Mua sắm online “lên ngôi” thời dịch bệnh Covid-19

(ĐTTCO) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều dịch vụ mua sắm trực tuyến đã có sự tăng trưởng mạnh.
Mua sắm online “lên ngôi” thời dịch bệnh Covid-19

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, những ngày gần đây, các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội đều đồng loạt đóng cửa. Người tiêu dùng cũng hạn chế ra đường do lo sợ lây nhiễm virus corona. Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua sắm trên các nền tảng trực tuyến (mua sắm online), thay vì tới các cửa hàng, siêu thị... để tránh chỗ đông người.

Đứng trước nhu cầu đó, các siêu thị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang bán hàng online.

Mua sắm online “lên ngôi” thời dịch bệnh

Lo ngại trong việc đi lại, ăn uống, mua sắm trong mùa dịch Covid-19, chị Nguyễn Phương Thảo (ở Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến để tránh phải tiếp xúc với nhiều người. Theo chị Thảo, mua sắm online rất tiện lợi bởi không phải ra tận cửa hàng, không phải chen chúc xếp hàng thanh toán như khi shopping ở các siêu thị, trung tâm mua sắm… mà chỉ cần ngồi nhà, truy cập ứng dụng, lựa mặt hàng mình thích, thanh toán qua mạng và sẽ được giao hàng tận nơi.

“Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mình thấy mua sắm online là lựa chọn tối ưu vì vẫn mua được hàng mình cần mà không phải đi ra ngoài. Dịch vụ giao hàng cũng nhanh chóng”, chị Thảo nói.

Thực tế, để tiêu thụ hàng hóa, những ngày vừa qua các siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê… đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội facebook, zalo, website, thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng, rồi sau đó nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách.

Chị Lê Thu Hằng, chủ cửa hàng thực phẩm thực phẩm sạch (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, lượng khách đến mua hàng trực tiếp giảm đáng kể nhưng lượng khách đặt hàng qua fanpage, zalo có xu hướng tăng mạnh nên doanh thu của cửa hàng vẫn ổn định, không bị sụt giảm quá nhiều so với trước đó.

“Thực hiện cách ly xã hội, người tiêu dùng càng hạn chế đi mua sắm, chính vì thế, tôi phải đẩy mạnh bán hàng qua các kênh trực tuyến như facebook, fanpage, zalo, điện thoại… tư vấn cho khách hàng rồi sau đó nhân viên, hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách”, chị Hằng chia sẻ.

Để tăng lượng khách hàng mua sắm, bên cạnh việc triển khai giảm giá sản phẩm, nhiều cửa hàng còn hỗ trợ giao hàng miễn phí. Một số chủ cửa hàng còn đăng ký mặt hàng của mình trên các trang bán hàng online như Tiki, Shopee, Sendo… để dễ tiếp cận người mua hơn.

Chị Nguyễn Hải An, chủ một shop quần áo trẻ em (ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị đã quyết định hỗ trợ người tiêu dùng bằng các hình thức giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, tăng cường bán hàng qua livestream và đăng ký bán các mặt hàng này lên các trang shopee, tiki.

“Nhờ việc áp dụng chính sách bán hàng linh hoạt nên cửa hàng dù đóng cửa nhưng đơn hàng bán ra vẫn ổn định, cửa hàng vẫn có thể “sống sót” qua mùa Covid-19”, chị Nguyễn Hải An cho hay.

Cẩn trọng khi mua hàng trực tuyến

Mặc dù bán hàng online mang lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, nhưng chính từ đây lại nảy sinh tiêu cực vì không ít cá nhân đã lợi dụng ưu điểm này để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo phản ánh của một số người tiêu dùng, một số shipper khi giao hàng đã mở hàng hoặc báo mất không rõ lý do. Chị Phạm Bích Ngọc (ở Đội Cấn, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mua hàng trực tuyến có hạn chế là không thể trực tiếp thử, kiểm tra sản phẩm, chất lượng nhiều khi không được như kỳ vọng, hay việc giao hàng cũng phải chờ đợi.

“Có lần mình mua bị thực phẩm ôi, hỏng, phải bỏ đi. Cũng có lần mua hoa quả bị cân thiếu, phản hồi lại người bán thì họ quanh co, đùn đẩy trách nhiệm. Tuy nhiên, trong lúc dịch bệnh diễn biến như hiện nay, mình vẫn lựa chọn mua sắm online nhưng mình chỉ mua ở những cửa hàng quen, có uy tín”, chị Ngọc chia sẻ.

Mua sắm online tiện lợi là thế nhưng theo các chuyên gia, do việc chạy đua kinh doanh giữa các đơn vị bán hàng để chiếm thị phần nên người tiêu dùng phải thật cẩn trọng và chọn những địa chỉ, đơn vị vận chuyển uy tín để sử dụng dịch vụ, đặc biệt khi lựa chọn thanh toán trên các nền tảng trực tuyến.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trực tuyến, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần nâng cao tính an toàn, hiện đại hóa công nghệ và thiết bị. Cùng với đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nâng cao chất lượng bảo mật ở mức cao nhất.

“Việc chống lại tội phạm kỹ thuật cao tương đối khó khăn nhưng chúng ta phải đảm bảo mức an toàn gần như tuyệt đối trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, nên sử dụng phương thức xác thực 2 lớp để bảo đảm phòng tránh hacker”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.

Các tin khác