Mong muốn Chính phủ hành động, kiến tạo

(ĐTTCO) - Nhìn lại năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không ngừng nỗ lực để thực hiện định hướng xây dựng Chính phủ “liêm chính, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo và phát triển”.
 Có thể thấy thời gian qua Thủ tướng cố gắng đi nhiều, làm việc với nhiều ngành, địa phương tìm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế để tạo ra sự minh bạch trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành.
 Một khi đã có chủ trương đúng đắn, cộng với một cơ chế thông thoáng, doanh nghiệp với quan hệ của mình có thể huy động được rất nhiều nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển, đồng thời góp phần xây đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn, hiện đại hơn.
Sự chuyển động thể hiện rõ nét qua hàng loạt những hành động cụ thể được dư luận quan tâm như: tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy, tìm phương cách dung hòa lợi ích giữa người dân với nhà đầu tư; ban hành quyết định giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện thuận lợi hơn trong kinh doanh; ngồi máy bay quan sát tình hình nhiễm mặn để đưa ra giải pháp, hoãn mọi cuộc họp để chỉ đạo giúp dân trong thiên tai…
Cùng với đó là những việc làm rất đời thường nhưng mang một ý nghĩa lớn lao như: đấu giá hai món quà của đội tuyển U23 Việt Nam tặng Thủ tướng, kinh phí thu được qua việc đấu giá sẽ dành tặng các gia đình người có công với cách mạng và các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn; dầm mưa thị sát bão giông; đến chợ đầu mối trò chuyện cùng bà con tiểu thương; ra đồng hỏi han người nông dân; thăm nơi làm việc của công nhân; ăn phở trong quán bình dân, uống cà phê đá bình dân... 
Mong muốn Chính phủ hành động, kiến tạo ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các đại biểu tham dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2017. 
Người đứng đầu Chính phủ đã xóa mờ những khoảng cách thường thấy giữa lãnh đạo với người dân; xây dựng những chủ trương lớn từ những việc nhỏ nhặt đời thường nhất; nói đi đôi với làm. Không chỉ có vậy, Thủ tướng còn tuyên chiến mạnh với sự trì trệ của bộ máy, sự vô cảm của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt tập trung vào giảm chi phí doanh nghiệp qua cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Thậm chí, để đảm bảo cả bộ máy nhất quán mục tiêu “liêm chính, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo và phát triển”, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao. Sáng kiến này ngay lập tức phát huy hiệu quả, tác động tích cực tới các bộ, ngành, địa phương…
Ngay từ đầu năm 2018, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra thông điệp mới: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Đây là thông điệp tiếp nối những gì mà Chính phủ đã làm được trong năm 2017. Và sẽ là bước tiếp theo quan trọng trong việc thực hiện chủ trương Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo buộc phải hành động, mà hành động đó phải đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Tại phiên họp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi bộ máy chính quyền 63 tỉnh, thành hãy hành động và hành động mạnh mẽ quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ và kiên quyết “thay thế ngay những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực, thiếu nhiệt huyết và thiếu trách nhiệm”.
“Hành động, hành động”. Đó là câu trả lời cho câu hỏi vì sao có tới 65% số ý kiến đại diện của doanh nghiệp tư nhân tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2017 - lần thứ 2 bày tỏ mong muốn Chính phủ hãy hành động. Đơn giản vì các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hành động thực thi chính sách nhiều hơn là nói. Lời nói đi đôi với làm, và hành động cần mang lại hiệu quả thiết thực. Những tồn tại hiện nay về thể chế, đội ngũ cán bộ đang là cản trở rất lớn đối với cải cách của Chính phủ.
Nếu Chính phủ hành động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, doanh nhân và người dân thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho kinh doanh, tạo nền tảng phát triển kinh tế bền vững theo hướng thị trường. Nếu chỉ nêu kiến tạo chung chung thì chẳng khác nào vẽ ra điều luật nhưng không làm, hô khẩu hiệu. Do vậy nếu Chính phủ hành động theo hướng kiến tạo doanh nghiệp sẽ có thay đổi lớn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng. Đây chính là sự khác biệt lớn.
GS. Carl Thayer, một nhà nghiên cứu chính trị của Học viện Quốc phòng Australia từng nhận xét: “Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một nhà điều hành và thực thi chính sách đầy năng lực, chúng ta có thể kỳ vọng vào những thành quả trong nhiệm kỳ của ông ấy”. Tôi tin rằng, nơi nào có quyết tâm, nơi ấy có đường đi. Chính phủ cũng như một doanh nghiệp, nếu nghĩ mới làm mới, chỉ nghĩ những gì thiên hạ chưa nghĩ và chỉ làm những gì thiên hạ có thể đã nghĩ mà chưa dám làm, tin rằng nền kinh tế, cuộc sống người dân trong thời gian tới sẽ cất cánh. 
Hành lang pháp lý từ chính sách, luật pháp hiện nay khá đầy đủ và toàn diện. Vậy nên, Chính phủ cần tăng cường sự giám sát để các chính sách đó triển khai và được thực thi một cách có hiệu quả, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, chính sách ban hành một đằng nhưng ở các địa phương thực thi một nẻo, thậm chí đẻ thêm các thủ tục con “hành” người dân, doanh nghiệp, từ đó kìm hãm sự phát triển nền kinh tế. Điều các doanh nghiệp cần chưa hẳn là sự giúp đỡ về nguồn vốn mà là chủ trương, cơ chế, chính sách thông thoáng và nhất quán. 
--------------------
(*) Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh đoàn tàu không số VN, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu

Các tin khác