Nghịch lý hạn chế xe máy, phát triển xe công nghệ

(ĐTTCO)-Việc phát triển những ứng dụng gọi xe công nghệ, giao hàng, giao đồ ăn… đã trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số. Thế nhưng khi có quá nhiều ứng dụng công nghệ cùng hoạt động, lượng đầu xe của mỗi ứng dụng tăng lên hàng chục, hàng trăm ngàn, nhiều hệ lụy đã được đặt ra: an toàn giao thông và quan trọng hơn ảnh hưởng tới kế hoạch hạn chế xe cá nhân tại nhiều TP lớn như Hà Nội, TPHCM. 
Nghịch lý hạn chế xe máy, phát triển xe công nghệ
Xe buýt mất khách vì xe công nghệ
Nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhân, TPHCM và Hà Nội đã khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng mà tiêu biểu là xe buýt. Thế nhưng từ khi ứng dụng gọi xe công nghệ phát triển mạnh, lượng khách đi xe buýt đang giảm dần.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, lượng khách đi xe buýt trong năm 2020 chỉ đạt 51% kế hoạch, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh nguyên nhân do dịch Covid-19, sự xuất hiện của xe công nghệ, trong đó phần đông là xe ôm, đã hút lượng hành khách không nhỏ của xe buýt do tiện lợi và giá thành không quá cao.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2016 lượng khách đi xe công nghệ chỉ 20,8 triệu lượt, năm 2020 đã tăng lên 191 triệu lượt. Hà Nội cũng đang gặp tình trạng tương tự, xe công nghệ đặc biệt là xe ôm công nghệ đang giành khách của xe buýt.
Bên cạnh đó, việc quá nhiều người tham gia các hãng xe công nghệ, giao đồ ăn công nghệ, còn khiến các kế hoạch giảm thiểu phương tiện cá nhân tại TPHCM hay Hà Nội gặp khó khăn.
Theo công bố của Grab, hãng này có khoảng 135.000 đầu xe cả xe máy và ô tô. Trong khi tại Be con số này 100.000. Đó là chưa kể những con số xe máy khủng tại các hãng gọi xe công nghệ khác như Gojek, hay các hãng gọi đồ ăn công nghệ như Baemin, Now, Loship…
Chỉ tính riêng xe taxi công nghệ, với mô hình ban đầu của kinh tế chia sẻ là tận dụng xe nhàn rỗi để gia nhập đội ngũ này. Nhưng sau một thời gian, nhiều người đã vay ngân hàng mua xe và gia nhập đội ngũ taxi công nghệ. Theo thống kê tại TPHCM mỗi ngày có 127 xe ô tô đăng ký mới, trong đó chắc chắn có sự đóng góp của taxi công nghệ.
TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công Trường Đại học Fullbright Việt Nam, đánh giá xe ô tô là thủ phạm chính làm tình trạng giao thông đô thị ngày một tệ. 
Với xe ôm, giao đồ ăn, giao hàng công nghệ, nhiều ý kiến cho rằng phần đông tận dụng xe máy sẵn có, không phải mua mới, khiến lượng xe cá nhân tăng nhanh.
Thực tế lượng xe máy mới ở TPHCM vẫn tăng (trung bình khoảng 6%/năm), với ô tô mức tăng ít hơn. Song vấn đề ở đây là khi nhiều người cùng tham gia các ứng dụng công nghệ sẽ khiến mật độ sử dụng phương tiện cá nhân cao lên, gây ra áp lực lên hạ tầng giao thông vốn đã quá tải của TPHCM và Hà Nội. 
Cuối năm ngoái, TPHCM đã phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn. Liệu việc bùng nổ các ứng dụng công nghệ có đi ngược đề án này, đang là câu hỏi lớn cần được các cơ quan chức năng giải đáp. 

Mất an toàn, tăng ô nhiễm
Quá nhiều ô tô, xe máy cùng tham gia giao thông để phục vụ các ứng dụng công nghệ, đồng nghĩa làm gia tăng lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, cũng như góp phần làm tình trạng giao thông đô thị thêm tồi tệ.
Ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn, giao hàng công nghệ bùng nổ không chỉ mang đến thách thức cho việc kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân ở các TP lớn, còn gây ra nhiều tác động tiêu cực khác, như tăng ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.
Nói về vấn đề ô nhiễm môi trường, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, chuyên gia nghiên cứu ô nhiễm không khí, cho biết không khí tại TPHCM bị ô nhiễm nặng, đang và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân TP. Trong đó hoạt động giao thông chiếm tỷ lệ phát thải cao nhất hầu hết trong các chất gây ô nhiễm.
Cụ thể, hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng chất phát thải CO2 của toàn TP. Chỉ riêng với khói bụi phát ra từ khí thải xe máy và do ma sát mặt đường, thắng xe, lốp xe cũng đã chiếm tỷ lệ 37,7%. Còn tại Hà Nội, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng 70% bụi mịn siêu vi trong không khí thải ra từ các phương tiện xe máy và ô tô. 
Thực trạng trên đang cho thấy nếu quá nhiều ô tô, xe máy cùng tham gia giao thông để phục vụ các ứng dụng công nghệ, cũng đồng nghĩa với việc làm gia tăng mạnh mẽ lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Đây là sự thật chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận. Và để kiểm soát khí thải, giảm ô nhiễm môi trường, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng và giảm phương tiện cá nhân là điều tất yếu. 
Một vấn đề nữa cũng thường được nhắc tới khi nói về sự bùng nổ của xe ôm công nghệ, giao hàng, giao đồ ăn công nghệ, là khả năng mất an toàn giao thông cao. Chỉ riêng việc vừa đi vừa sử dụng điện thoại di động để tìm đường, trao đổi với khách hàng cũng mang đến nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Điều đáng lo ngại, đây lại là việc bắt buộc với các xe ôm, giao hàng công nghệ.
Hồi cuối năm 2019, Công an TPHCM mở đợt xử lý tài xế xe ôm công nghệ vi phạm an toàn giao thông. Không chỉ gây mất an toàn, các tài xế xe ôm, giao hàng, đồ ăn còn tận dụng lòng đường, vỉa hè đứng tràn lan đợi khách, giao hàng…
Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng nên chăng Việt Nam nên tham khảo mô hình quản lý xe ôm của Thái Lan để phần nào đảm bảo an toàn giao thông. 
Có thể thấy cùng với sự phát triển của kinh tế số, những ứng dụng công nghệ như Grab, Be, Gojek, Now… mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và mang đến cơ hội việc làm cho nhiều cá nhân. Thế nhưng những mặt trái của nó cũng không ít.
Quản lý như thế nào để mang lại lợi ích cho nền kinh tế, đồng thời giảm thiểu những tác động không mong muốn, đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc của các cơ quan quản lý nhà nước. 

Các tin khác