Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bao giờ sẽ khởi sắc?

(ĐTTCO)-Hiện nay việc nhập siêu linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp còn rất lớn; khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp.
Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thu hút khách tham quan. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thu hút khách tham quan. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Với những bước tiến trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang trở thành “miền đất hứa" thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất. Thế nhưng, nhiều ý kiến vẫn lo ngại về tỷ lệ nội địa hóa của các ngành.

Câu hỏi đặt ra là liệu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã thực sự khởi sắc, sẵn sàng đón đầu các nhà đầu tư, từng bước đặt chân vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu?

Ít doanh nghiệp tham gia chuỗi

Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, thế nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, chiếm khoảng 17%.

Hiện nay việc nhập siêu linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp còn rất lớn; khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, ngành dệt may, da giày mới chỉ đạt 40-45%; ngành sản xuất, lắp ráp ôtô mới đạt 7-10%; điện tử, viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ chỉ đạt 5%.

Theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Văn phòng đại diện tại Hà Nội, hàng năm JETRO đều khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam. Theo kết quả khảo sát năm 2018, khi được hỏi về kế hoạch hoạt động trong thời gian từ 1-2 năm tới, có gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh." Con số này nếu tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc top đầu.

Tuy nhiên, một trong số những khó khăn là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là hơn 36%. Tuy có tăng hàng năm nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ của Trung Quốc 66%, tỷ lệ của Thái Lan 57%. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc.

“Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam; đồng thời đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam," ông Kitagawa nói.

Ngoài ra, trong ngành sản xuất nguyên liệu, linh kiện, vật tư hay còn gọi là “ngành công nghiệp hỗ trợ” phần lớn do doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là một trong những vấn đề còn tồn đọng ở Việt Nam.

Ông Kitagawa cho rằng, nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên, sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chú ý, quan tâm đến sản xuất, chế tạo của Việt Nam. Hơn nữa, có khả năng Việt Nam sẽ được thế giới công nhận là có kỹ thuật sản xuất, chế tạo cao.

Cũng theo chia sẻ từ ông Phan Ngân, Đại diện Công ty Reed Tradex Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng cũng như trong nền kinh tế khi chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, khoảng 40% GDP Việt Nam.

Tuy nhiên, nhóm này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do chưa đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như thiếu tiềm lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Số liệu gần đây cho thấy, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đạt chuẩn và trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với 30% ở Thái Lan và 46% ở Malaysia.

Theo lý giải từ ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên năng lực sản xuất còn yếu. Sản phẩm chủ yếu là linh kiện, phụ tùng đơn giản có hàm lượng công nghệ còn thấp và chưa tuân thủ tiêu chuẩn theo chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia.

Nguyên nhân chủ quan là do trình độ doanh nghiệp nội địa chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi sản xuất; chất lượng các chính sách còn hạn chế. Môi trường kinh tế mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn chưa hấp dẫn thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Thêm nữa, nguồn lực đầu tư của nhà nước còn quá ít ỏi, chưa tương xứng với quy mô; chính sách còn chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với tập đoàn đa quốc gia.

Chính sách nào để ưu tiên phát triển?

Theo Quyết định số 9028/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho doanh nghiệp lắp rápvà tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã chỉ ra những ngành, lĩnh vực chủ chốt để ưu tiên đầu tư phát triển. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, một số ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, ôtô, dệt may, da giày, năng lượng..., Việt Nam có tiềm năng, lợi thế và có dung lượng thị trường.

Nganh cong nghiep ho tro cua Viet Nam bao gio se khoi sac? hinh anh 2
Xưởng lắp ráp động cơ xe máy Vespa tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

"Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ với hy vọng sắp tới, Việt Nam có điều kiện hình thành những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ và trước mắt là tại ba trung tâm kinh tế lớn khu vực miền Bắc, Trung, Nam," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo đó, những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ không chỉ tập trung giới thiệu công nghệ, hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ cho doanh nghiệp thông qua hợp tác quốc tế và các chính sách của Chính phủ nói chung, mà còn hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển. Những trung tâm này sẽ đóng góp vào sự phát triển về giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ cho ngành, giúp doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng được chính sách hỗ trợ, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung vào cơ chế, chính sách của nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi. Cùng đó, Bộ cũng hỗ trợ tăng năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chế về quy mô trong lĩnh vực năng lực công nghệ, nguồn nhân lực cũng như điều kiện tín dụng và tiếp cận thị trường...

Nhiều chuyên gia cho rằng, công nghiệp hỗ trợ được coi là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. Do vậy, công nghiệp hỗ trợ không phải là một ngành “phụ trợ” mà là "xương sống" cho rất nhiều ngành công nghiệp khác.

Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ giúp doanh nghiệp quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Do vậy, thời gian tới, nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia hy vọng, với các chính sách mạnh mẽ từ Bộ Công Thương, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam sẽ có bước khởi sắc.

Các tin khác