Nếu có sự thất thu thuế từ loại hình kinh doanh này thì cần phải xem đã có kết luận chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay chưa?" - luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.

Các tin khác