Môi trường kinh doanh - Có cải thiện, chưa đột phá

(ĐTTCO) - Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội thảo công bố báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 (về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh) và Nghị quyết 35 (về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020).
 Theo đánh giá, các mục tiêu tại 2 nghị quyết trên là tham vọng, nhóm giải pháp đặt ra cụ thể và phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, chất lượng thực thi của các bộ, ngành và địa phương chưa đồng đều, có sự khác biệt lớn trong thực hiện.
Cải thiện chưa đồng đều, nhiều lĩnh vực chậm
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, theo VCCI nhìn chung các DN khi được khảo sát đều nhận thấy môi trường đầu tư kinh doanh có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cải thiện chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, địa phương.
Trong khảo sát 10.000 DN dân doanh về các lĩnh vực khác nhau của Nghị quyết 19, 2 lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập DN và tiếp cận điện năng; các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản DN không có cải thiện đáng kể. 
Về cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), theo khảo sát, mức độ thực chất của việc cắt giảm không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực trong cùng 1 bộ. Việc DN phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, có đến 58% DN phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong đó 42% cho biết gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này. 
Môi trường kinh doanh - Có cải thiện, chưa đột phá ảnh 1 Kiểm tra chuyên ngành là một trong những lĩnh vực chậm cải cách về thủ tục.  
Trong cải cách kiểm tra chuyên ngành, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), dù có hàng ngàn thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các loại hàng hóa, nhưng tính đến tháng 9 mới có 68 thủ tục có thể thực hiện trên cổng thông tin điện tử 1 cửa quốc gia.
Trong 68 thủ tục này duy nhất 1 thủ tục (khai báo hóa chất) thực hiện điện tử hoàn toàn, các thủ tục khác dù DN có nộp hồ sơ điện tử vẫn phải nộp thêm bản giấy.
Cũng theo ông Tuấn, dù có thứ hạng cao qua kết quả công bố của Ngân hàng Thế giới về chỉ số thuận lợi kinh doanh nhiều năm, nhưng cảm nhận của DN về mức độ chuyển biến trong lĩnh vực cấp phép xây dựng tại các địa phương lại tương đối khác biệt.
Trung bình trên cả nước chỉ 49% DN nhận thấy lĩnh vực này có chuyển biến tích cực. Kết quả này tương đồng với thông tin thu được từ các phỏng vấn sâu, khi đa số DN cho biết, việc xin giấy phép xây dựng và thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy gặp khó khăn, phức tạp.

Chưa tác động trực tiếp tới DN 
Theo phản ánh của nhiều DN, trong cải cách thủ tục hành chính, nhiều địa phương đã cung cấp được dịch vụ hành chính công cấp độ 3, 4, tức cho phép DN được chủ động nộp hồ sơ bằng bản điện tử và xử lý dựa trên bản điện tử đó. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ người dân, DN sử dụng các công cụ này để làm thủ tục hành chính vẫn còn rất thấp.
 Chúng ta lạc quan về thành tích, con số nhưng nhiều DN cho biết họ không được hưởng lợi. Đây là điều đáng suy nghĩ, bởi suy cho cùng thước đo cải cách là sự hài lòng dân, DN.
Ông Vũ Tiến Lộc, 
Chủ tịch VCCI
Có tình trạng nộp hồ sơ trực tuyến nhưng sau đó không thực hiện được và phải nộp trực tiếp. Có rất nhiều trục trặc được DN liệt kê, như không tải được hồ sơ; đã tải lên nhưng không có thông báo đã tiếp nhận hay không cấp được mã số hồ sơ để tra cứu…
Bên cạnh đó, nhiều DN phàn nàn tình trạng bị thanh, kiểm tra quá nhiều lần và có nội dung trùng lặp. Theo PCI năm 2017, tỷ lệ DN bị thanh, kiểm tra 2 lần trở lên/năm vẫn lên đến gần 40%, trong đó có 13% DN cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn kiểm tra. Đáng chú ý, hầu hết DN được hỏi cho biết họ chưa bao giờ tiếp đoàn kiểm tra liên ngành. Các cơ quan chức năng vẫn đi riêng, kiểm tra riêng, khiến DN mất nhiều thời gian. Lĩnh vực bị kiểm tra nhiều nhất là thuế 43%, an toàn phòng cháy chữa cháy 30% và 20% về quản lý thị trường.
“Nhìn chung, cộng đồng DN ghi nhận sự cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh, sự hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, không gian cải cách vẫn còn nhiều và cần nỗ lực hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương. Rất nhiều cải cách đã được đưa ra nhưng vẫn còn hành trình dài để có tác động trực tiếp tới DN. Khoảng cách từ chính sách hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng vẫn còn tương đối xa” - báo cáo nhận định.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh nhưng thực tế không có đột phá. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 10 tháng năm 2018 có vẻ chựng lại. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với EU, Hoa Kỳ tốt nhưng thu hút đầu từ các nền kinh tế này về công nghệ cao, vốn chất lượng… không có sự phát triển.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kiến nghị: “Trên cần phải nóng hơn nữa. Bởi chúng ta đã gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiếp đến sẽ là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), do vậy cải cách thể chế làm sao phải cạnh tranh hơn so các đối tác chúng ta. Cùng với đó, các hiệp hội cũng phải nóng lên để cùng nhau góp tiếng nói với DN. Chúng ta đừng quan tâm tới con số 1 triệu DN nữa (khi 10 DN lập ra, có tới 7 DN rời khỏi thị trường), mà hãy quan tâm tới các mục tiêu, so sánh với các nước trong CPTPP, EVFTA”.

Các tin khác