Nét duyên Lung Ngọc Hoàng

(ĐTTCO)-Vùng đất ngập nước thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng luôn ẩn chứa những tiềm năng khai thác du lịch Homestay độc đáo, được mệnh danh là một trong những “ lá phổi xanh” của tỉnh Hậu Giang. Nơi đây được ví như “viên ngọc thô” chờ các nhà đầu tư đến “mài dũa” phát triển du lịch. 
Nét duyên Lung Ngọc Hoàng
Hệ động – thực vật trong sách đỏ
Nằm lọt giữa hai xã Phương Bình và Phương Phú thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cách thành phố Cần Thơ chừng 40km về phía Đông Nam sông Hậu, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là vùng đồng trũng ngập nước rộng lớn trải dài từ phía Tây sông Hậu đến tận vùng U Minh, di sản cuối cùng của hệ sinh thái tự nhiên được đánh giá đa dạng sinh học và sinh cảnh, là “lá phổi xanh” rất quan trọng đối với môi trường sống của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã được thành lập gồm phạm vi đất của Lâm trường Phương Ninh tại huyện Phụng Hiệp. Nơi đây được biết đến là vùng ngập nước và là nơi trú ngụ, sinh sống của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, với hàng trăm ngàn cây tràm nối tiếp nhau vươn cao gần chục mét.
“Lung” hay “bưng” trong cách nói của người miền Tây chỉ vùng đất ngập nước và có nhiều cây cối. Bước vào Lung Ngọc Hoàng du khách có cảm giác như lạc vào một vùng trời cổ tích, thanh bình và đượm chất hoang vu như Lung Sen, Lung Trăn, Lung Chuối Nước.
Nét duyên Lung Ngọc Hoàng ảnh 1 Từ tháp canh nhìn xuống Lung Ngọc Hoàng như lá phổi xanh của ĐBSCL
Đến với Lung Ngọc Hoàng cảm nhận đầu tiên của tôi là rất ngạc nhiên, thích thú với những đám rong rêu mọc hoang dã trong các kênh, lung… những hình ảnh hoa sen, hoa súng mọc tự nhiên không khỏi thích thú vì sự lạ mắt và hoang sơ của vùng bán canh bán cư này. 
Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết: “Nơi đây có trên 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ. Trong số này có 56 loài mới phát hiện. Lung Ngọc Hoàng đang là nơi nghiên cứu khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý, đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại của khu vực ĐBSCL”. 
Với hệ thống lung trũng phong phú và hoang sơ kết hợp với rừng tràm được bảo vệ nghiêm ngặt, Lung Ngọc Hoàng là nơi thích hợp cho các loài lưỡng cư, cá tôm về sinh sống nhiều vô kể. Nơi đây từng được ví như cái rốn cá của khu vực phía Tây sông Hậu, quy tụ nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có loài đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang...
Tất cả có 206 loài, trong đó có chín loài chim quý hiếm là bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, ác là... và các loài thú như dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo cùng các loài quý hiếm khác như càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun, cá còm...

Cần chiếc áo mới
Mặc dù được thiên nhiên khá ưu đãi về nhiều mặt, nhưng đến nay, ngành du lịch tỉnh vẫn chưa phát triển khiến tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở đây vẫn chưa được khai thác. Theo chia sẻ của nhiều khách du lịch đã đến đây, Lung Ngọc Hoàng cần một chiếc áo mới để thu hút các bạn trẻ, khách du lịch nước ngoài, đặc biệt khu bảo tồn cho các nhà khoa học nghiên cứu về khu dự trữ sinh thái tự nhiên, được mệnh danh là lá phổi xanh mà ít người biết đến. 
Giám đốc Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng khẽ chỉ tay về phía chiếc cầu trắng nhỏ phía xa xa: “Đó là chiếc cầu nối đường đi bộ dài khoảng 12km (bề ngang rộng 1,5m), cơ sở hạ tầng đầu tiên mà Lung Ngọc Hoàng đã hình thành để đón khách du lịch khám phá một cách yên tĩnh”. Tôi hiểu câu nói khiêm tốn của anh Lư Xuân Hội như mong muốn có nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng căn cơ, tạo ra một không gian du lịch khám phá, yên tĩnh để nhiều người biết “ nét duyên của Lung Trời giữa đồng bằng”.
Nét duyên Lung Ngọc Hoàng ảnh 2 Lung Sen một cảnh đẹp thanh tịnh nằm trong Lung Ngọc Hoàng.
Theo lãnh đạo Lung Ngọc Hoàng, nơi đây vẫn chưa trở thành khu du lịch sinh thái rộng rãi cho khách tham quan vì điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn. Nơi đây chủ yếu chỉ bảo vệ, bảo tồn hoặc phục vụ nghiên cứu khoa học, thỉnh thoảng có đoàn khách ghé qua tham quan.
Chính vì vậy, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tới đây, tỉnh Hậu Giang đã kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, khoảng 50ha, kinh phí 15 triệu USD, sẽ là 1 trong 7 dự án trọng tâm của tỉnh.
Tỉnh Hậu Giang cũng xác định để khu bảo tồn tiếp tục có sự phát triển về du lịch hơn trong thời gian tới cần có nhà đầu tư. Bởi phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở khu bảo tồn là ngoài gìn giữ, quảng bá thương hiệu Lung Ngọc Hoàng thì đây còn là cách giúp đời sống kinh tế cho nhiều hộ dân đang sống trong khu vực này có cơ hội phát triển mạnh. 
Rất mong Lung Ngọc Hoàng sẽ có bước chân của nhà đầu tư “đặt đến” để “gọt dũa” thành viên ngọc lung linh trong du lịch miền sông nước.

Các tin khác