Lo ngại “hậu” chuyển giao về “siêu” bộ

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính, cho rằng để tránh chồng chéo giữa các bên, cần có sự phân định rõ vai trò quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (UBQLVNN), hay còn gọi là siêu bộ với vai trò thẩm định về mặt chuyên môn, kỹ thuật của các bộ, ngành trong hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc bàn giao DNNN về UBQLVNN cơ bản đã hoàn thành. Ông nhìn nhận thế nào về quá trình chuyển giao cũng như những hoạt động bước đầu? 
PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: - Hiện nay 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) đã được chuyển giao về UBQLVNN. Song việc quản lý, sử dụng và cơ chế sử dụng vốn đang là vấn đề được quan tâm. Đó là vừa phải tăng tính chủ động của DN, vừa phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Quá trình chuyển giao bước đầu có thể nói đã hoàn tất và không gặp vướng mắc nhiều. 
 UBQLVNN cần sớm xây dựng cơ chế phối hợp làm việc với các các bộ, ngành, trong đó cần phân định rõ chức năng, vai trò, quyền hạn của các bên cũng như rút ngắn thời gian phối hợp công tác để tránh gây khó khăn cho DN.
Nhưng vấn đề hậu chuyển giao rất đáng quan tâm. Cụ thể, hàng loạt dự án, kế hoạch của các TĐ, TCT đang trong giai đoạn tái cơ cấu dở dang, phải xử lý, nhiều dự án chậm trễ, kém hiệu quả. Nhiều dự án chưa hoàn thành, thậm chí có thể bị đình chỉ và mất vốn trong tương lai gần. Vì thế, khi bàn giao về UBQLVNN cần phải thanh, quyết toán cho rõ ràng để có sự phân loại, từ đó áp dụng phương thức quản lý  phù hợp.
Trước mắt, cần xem xét giá trị của các dự án, xác định rõ tổng số vốn và giá trị thực của các đơn vị thực hiện dự án đó. Điều này rất quan trọng, bởi tổng số vốn nếu cộng trên sổ sách có thể rất lớn, nhưng trên thực tế giá trị chưa chắc đã đạt được như vậy, nên đây là khâu cần thiết phải làm.
Nếu các TĐ, TCT đang ở trong thực trạng trên thua lỗ bàn giao về UBQLVNN sẽ không khác gì một “mớ bùng nhùng”, làm mất nhiều thời gian, công sức của ủy ban này, khiến hoạt động của nó thêm rối rắm, khó khăn hơn.
Lo ngại “hậu” chuyển giao về “siêu” bộ ảnh 1 Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, 1 trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương. 
- Có ý kiến cho rằng chỉ riêng việc sắp xếp 19 TĐ, TCT cũng là khó khăn đối với UBQLVNN. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào? 
- Theo tôi, sau khi định giá rồi cần phân loại, sắp xếp các DNNN thành từng nhóm cụ thể, đặc biệt là những DN đang có các dự án làm ăn thua lỗ. Theo đó, nhóm thứ nhất là DN đã cổ phần hóa xong, có những dự án đầu tư đã đi vào hoạt động và trình độ công nghệ ở mức độ trung bình cao, nghĩa là vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu nền kinh tế.
Đối với nhóm DN này, cần tiến hành cơ cấu lại sao cho hoạt động của nó giảm thiểu được các chi phí về nhân công, nguyên vật liệu đầu vào, nhưng đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp DN ổn định, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và đem lại lợi nhuận.
Nhóm thứ hai là các DN có dự án đã hoàn thành. Nhóm DN này dù có trình độ công nghệ kỹ thuật cũ kỹ, lạc hậu, tiêu tốn nguyên liệu song hiệu quả sản xuất kinh doanh lại cao, nên cần gom lại và áp dụng cách thức quản lý khác. Cụ thể đẩy nhanh cổ phần hóa, bán cổ phần, các dự án của nhóm DN này có thể chuyển đổi mục đích khác. 
Nhóm thứ ba là DN có các dự án đang đầu tư dở dang, càng đầu tư càng mất vốn. Những DN này khi bàn giao về UBQLVNN rơi vào tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”. Với nhóm DN này nếu không cổ phần hóa để bán nên cho phá sản. 
- DNNN khi về UBQLVNN cũng kêu gặp không ít khó khăn do sự quản lý vẫn chồng chéo, đặc biệt có DN dự án đầu tư bị chậm trễ do UBQLVNN chậm hoặc thiếu năng lực đánh giá, thẩm định dự án?
- Vấn đề ở đây là cần có sự phân định rạch ròi cho các bên. Trên lý thuyết, về cơ chế quản lý hiện nay UBQLVNN là đơn vị quản lý tất cả nguồn vốn nhà nước tại các DN, tức là đại diện của Nhà nước đứng ra quản lý vốn của Nhà nước ở các DN.
Do đó, họ là sẽ là đơn vị quản lý tổng thể các phần vốn của Nhà nước, hoặc những DN cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn về vốn. Nhưng nếu xét ở phương diện kỹ thuật lại phụ thuộc vào các ngành nghề khác nhau.
Thí dụ, những dự án về hóa chất chỉ có Tổng cục Hóa chất (Bộ KH-CN) là đơn vị chuyên sâu về trong lĩnh vực này mới có khả năng thẩm định được. Hoặc lĩnh vực đầu tư giao thông chỉ có Bộ GTVT phụ trách về kỹ thuật hoặc thi công mới có thể đánh giá, thẩm định được dự án. 
- Theo ông, để tháo gỡ những khó khăn trong cơ chế phối hợp hiện nay, cần có những biện pháp gì? 
- Những vướng mắc, khó khăn ở đây theo tôi hiểu là chưa phân định rõ vai trò cụ thể của các bên và thời gian để phối hợp giữa các cơ quan kéo dài, dẫn đến nhiều dự án bị chậm, ảnh hưởng đến hoạt động của DN.
Do đó, trong quá trình hoạt động, DN cần phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước về việc phân công trách nhiệm giữa UBQLVNN với các bộ, ngành, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa 2 bên, để từ đó tìm cách tháo gỡ. 
- Xin cảm ơn ông. 

Các tin khác