Lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn

(ĐTTCO) - Năm 2019, kinh tế Việt Nam nổi lên trong khu vực do hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, cùng với đó là thị trường chứng khoán đang nằm trong tâm điểm nâng hạng. Trong bài toán thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như gián tiếp (FPI), lạm phát cũng là chỉ số luôn được chú trọng.

Lạm phát tổng thể và lạm phát lõi
Kết thúc năm 2018, lạm phát tổng thể giảm trong quý IV, nhưng lạm phát lõi lại tăng. Cụ thể, lạm phát được kìm ở dưới mức 4% và được ghi nhận xuống dưới 3% vào tháng 12-2018. Điều này có phần trái ngược, vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thường được ghi nhận tăng vào quý IV hàng năm, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trung bình cả năm, mức lạm phát đạt 3,45%.
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự kìm hãm được lạm phát này, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), cho rằng nguyên nhân chính nằm ở giá năng lượng bất ngờ đảo chiều giảm mạnh kể từ tháng 10-2018. VEPR cũng đánh giá CPI năm 2018 tăng nguyên nhân đến từ cầu hàng hóa át cung, trong đó nhóm lương thực, thực phẩm làm CPI tổng tăng 0,61%, nhóm hàng năng lượng dù đảo chiều giảm vẫn đẩy CPI tổng cả năm tăng 0,63%. 
Lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn ảnh 1 Tình hình lạm phát toàn phần và lạm phát lõi Việt Nam qua các quý (%,yoy) 
So sánh lạm phát tổng thể và lạm phát lõi, Việt Nam đang có xu hướng nhích tăng nhẹ ở lạm phát lõi kể từ quý IV-2018, trong khi lạm phát tổng thể lại theo hướng giảm từ quý III-2018. Lạm phát nói chung đo lường sự biến động của mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế.
Lạm phát lõi cũng đo lường những biến động này, nhưng loại bỏ đi những biến động tạm thời, thí dụ những cú sốc nhất thời, ngắn hạn về giá của một số mặt hàng trong rổ hàng hóa, nhằm mô tả đúng hơn về việc mức giá chung thực ra có tăng hay không, và tương quan giữa lạm phát với mức giá và giá trị đồng nội tệ.
Đơn cử, giá thịt gia cầm có thể giảm khi có thông tin dịch cúm gia cầm, do phía cầu sụt giảm, nhưng điều đó sẽ kết thúc khi đợt dịch cúm qua đi. Do đó, sự biến động giá này loại ra trong cách tính lạm phát lõi, nhằm thể hiện tình hình kinh tế rõ ràng hơn.
 
Nút thắt lạm phát trong điều tiết CPI
Trong năm nay, mức lạm phát của Việt Nam được chuyên gia đánh giá là vấn đề cần lưu tâm điều tiết nếu muốn đạt được tất cả mục tiêu ổn định vĩ mô Quốc hội đã đặt ra. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, năm nay Việt Nam chỉ đạo điều hành CPI trong khoảng 3,3-3,9%. Mục tiêu này đang bị thách thức bởi những nút thắt sau: 
Giá xăng dầu: Mức thuế môi trường áp dụng cho mỗi lít xăng 4.000 đồng đã được chính thức áp dụng từ ngày 1-1-2019. Tuy nhiên nhờ vào bối cảnh giá dầu thế giới đang ở mức rất thấp, nên người tiêu dùng chưa cảm nhận được giá cả xăng dầu đã đắt đỏ hơn. Giá xăng dầu tăng thường kéo theo giá những hàng hóa khác tăng, vì xăng dầu là nhiên liệu cho nhiều chuỗi sản xuất, điển hình như ngành vận tải… 
Giá cả dịch vụ y tế: Theo Thông tư 02/2017/TT-BHYT của Bộ Y tế, giá cả dịch vụ y tế được các địa phương điều chỉnh tăng. Trong năm 2018, triển khai thông tư này đã làm CPI tăng 0,54% do giá nhóm này tăng 13,86%. 
Lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn ảnh 2 Dự báo tăng trưởng và lạm phát Việt Nam 2019 (%, yoy). 
Giá cả hàng hóa và dịch vụ giáo dục: Để cải cách tiền lương giáo viên, cũng như bổ sung kinh phí cho xây dựng trường lớp và nhiều khoản khác, Việt Nam đang triển khai tăng học phí theo lộ trình. Trong năm 2018, nhóm này tăng giá 7,12% đã làm CPI tăng 0,37%. Năm 2019 giá cả nhóm này sẽ tiếp tục triển khai tăng. 
Như vậy, trong tổng số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ trên, năm nay trước mắt sẽ có 3 nhóm chắc chắn tăng giá, sẽ là thách thức quan trọng trong điều tiết chính sách tiền tệ.
Theo Cục Thống kê, rổ hàng hóa để tính CPI của Việt Nam gồm 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, kỳ gốc được chọn sử dụng mức giá để so sánh là mức giá năm 2014. 11 nhóm hàng hóa này gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giầy dép; nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giao thông; bưu chính viễn thông; giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác. 
Chính sách tiền tệ điều tiết CPI luôn có nhiều thách thức. Bởi lạm phát không những đo lường sự biến động của CPI, và lạm phát không những ảnh hưởng theo tỷ lệ 1:1 đối với lãi suất danh nghĩa, nó còn liên quan đến cung và cầu tiền lưu thông trong nền kinh tế. Thay đổi cung tiền có thể điều tiết được mức giá, mức lãi suất, và từ đó điều tiết được CPI, nhưng nó lại mang lại nhiều điều tiêu cực cho nền kinh tế đã được đề cập nhiều trong lý thuyết về số lượng tiền (*).
Một điều hiển nhiên nữa đã được chỉ ra trong kinh tế học, đó là một chính phủ trang trải những khoản chi tiêu của mình bằng phương pháp in tiền bơm ra nền kinh tế, kết quả sẽ lạm phát, thậm chí siêu lạm phát. Kinh tế học gọi tên cho doanh thu từ việc in tiền đó là thuế lạm phát, được đánh vào những ai nắm giữ tài sản dạng tiền.
Nhìn vào hiện trạng nền kinh tế Venezuela hiện nay, đó là điều chính phủ nào cũng cần phải suy ngẫm về những điều cần đánh đổi khi cân nhắc cho chiến lược phát triển quốc gia.
Vì những nút thắt này, VEPR đưa ra dự báo lạm phát Việt Nam sẽ vượt mức 4% trong quý IV-2019; còn 3 quý đầu năm vẫn sẽ kìm được dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội đặt ra.
---------------
* Lý thuyết về số lượng tiền được phát triển từ thế kỷ 18 bởi David Hume, về sau được bổ sung thêm bởi một nhà kinh tế đoạt giải Nobel là Milton Friedman. Thuyết số lượng tiền cho thấy mức giá chung của một nền kinh tế điều chỉnh để đưa cung tiền cân bằng với cầu tiền, và khi nền kinh tế được bơm ra quá nhiều tiền mức giá chung sẽ tăng lên. Sự tăng trưởng không ngừng của lượng cung tiền sẽ làm cho lạm phát tăng lên, đi kèm với việc đồng tiền mất giá. Đó là điều làm cho cả dòng vốn FDI lẫn FPI tránh xa. 

Các tin khác