Lượng xe Trung Quốc về Việt Nam tăng gấp 8 lần

(ĐTTCO)-Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập từ Trung Quốc tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó xe con dưới 9 chỗ ngồi gia tăng cả về lượng lẫn chủng loại.
Lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam ngày càng nhiều, trong thời gian tới có thể có nhiều mẫu hơn, trong đó có thể có xe điện (ảnh chụp một showroom xe tại Hà Nội).
Lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam ngày càng nhiều, trong thời gian tới có thể có nhiều mẫu hơn, trong đó có thể có xe điện (ảnh chụp một showroom xe tại Hà Nội).

Cụ thể, tổng lượng xe Trung Quốc nhập về Việt Nam hết tháng 2/2021 đạt 2.000 chiếc, tăng hơn 7,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Các loại xe nhập về có sự gia tăng là xe con dưới 9 chỗ ngồi, xe tải hạng nhẹ và xe chuyên dùng.

Riêng xe con, theo mã số HS của Hải quan, sự gia tăng được ghi nhận ở số lượng tuyệt đối khi nhiều mẫu xe tăng nóng như: MG, Beijing hay Zotye, Baic, Dongfeng...

Các mẫu xe nhập từ Trung Quốc có lợi thế giá rẻ, mẫu mã bắt mắt. Tuy nhiên, các dòng xe Trung Quốc vào Việt Nam hiện chưa có thương hiệu mạnh, tốt để thuyết phục được người tiêu dùng Việt. Dù là nước sản xuất xe lớn nhất thế giới, nhưng qua nhiều năm, các nhà sản xuất xe tại Trung Quốc - 100% vốn FDI hoặc liên doanh không xem Việt Nam là thị trường để xuất khẩu xe.

Các dòng xe Trung Quốc quan tâm đến Việt Nam chủ yếu là thương hiệu nội địa, không quá mạnh và không phải là có lợi thế tại chính quốc.

Trong năm 2020, thương hiệu xe Anh quốc là MG được doanh nghiệp Trung Quốc mua lại đã bắt tay vào kế hoạch chinh phục thị trường Việt một cách bài bản hơn thông qua mở hàng loạt đại lý, xây dựng nhà phân phối, bảo dưỡng, triệu hồi... Điều này khác với việc bán quyền phân phối, ủy quyền cho một doanh nghiệp khác ở Việt Nam để bán xe.

Trung Quốc hiện là nước sản xuất, lắp ráp xe số 1 toàn cầu, có đủ các thương hiệu xe lớn của Đức, Anh, Thụy Điển, Nhật, Hàn Quốc như: Audi, Tesla, Volkswagen, Volvo, Mercedes - Benz, BMW, Toyota hay Hyundai...

Do áp lực và gánh nặng thuế nhập khẩu lớn từ 70-75% nên các dòng xe có xuất xứ từ Trung Quốc về Việt Nam khó có khả năng cạnh tranh được với các dòng xe của Thái Lan, Indonesia. Tuy nhiên, trong từ 7-10 năm tới, Việt Nam sẽ dần giảm thuế nhập khẩu đối với các mẫu xe từ Trung Quốc theo cam kết mở cửa thị trường của Hiệp định RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) đã được ký kết năm 2020.

Hiện, ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc có tốc độ và sự phát triển rất nhanh, mạnh và đi sâu vào hiện đại. Từ nhà sản xuất xe có động cơ đốt trong lớn nhất thế giới, ngành sản xuất xe hơi Trung Quốc đang chuyển đổi trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới vào năm 2035.

Hàng loạt các hãng xe liên doanh, xe nội địa của Trung Quốc đã thực hiện các tham vọng xây dựng xe xe điện (EV), xe lai sạc điện (PHV) hoặc xe chạy bằng hydro hóa lỏng (FCV) từ những năm 2018 và bắt đầu đưa vào sản xuất 10% - 20% sản lượng xe xanh từ năm 2020, tiến tới sản xuất số lượng đại trà các dòng xe xanh để giảm khí thải nhà kính của quốc gia tỷ dân.

Với sự chuyển đổi nhanh từ sản xuất xe động cơ đốt trong sang xe xanh (điện, khí sinh học), năng lực cạnh tranh của xe Trung Quốc ngày càng được cải thiện và nhiều thách thức đang chờ đón các nhà sản xuất xe trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Các tin khác