Mạng xã hội: Lúng túng quản lý giá trị ảo và con số thật

(ĐTTC0)-Hiện nay, mạng xã hội (MXH) đã thành một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Bất kỳ xu hướng nào trên MXH cũng tác động đến đám đông và ngược lại. Vì vậy, để quản lý những sự nhảm nhí trên MXH, không thể không đặt ra một lộ trình cụ thể và phù hợp.
Không một cơ quan nào kiểm tra được chất lượng sản phẩm bán trên MXH.
Không một cơ quan nào kiểm tra được chất lượng sản phẩm bán trên MXH.
Không khó để đầu tư, dễ né thuế, né vi phạm
MXH thu hút nhiều cá nhân không chỉ đơn thuần là một thú chơi, mà còn vì một nguồn thu nhập. Giá trị ảo của MXH lại mang đến những con số thật trong tài khoản chủ nhân, khiến cho mọi “công nghệ” hoặc mọi “kỹ nghệ” đều gây hứng thú cho các “nhà sản xuất nội dung”.
Hiện nay ai cũng có thể dùng tài khoản của mình hợp tác với Google Adsense để kiếm tiền thông qua kênh Youtube cá nhân. Cứ 1.000 lượt xem tại Việt Nam thì đơn vị dịch vụ phân phối quảng cáo của Google trả cho chủ tài khoản từ 0,3-0,5USD. Youtube không chỉ tận dụng những clip nhiều lượt xem để chèn quảng cáo, mà còn lập trang web riêng để hướng dẫn khách hàng tham gia vào guồng quay sôi động này. 
Một thống kê gần đây cho thấy, tại Việt Nam đã có kênh Youtube có thể kiếm được từ 60.000USD đến 950.000USD mỗi tháng. Nghĩa là mỗi năm người sở hữu Vlog này sẽ nhận được số tiền khổng lồ, nhưng họ có nộp thuế tiền tỷ hay không, lại là câu chuyện khác.
Không chỉ trên Youtube, ngay cả Facebook cũng có những tài khoản có thu nhập khổng lồ theo kiểu “ngồi một chỗ, bán hàng khắp thế gian”. Chính lợi ích vật chất đã kích hoạt lòng tham của con người, và cũng kích hoạt những clip có nội dung xàm xí được tung lên MXH. 
Trong bối cảnh “trăm hoa đua nở” trên MXH, muốn quản lý và xử lý những clip tác hại tiêu cực cho công chúng, thực sự đặt ra nhiều thử thách.
Với tư cách Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ Thông tin Truyền thông, ông Lưu Đình Phúc cho rằng: Facebook hay Youtube đều là những MXH xuyên biên giới, do đó điều quan trọng là phải xác định được chủ thể đăng tải (hoặc sở hữu) những đoạn clip vi phạm có cư ngụ ở Việt Nam hay không.
Việc vi phạm có thể gồm các mức khác nhau, từ những thông tin xấu, độc, sai sự thật cho đến các thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục và pháp luật Việt Nam… Trong trường hợp chủ thể sở hữu ở Việt Nam, việc xử lý các clip vi phạm sẽ khá thuận lợi, thường là yêu cầu gỡ bỏ clip, kèm xử phạt hành chính. 
Trong tháng 10-2020, cơ quan chức năng đã xử phạt liên tục hai lần đối với một kênh Youtube vi phạm. Số tiền mà đối tượng phải nộp phạt là 17,5 triệu đồng, hoàn toàn quá thấp so với số tiền thu được hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải hơn là làm sao nhanh chóng truy vết được những clip nhảm nhí để khoanh vùng xử phạt. Theo các chuyên gia truyền thông số, chúng ta vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng giữa yếu tố “độc và lạ” và “độc hại” để xác định sản phẩm nhảm nhí. 

Quản bằng luật?
 Dòng tiền từ Youtube và Facebook chuyển trả cho “nhà sản xuất nội dung” cũng được xếp vào “bí mật của khách hàng”, nên cuộc giằng co giữa cơ quan thuế và cá nhân kiếm tiền từ MXH vẫn tiếp diễn gay go. 
Nhiều ý kiến cho rằng những hành vi nào ở ngoài đời được coi là nhảm nhí thì cũng là cơ sở để khẳng định clip nhảm nhí. Vì vậy, những nội dung vô bổ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam có thể coi là những clip “độc hại”.
MXH không thể đi ngược lại những nguyên tắc đạo đức cơ bản của cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì một đề án để xây dựng bộ khung tiêu chuẩn cho các nội dung trên MXH có tên gọi “Tiêu chuẩn cộng đồng cho các MXH tại Việt Nam” cũng không nằm ngoài mục đích ấy. 
Quản lý MXH không chỉ là câu chuyện văn hóa, mà còn là câu chuyện pháp luật. Những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi tương tác trong không gian lãnh thổ Việt Nam buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Cơ quan quản lý thông tin của Việt Nam có quyền yêu cầu gỡ bỏ những clip nhảm nhí. Thế nhưng, phản ứng hợp tác còn phụ thuộc quy trình và thái độ của nhà cung cấp dịch vụ ở mỗi nội dung cụ thể.
2 biện pháp song song được nhiều người kiến nghị để thanh tẩy clip nhảm nhí trên MXH. Thứ nhất, khuyến khích người xem chủ động báo cáo những nội dung độc, hại cho nhà cung cấp dịch vụ.
Gần như bất kỳ MXH nào cũng có chức năng báo cáo – report những video, nội dung phản cảm cho người dùng. Khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được nhiều báo cáo về cùng một nội dung xấu, chủ kênh có thể bị giảm mức độ tương tác hoặc thậm chí bị loại bỏ ra khỏi hệ thống.
Thứ hai, tiếp tục tôn vinh những người làm nội dung tốt. Càng nhiều nội dung tích cực, nội dung tốt thì tỷ lệ nội dung xấu càng ít. Không ít kênh nội dung tốt, đầu tư có tới hàng trăm, thậm chí hàng triệu người theo dõi, sức ảnh hưởng tới cộng động là không hề nhỏ.
Hiện tại, chúng ta lại chưa hề có cơ chế riêng nào cho họ. Hai biện pháp đó, nói cho cùng là cách diệt cỏ để trồng hoa, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Ngoài sự tung hoành của các clip nhảm, thì việc chống thất thu thuế trên MXH cũng là một chủ đề đáng bận tâm. Cục Thuế TPHCM đã phát hiện và truy thu thuế một cá nhân là chủ một kênh Youtube có thu nhập gần 20 tỷ đồng trong vòng 2 năm qua, nhưng không kê khai và quyết toán thuế.
Dĩ nhiên, khi bị gọi tên, thì nhân vật bí ẩn có thu nhập khủng kia cũng sẵn sàng nộp thuế 1,5 tỷ đồng vào ngân sách. Đó chỉ là một vụ truy thu thuế gặp may mắn mà thôi, bởi lẽ không ít tài khoản có thu nhập trên mạng đã sử dụng nick name và những thủ thuật ngụy trang vô cùng khéo léo.
Dòng tiền từ Youtube và Facebook chuyển trả cho “nhà sản xuất nội dung” cũng được xếp vào “bí mật của khách hàng”, nên cuộc giằng co giữa cơ quan thuế và cá nhân kiếm tiền từ MXH vẫn tiếp diễn gay go. 
Theo các chuyên gia thuế, để đảm bảo quản lý thuế trong nền kinh tế số thì nhất định phải có sự phối hợp, cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng, ban ngành. Nếu Tổng cục Thuế không có biện pháp tiếp nhận thông tin rồi truyền xuống các địa phương để làm cơ sở xử lý, thì việc tìm kiếm cá nhân trốn thuế từ thu nhập trên MXH cũng không khác gì sự hú họa đi câu cá ở ao sâu sông rộng. 
Hiện nay, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng có thu nhập từ MXH gấp đôi thu nhập ở các hoạt động biểu diễn. Có không ít công ty quảng cáo đang bắt tay để kiếm tiền từ những tài khoản của ngôi sao ca nhạc hoặc ngôi sao tấu hài. Làm sao thu thuế khi tài khoản cá nhân được trưng dụng làm một kênh thương mại điện tử? Câu hỏi ấy không dễ trả lời trong một sớm một chiều.
Đặc biệt, thu nhập từ Facebook thông qua hình thức livestream còn khó kiểm soát hơn cả các clip trên Youtube. Nếu không có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với các tập đoàn đa quốc gia như Google, Facebook, thì việc thu thuế của các tổ chức và cá nhân có thu nhập trên MXH vô cùng nan giải. 

Các tin khác