Ngành F&B, biết cách vẫn ăn nên làm ra

(ĐTTCO) - Việc Công ty TNHH Huy Việt Nam đóng cửa chuỗi nhà hàng Món Huế và nhiều cửa hàng thuộc các thương hiệu như Cơm thố cháy, Phở ông Hùng… đang thu hút sự quan tâm của dư luận vì các chuỗi này từng khá mạnh trong mảng F&B (ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống) của Việt Nam. 
ĐTTC đã trao đổi với ông PHẠM VIỆT ANH (ảnh), chuyên gia tư vấn chiến lược tăng trưởng doanh nghiệp, về sự cạnh tranh trong mảng F&B. 
Huy Việt Nam từng là điển hình trong việc gọi được những nguồn vốn lớn nhằm phát triển chuỗi ẩm thực của mình. Cụ thể, cuối năm 2014, công ty này gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư ở Malaysia, Hàn Quốc, Hồng Kông, với số tiền 15 triệu USD. Đầu năm 2015 tiếp tục gọi vốn thành công 15 triệu USD từ quỹ đầu tư của Mỹ…
Ngành F&B, biết cách vẫn ăn nên làm ra ảnh 1
Cũng từ đây tốc độ phát triển về quy mô của Huy Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Nhưng bây giờ hàng loạt cửa hàng đóng cửa, website ngừng hoạt động, chủ sở hữu mất tích, nhiều nhà cung cấp tố cáo Huy Việt Nam lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Ngành F&B, biết cách vẫn ăn nên làm ra ảnh 2 Chuỗi nhà hàng Món Huế.
PHÓNG VIÊN: - Sự kiện Huy Việt Nam đóng cửa chuỗi nhà hàng Món Huế và hàng loạt cửa hàng thuộc các thương hiệu khác, đang làm dấy lên ý kiến rằng mảng kinh doanh F&B của Việt Nam rất khốc liệt. Ông nghĩ sao về điều này? 
Ông PHẠM VIỆT ANH: - Với độ mở thị trường lớn và hội nhập nhanh hiện nay, ngành nào cũng có sự cạnh tranh mạnh mẽ, nhưng tôi nghĩ ngành F&B của Việt Nam hết sức tiềm năng. Theo dự báo đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 44 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu thành thị và sẽ tăng lên 95 triệu người vào năm 2030. Tầng lớp trung lưu bao gồm các hộ gia đình có mức chi phí tiêu dùng hàng ngày khoảng 10-100USD/người (theo Nielsen). Việc tăng nhanh tầng lớp này sẽ tạo ra sức mua rất lớn trong tương lai. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các DN. Đó cũng là lý do nhiều thương hiệu trong và ngoài nước đang tiếp tục phát triển chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. 
Song tiềm năng luôn đi kèm với rủi ro. F&B là một nhánh của thị trường bán lẻ. Đặc điểm của thị trường này là địa điểm quyết định phần lớn sự thành bại của mô hình kinh doanh, vì thế cuộc chiến mặt bằng và điểm bán luôn khốc liệt và mang tính quyết định. Chi phí mặt bằng tại Việt Nam hiện bất hợp lý trong cấu trúc chi phí của DN bán lẻ nên DN phải trường vốn, phát triển quy mô cửa hàng đủ lớn để địa điểm này có thể bù đắp cho địa điểm khác. Chi phí thuê mặt bằng cao trong khi giá bán không thể quá cao so với khả năng đáp ứng của đại bộ phận khách hàng, nhất là chuỗi F&B đánh vào phân khúc phổ chúng. Khó khăn này khiến nhiều chuỗi F&B trong nước và cả nước ngoài đã “bỏ của chạy lấy người” như NYDC, Gloria Jeans, Phở 24… 
Riêng trường hợp của Huy Việt Nam, có ý kiến cho rằng việc quản trị hệ thống khi phát triển chuỗi lớn có thể ảnh hưởng đến thất bại của DN này. Nhưng theo tôi quản trị chuỗi bây giờ đã đơn giản hơn rất nhiều, các công cụ đều có sẵn và hầu hết chuỗi tại Việt Nam công nghệ quản lý đều rất chuẩn mực. Song dù công nghệ quản lý góp phần không nhỏ vào thành công của DN, nhưng nếu không có lợi nhuận DN không thể tồn tại. 
- Huy Việt Nam đã từng gọi được nguồn vốn vài chục triệu USD từ các quỹ nước ngoài nhưng họ cũng vẫn thất bại, thưa ông? 
- Việc gọi được vốn chỉ là điều kiện cần, không phải là yếu tố quyết định thành công của DN. Khi DN cần tăng trưởng sẽ tìm kiếm sự tài trợ, hợp tác, đầu tư từ các quỹ đầu tư, lợi nhuận được kỳ vọng trong tương lai dựa trên kế hoạch kinh doanh. Thực tế khi nhận được vốn, Huy Việt Nam đã có bước tăng trưởng chuỗi rất đáng kể từ vài chục lên hàng trăm cửa hàng. Ngoài Món Huế, Phở ông Hùng họ mở rộng thêm nhiều thương hiệu khác. Nhưng khoản đầu tư ban đầu không đảm bảo được DN có thành công hay không. Tăng trưởng quy mô cũng không hoàn toàn quyết định tăng trưởng lợi nhuận, mà phải đi cùng với việc tối ưu hóa chi phí và tăng trưởng khách hàng (tăng trưởng giá trị). 
Trên thế giới cũng có những DN gọi vốn thành công cả tỷ USD nhưng vẫn thất bại trong kinh doanh. Với các quỹ đầu tư khi rót vốn cũng có thể bị xem là nguồn đầu tư thất bại. Với Huy Việt Nam, do không đọc được báo cáo tài chính nên không thể biết được nội tình thực sự của DN này cũng như của nhà đầu tư vào chuỗi này. Có thể họ nhận vốn để tăng trưởng đến số lượng cửa hàng nào đó, nhưng chưa có lợi nhuận đã thất bại. 
- Việc Huy Việt Nam đóng cửa chuỗi cửa hàng liệu có làm nản lòng người trẻ muốn bước chân vào lĩnh vực F&B, thưa ông? 
- Thành công hay thất bại trong kinh doanh là hết sức bình thường. Huy Việt Nam phải đóng cửa hàng loạt nhà hàng nhưng vẫn còn rất nhiều chuỗi khác thành công. Nhiều chuỗi cửa hàng nước ngoài rút khỏi Việt Nam nhưng lại có các chuỗi khác nhảy vào, bởi thị trường này rất tiềm năng. Nhà đầu tư ngoại khi đầu tư vào thị trường Việt Nam có nhiều mục đích khác nhau, như đầu tư xong sang nhượng kiếm lợi nhuận cũng là một cách. Còn với các bạn trẻ, DN khởi nghiệp nếu đủ quyết tâm cứ dấn thân vào mảng kinh doanh này, nhưng cần đi chậm rãi để kiểm soát chi phí, điều chỉnh hệ thống và chính sách trước khi nhân rộng mô hình. Đặc biệt, vấn đề lớn của DN nội là khoảng cách giữa nói và làm luôn mất tính kết nối, nếu không thay đổi về lâu dài sẽ phương hại đến chỉ số tín nhiệm thương hiệu. 
- Xin cảm ơn ông.
Huy Việt Nam sở hữu 9 thương hiệu, gồm Món Huế, Cơm thố cháy, Phở ông Hùng, Phở 99, Great Bánh mì và cà phê, Iki Shushi, Shilla Korea BBQ Grill, TP Tea, Mỳ quảng bếp Tâm, với hơn 200 cửa hàng trên cả nước. Ngoài việc phát triển chuỗi nhà hàng, DN còn có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy chế biến thực phẩm ở Long An và Hà Nội, với tổng đầu tư khoảng 40 triệu USD. 

Các tin khác