Ngành phụ trợ có kết nối vào ô tô Việt?

(ĐTTCO) - Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast không chỉ được kỳ vọng là cứu tinh cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, mà sẽ là động lực thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển. 

Song dưới góc nhìn của ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM, mọi chuyện không dễ dàng như vậy.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sự xuất hiện của Vinfast với cam kết đến năm 2025 sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 60%, liệu có phải là cơ hội tốt cho các DN CNHT nói chung và nhóm ngành cơ khí nói riêng phát triển?
Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG: - Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã có một số DN sản xuất ô tô rồi chứ không phải đến nay mới có tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast. Thế nhưng, cơ hội cho các DN CNHT phát triển thông qua việc bắt tay với các nhà sản xuất trong nước lại không đơn giản, điều này bắt nguồn từ chính sách.
Ở nhiều quốc gia có những chính sách cụ thể cho các nhà sản xuất đầu cuối, buộc họ phải đặt hàng các DN CNHT theo những tỷ lệ nhất định. Còn tại Việt Nam chính sách lại không đi theo chiều hướng này, thậm chí từ năm 2018 theo tinh thần Nghị định 116, nhập khẩu linh kiện về lắp ráp có nhiều phần lợi hơn khi thuế nhập khẩu linh kiện về 0%.
Thử hỏi khi thuế nhập linh kiện về 0%, DN CNHT Việt Nam lấy cơ sở nào để đấu với phụ tùng nhập khẩu cùng loại. Ngay cả những năm trước, thuế nhập khẩu phụ tùng lắp ráp ô tô còn cao, DN trong nước còn chưa dám đầu tư sản xuất cho CNHT. 
Thực ra khi nội địa hóa, các DN sản xuất đầu cuối cũng đã tự đầu tư nhà máy sản xuất CNHT. Lý do bởi họ không tìm được các DN CNHT đáp ứng được nhu cầu, hơn nữa nguồn lực tài chính của họ rất mạnh nên có thể chủ động làm cái mình muốn. Trở lại câu chuyện của Vinfast, ngay cả những DN CNHT đã có một quá trình dài trong lĩnh vực này cũng khó tham gia cùng.
Theo tôi, Vinfast ban đầu sẽ nhập khẩu linh kiện, sau đó sẽ nội địa hóa thông qua hình thức hợp tác với các đối tác nước ngoài. Chỉ có như vậy mới có thể thực hiện cam kết nội địa hóa tới 60% trong khoảng 7 năm tới. 
Cho đến nay Vinfast cũng không phát đi nhiều tín hiệu cho các DN CNHT, trong đó có các DN trong lĩnh vực cơ khí như chúng tôi. Cụ thể ở Hội Cơ khí điện TPHCM đến nay cũng chưa có thông tin nào của Vinfast về việc tìm kiếm các DN có năng lực để cùng trao đổi, hợp tác cho cam kết nội địa hoá của mình. 
Ngành phụ trợ có kết nối vào ô tô Việt? ảnh 1 Muôn vàn khó khăn bủa vây lấy các DN CNHT. 
- Ông có nhắc đến việc các DN sản xuất đầu cuối không tìm được DN CNHT đáp ứng được nhu cầu. Điều gì khiến DN CNHT Việt Nam chưa mạnh dạn đầu tư? 
- Chỉ tính riêng trong ngành cơ khí, để đầu tư bài bản và chuyên nghiệp theo các chuẩn quốc tế hiện nay cần phải có nguồn lực tài chính mạnh, từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng. Đây thực sự là bài toán khó với hầu hết các DN, nhưng đó chưa phải là tất cả.
Giả sử DN đầu tư nhà máy đạt tiêu chuẩn rồi, chắc gì đã có ngay được đơn đặt hàng, vì như tôi đã nói lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu không có, sản lượng thấp, giá thành cao làm sao chen chân được vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Muôn vàn khó khăn bủa vây lấy các DN khi muốn đầu tư.
Chính vì thế, khi chọn đi con đường này, DN phải cân lên đặt xuống rất kỹ càng vì nếu không sẽ rơi vào cảnh phải “bán nhà để trả nợ”. Tất nhiên hiện nay cũng có một số DN trong ngành cơ khí có tiềm lực và cả lòng nhiệt huyết, chấp nhận đầu tư với kế hoạch nếu không làm với DN này thì làm với DN khác, trong nước không được thì tìm đường xuất khẩu.
Bởi nếu không có những DN tiên phong, mạnh dạn đầu tư mãi mãi chúng ta không thể chứng minh được năng lực của mình. Nhưng chúng tôi vẫn mong muốn có những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để các DN CNHT có thể phát triển, cạnh tranh. Phải làm sao cho nhà sản xuất đầu cuối cảm thấy có lợi khi bắt tay với DN CNHT trong nước thì họ mới không nghĩ tới nhập khẩu. 
- Thưa ông, TPHCM cũng có chính sách kích cầu thông qua Quyết định 15/2017/QĐ – UBND? Hiện có DN nào trong hội tiếp cận được hay chưa?
- Nếu xét về chính sách vĩ mô cho phát triển CNHT trong nước thì chưa nhiều và rõ nét, nhưng ở địa phương mà cụ thể là TPHCM hiện cũng đang có nhiều chương trình hỗ trợ DN CNHT phát triển, và Quyết định 15 là một trong số đó.
Theo đó, DN được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn lên tới 200 tỷ đồng. Trong Hội Cơ khí điện TPHCM cũng đã có một vài DN tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi này. Ngoài ra, TPHCM mà cụ thể là Sở Công Thương TP, thường xuyên có những hoạt động hỗ trợ, kết nối các DN CNHT với các đối tác. Song như tôi đã chia sẻ, do tiềm lực của phần đông DN còn yếu, nên tuy có kết nối nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa được như kỳ vọng.
Ngoài nỗ lực của chính quyền TP, ngay trong hội, ban lãnh đạo hiệp hội cũng đang bắt đầu có những kết nối với các hiệp hội và DN nước ngoài để hai bên có những tìm hiểu, nắm được nhu cầu và tìm kiếm những cơ hội hợp tác nếu có thể giữa các bên. Chúng tôi luôn tự hứa với nhau dù khó khăn nhưng cũng phải tìm cách để các DN cùng phát triển, vì đến nay những người còn gắn với ngành cơ khí đều là những người rất máu lửa và đam mê. 
- Được biết Duy Khanh cũng đầu tư một nhà máy theo chuẩn chất lượng cao  ở Khu công nghệ cao TPHCM. Hiện nay tiến độ đầu tư đến đâu và kế hoạch tương lai của Duy Khanh như thế nào, thưa ông?
- Theo đánh giá của chúng tôi, trong ngành CNHT nói chung nhóm ngành cơ khí sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ, vì nhu cầu với các sản phẩm cơ khí đang không ngừng gia tăng. Đó cũng là lý do mà Duy Khanh mạnh dạn đầu tư nhà máy theo chuẩn chất lượng cao để có thể đáp ứng nhu cầu khắt khe của các đối tác trong và ngoài nước.
Và hẳn nhiên khi đầu tư chúng tôi cũng có rất nhiều định hướng phát triển. Song hiện nay chúng tôi vẫn cần phải hoàn thiện nhà máy sản xuất, có được những sản phẩm cụ thể để phía các đối tác nhìn thấy năng lực thật sự của mình mới có thể tính tới những kế hoạch dài hơi hơn. 
- Xin cảm ơn ông.
 VinFast quyết định dành khoảng 30% diện tích khu tổ hợp hiện nay để làm nơi sản xuất dành riêng cho các công ty chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, xe điện. Các hình thức đầu tư bao gồm liên doanh, hoặc nhà đầu tư cũng có thể cung cấp công nghệ, còn VinFast sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị sản xuất. Tất cả tùy theo khả năng và dự định của nhà đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, theo VinFast ngoài 5 xưởng chính cho việc sản xuất xe, công ty đã có 8 nhà máy sản xuất linh kiện được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang trong giai đoạn ký hợp đồng và thiết kế nhà xưởng, với các đối tác đa dạng từ Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan... Trong số này, có 4 nhà máy VinFast tự đầu tư, 2 nhà máy liên doanh và 2 nhà máy có 100% vốn của nhà cung cấp.

Các tin khác