M&A không còn thời “ăn xổi, lướt sóng”

(ĐTTCO)-Ngày 6-8, diễn đàn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam lần thứ 11 với chủ đề “Thay đổi để bứt phá” sẽ diễn ra tại TPHCM, với mục tiêu góp phần hiện thực hóa 6,7 tỷ USD. Thị trường M&A Việt Nam sau thập niên phát triển, liệu có thực sự “bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới” như kỳ vọng? 
M&A không còn thời “ăn xổi, lướt sóng” ảnh 1
Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông ROBERT TRẦN (ảnh), Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, dù được nhận định hiện nay là thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động M&A tại Việt Nam, nhưng thực tế tổng giá trị M&A năm 2018 đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với 2017, và 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1,9 tỷ USD, bằng 53% cùng kỳ 2018 (3,55 tỷ USD). Ông bình luận gì về các con số này?
Ông ROBERT TRẦN: - Khi đánh giá thị trường M&A, các con số rất quan trọng, nhưng chưa đủ để thấy hết bức tranh toàn cảnh. Tôi cho rằng nên nhìn nhận ở cả 2 góc độ chất lượng và số lượng đầu tư. Trước đây, các công ty Việt Nam khi có nhà đầu tư đề nghị bỏ vốn vào là mừng và sẵn sàng chào đón. Nhưng đã có không ít trường hợp lợi bất cập hại.
Một số doanh nghiệp (DN) trong nước bị thôn tính, mất thương hiệu. Hiện nay các chủ DN đã cẩn trọng hơn, có chiến lược rõ ràng, đồng thời cũng có nhiều kênh khác để lựa chọn khi cần huy động vốn, không nhất thiết phải thông qua M&A. 
Về phía nhà đầu tư, trước đây khi vào Việt Nam họ có tâm lý đầu tư đại trà, cái gì có lãi lập tức nhảy vào “lướt sóng”, thậm chí chụp giật. Còn những năm gần đây họ đã bắt đầu tập trung hơn, với chiến lược đầu tư rõ ràng hơn. Từ đó, tôi cho rằng chất lượng đầu tư mới là yếu tố quan trọng nhất cần quan tâm, chứ không phải số lượng.  
- Ông nhận định thế nào về khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), cũng như những lo ngại về việc DN nội lép vế, bị thâu tóm, mất thương hiệu sau khi M&A?
- Hình thức đầu tư FDI và FII đều có điểm cộng và điểm trừ, cả về phía nhà đầu tư lẫn bên tiếp nhận. Đối với một nền kinh tế cũng như trên thị trường, càng có nhiều sản phẩm, nhiều người mua kẻ bán càng có nhiều lựa chọn. FDI có điểm cộng là nhà đầu tư được ưu đãi, trong khi Việt Nam có cơ hội được chuyển giao công nghệ, tạo được việc làm.
Nhưng điểm trừ là nhà đầu tư có thể gặp rủi ro vì phải đầu tư dài hạn và chưa biết tương lai sẽ ra sao. Về bên tiếp nhận đầu tư, số lượng công ty FDI chuyển giao công nghệ, mức độ chuyển giao đến đâu, cũng rất khó định lượng.   
Đối với FII, điểm cộng là giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, vì họ bỏ tiền vào một DN có sẵn với thị trường 100 triệu dân. Về phía Việt Nam, đây là cơ hội tốt để “quốc tế hóa” DN và sản phẩm, vì nhà đầu tư ngoại tham gia sẽ đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Người tiêu dùng trong nước cũng sẽ có cơ hội trải nghiệm những sản phẩm nhà đầu tư mang đến từ quốc gia của họ. Dù vậy, trong trường hợp này việc lo ngại DN sẽ không còn của người Việt Nam nữa là có cơ sở. Nếu chúng ta không cẩn trọng, sẽ dẫn đến nguy cơ nhà đầu tư biến Việt Nam thành nơi tiêu thụ hàng hóa tồn kho của công ty mẹ ở nước ngoài. 
Về lo ngại DN nội lép vế, theo tôi vấn đề là Chính phủ quản lý như thế nào để nhà đầu tư nghiêm túc tuân thủ pháp luật nước sở tại. Quản lý chặt, nhà đầu tư ngoại không có cửa để vi phạm. 
- Dự báo của ông những lĩnh vực nào sẽ diễn ra hoạt động M&A sôi động nhất trong nửa cuối năm 2019 và thời gian tới? 
 Nhiều trường hợp M&A thất bại do không chuẩn bị kỹ từ đầu. Vì thế, chủ DN và nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn nhà tư vấn có khả năng hướng dẫn, tạo điều kiện cho cả 2 bên phối hợp ăn ý với nhau, đảm bảo thành công hậu M&A.
- Theo tôi, một số lĩnh vực đang rất có tiềm năng. Đầu tiên là dược phẩm, thuốc thú y và thủy sản. Đi liền theo đó là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mỹ phẩm, nông sản, giáo dục, khách sạn và bất động sản ngành khách sạn, nghỉ dưỡng và năng lượng cũng đều là những ngành rất sáng.
Trong những ngành này (trừ năng lượng), có thể thấy sự thay đổi rất rõ theo hướng khá tích cực, định hướng phát triển ngành rất rõ ràng, tập trung, không còn đầu tư dàn trải. Nguồn nhân sự cho những ngành này cũng tốt hơn, do được đào tạo bài bản. 
Các ngành này cũng là lĩnh vực nhiều DN đã có chiến lược và nhận thức đúng đắn về chuyển đổi kỹ thuật số. Theo đó, các DN đã xây dựng được hệ thống quản lý tốt, trên cơ sở tận dụng dữ liệu lớn (big data).
Đặc biệt, đã có sự thay đổi lớn trong quan niệm về M&A: trước đây chỉ chấp nhận M&A vì thiếu vốn, nay nhiều DN dù không thiếu vốn cũng vẫn chủ động M&A để nâng cấp quy mô, làm ăn lớn hơn.  
M&A không còn thời “ăn xổi, lướt sóng” ảnh 2 Dược phẩm là ngành thu hút M&A trong năm 2019.
 - 2017 là “năm của Thái Lan” và 2018 là “năm của Hàn Quốc”, vậy năm 2019 nhà đầu tư M&A nào sẽ nổi lên hàng đầu? 
- Không quan trọng là nhà đầu tư nước nào, miễn tốt là được. Quan trọng là hậu M&A, DN phát triển thế nào. Thực tế, các nhà tư vấn M&A hiện nay đa phần tập trung việc làm sao chốt được thương vụ M&A thuận mua vừa bán. Có nghĩa họ chỉ làm nhiệm vụ môi giới, chưa mạnh trong việc kết nối các bên trong quá trình hoạt động của DN sau M&A. 
Tôi cho rằng, thương vụ M&A được coi là thành công khi DN làm ăn, kinh doanh tốt hậu M&A. Vì thế, chủ DN cũng như nhà đầu tư nên nghiêm túc tìm hiểu để lựa chọn nhà tư vấn có khả năng đảm bảo thành công hậu M&A.
Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp M&A thất bại do không chuẩn bị kỹ từ đầu, không có người đồng hành tốt trong 3 năm để hướng dẫn, tạo điều kiện cho cả 2 bên (nhà đầu tư và người nhận đầu tư) phối hợp ăn ý với nhau. 
- Ông đánh giá như thế nào về khuôn khổ chính sách hiện nay của Việt Nam đối với hoạt động M&A?
- Ở đây không có chính sách đúng hay sai một cách tuyệt đối, hãy đánh giá mức độ phù hợp. Rất khó để gợi ý cụ thể, nhưng theo kinh nghiệm làm việc cho nhiều quốc gia, theo tôi chúng ta nên học hỏi thêm kinh nghiệm tốt của những nước phát triển, có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình của nước ta. 
- Xin cảm ơn ông. 

Các tin khác