Ngành hàng không phủ màu ảm đạm

(ĐTTCO) - Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19, song bức tranh ngành hàng không vẫn đang phủ màu ảm đạm. Những thiệt hại của doanh nghiệp chỉ là thống kê bước đầu, ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ còn tiếp tục đeo bám ngành dịch vụ này. Nếu không tự nỗ lực và được hỗ trợ kịp thời, ngành hàng không sẽ khó phục hồi.  

Phải tự cứu mình
Hình ảnh sân bay vắng lặng tưởng chừng chỉ có trong các bộ phim giả tưởng của Holywood, nhưng thực tế đã xuất hiện và kéo dài gần 3 tháng nay tại hầu hết sân bay trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TPHCM), hiện có hơn 200 máy bay “đắp chiếu” do phải dừng bay hoàn toàn đường bay quốc tế và hạn chế đến mức thấp nhất đường bay nội địa. Hầu hết dịch vụ phi hàng không tại các sân bay cũng bị đóng cửa. 
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA), cho biết trong quý I-2020, hãng lỗ 2.383 tỷ đồng do việc phải tạm dừng phần lớn các đường bay.
Dự kiến, nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp này sẽ lỗ gần 20.000 tỷ đồng trong năm nay, chưa tính các khoản vay đến hạn không thanh toán được. VNA có hơn 100 máy bay đang dừng hoạt động và hơn 10.000 lao động đang tạm nghỉ không lương. 
Ngành hàng không phủ màu ảm đạm ảnh 1 Rất nhiều máy bay ở các sân bay phải nằm chờ hết dịch Covid-19. 
Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet dù không công bố thiệt hại do dịch bệnh, nhưng theo tính toán từ các chuyên gia, với quy mô thị phần 44%, hãng hàng không này đang chịu những tác động nặng nề của việc dừng bay.
Với Bamboo Airways, do đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu, thiệt hại đối với hãng rất nặng nề và khó đong đếm. Như vậy, đến thời điểm này, thiệt hại của các hãng hàng không đã vượt khỏi những kịch bản dự báo ban đầu. 
Việc dừng bay cũng ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp cảng hàng không. Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đầu năm 2020 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế giảm đến 70%.
Với tình hình hiện nay, lợi nhuận năm 2020 của ACV có thể giảm hơn 10.000 tỷ đồng so với 2019. Tương tự, sản lượng điều hành bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu 2020 dự kiến giảm 50% so với năm trước.
Để tự cứu mình trong cơn hoạn nạn, các hãng hàng không đang phải rất nỗ lực xoay sở. Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc VNA, cho biết trong tháng 4 VNA đã tăng cường khai thác các chuyến bay chở hàng trong nước và quốc tế, đạt doanh thu từ mảng hàng hóa khoảng 300 tỷ đồng.
Đây sẽ là hướng đi của hãng trong thời gian tới, khi vận chuyển hành khách chưa thể phục hồi. Tương tự, Vietjet cũng tăng cường mảng vận chuyển hàng hóa với hơn 10 chuyến bay chở hàng mỗi ngày trên các đường bay.
Tuy nhiên, các hãng hàng không đều cho biết, việc chuyển hướng này cũng chỉ bù đắp được phần nào sự hụt thu của vận chuyển hành khách. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, các doanh nghiệp hàng không sẽ rất khó gượng dậy, thậm chí phá sản, hệ lụy với nền kinh tế sẽ không nhỏ.

Cần hỗ trợ đủ mạnh và kịp thời
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, đến thời điểm này đã tổng hợp các kiến nghị từ các hãng hàng không để xem xét tháo gỡ khó khăn. Trong thẩm quyền của mình, Bộ GTVT đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không sau thời gian hết dịch liên quan đến việc sử dụng slot (suất cất hạ cánh) tại các cảng hàng không. 
Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam đơn giản hóa thủ tục hành chính, cho phép các hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chở khách. Đặc biệt, ACV đã thực hiện miễn, giảm giá 7 loại dịch vụ cho tất cả hãng, bao gồm dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; dịch vụ thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy thủ tục hành khách, thuê cầu dẫn khách, phục vụ mặt đất giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện giảm 100% đối với các hãng dừng bay và giảm 30% các hãng vẫn duy trì bay… áp dụng từ 1-3 đến hết tháng 8-2020. 
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, nhiều kiến nghị của các hãng hàng không không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT đã được gửi đến Chính phủ.
Cụ thể, Bộ GTVT đã kiến nghị xem xét hỗ trợ miễn hoặc giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23-1 đến hết 31-12 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch. Bên cạnh đó, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách. 
Bộ GTVT cũng đề xuất áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, bay đến đối với các chuyến bay nội địa; đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ khoanh nợ gốc, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động… 
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc VNA, kinh nghiệm từ dịch Sars 2003 cho thấy, việc phục hồi của ngành hàng không sẽ chậm, sớm nhất khoảng 3 -6 tháng sau khi tuyên bố hết dịch, nên khó khăn có thể sẽ kéo dài sang cả năm 2021.
Đại diện các hãng đều chung nhận định, khả năng phục hồi của ngành hàng không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có “sức khỏe” của nền kinh tế, thị trường du lịch và chính sách của các quốc gia. Hiện các doanh nghiệp đều đang đau đầu bởi con số hụt thu ngày càng lớn, trong khi các chi phí bắt buộc vẫn phải gánh. Trong bối cảnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp hàng không cần kịp thời và đủ mạnh. 
Hiện nay, việc giảm giá các dịch vụ tại sân bay ACV đang áp dụng đã giúp các hãng giảm bớt chi phí nhưng tác dụng không lớn. Bởi lẽ, đây là các hỗ trợ trực tiếp cho chuyến bay, trong khi chuyến bay đã giảm gần hết. Nếu muốn có tác động tích cực hơn, chính sách giảm giá này cần kéo dài thêm cả sau khi các đường bay đã được khôi phục. Tương tự, việc miễn giảm hoặc giãn thời gian nộp thuế, phí; cho vay lãi suất ưu đãi, cơ cấu nợ… cũng cần đủ mạnh và ít nhất kéo dài 1 năm sau khi hết dịch.
Thí dụ, miễn 11/16 loại phí do Nhà nước quy định khung giá trong 3 tháng như đề xuất của Bộ GTVT, mỗi hãng chỉ tiết giảm được vài chục tỷ đồng. Hay việc giảm 50% phí cất hạ cánh điều hành bay chỉ được áp dụng với các chuyến bay nội địa cũng chỉ giúp doanh nghiệp đỡ được một phần khó khăn. 
Đại diện một số hãng hàng không cũng băn khoăn việc có được công bằng trong các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, hay nhà chức trách có tạo điều kiện cho hoạt động khai thác sau thời gian hết dịch. Đơn cử, việc phân bổ slot tại các sân bay lớn cần tránh tình trạng ưu ái, phân biệt đối xử, khiến một số hãng bay đã khó càng thêm chật vật. 
 Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không sẽ được thực hiện công bằng, bình đẳng, không bảo hộ cho riêng bất cứ doanh nghiệp nào.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT

Các tin khác