Nghịch lý hỗ trợ thuế doanh nghiệp

(ĐTTCO)-Dịch Covid-19 đã tác động xấu đến hầu hết loại hình doanh nghiệp (DN), ngành kinh tế, thành phần kinh tế và người dân. Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất được xem như biện pháp hữu hiệu Chính phủ dùng để cứu DN. Song, trên thực tế biện pháp này có đạt hiệu quả như mong muốn, lại là câu chuyện khác.
Nghịch lý hỗ trợ thuế doanh nghiệp
Rộng mà hẹp, chưa công bằng
Trước tiên, hãy xét về đối tượng DN được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về đối tượng là DN được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất gồm: 
(1) DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng. 
(2) DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản; dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim. 
(3) DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm. 
(4) DN nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 và Nghị định 39/2018/NĐ-CP. 
Song một điểm rất đáng chú ý, là để được hưởng chính sách hỗ trợ nói trên, theo quy định các ngành kinh tế, lĩnh vực của DN, tổ chức, hộ gia đinh, cá nhân kinh doanh quy định tại (1), (2) và (3) phải là ngành, lĩnh vực mà DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2019 hoặc năm 2020.
Thực tế, sự tác động của dịch Covid-19 đối với các đối tượng kinh tế, nhóm DN không giống nhau. Có nhóm DN có thể lên tiếng về những khó khăn của mình, có nhóm DN không thể hoặc không có điều kiện lên tiếng về khó khăn của mình.
Chẳng hạn những đối tượng trong nhóm thứ nhất như DNNN thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, DN BOT thông qua Bộ GTVT, DN kinh doanh bất động sản thông qua Hiệp hội Bất động sản, khi tổ chức rất nhiều hội thảo để “kêu” khó, là những thí dụ điển hình.
Trong khi đó, những DN thực sự khó khăn thường không có điều kiện phản ánh, hoặc họ đã quá quen với khó khăn, nên tự hiểu tiếng nói của mình - những lời nói bi thương - sẽ chỉ được lắng nghe như đang nghe một bài tập làm văn. Đến nay không biết có cơ quan nào thống kê bao nhiêu phần trăm đối tượng này tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ? 
Đó là chưa nói đến ở giác độ khác, những người dân khó khăn (hay những hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ) khi nhận tiền hỗ trợ Covid-19, lại được gợi ý “lại quả” chút tiền “uống nước” cho trưởng thôn, như báo chí đã từng phản ánh, hẳn cũng không hiếm, là điều rất đáng để suy tư về tính hiệu quả thực tế của chính sách. 

Tính hiệu quả thực tế không cao
DN lớn, DNNN có “chống lưng” nên được thuận lợi trong gia hạn thuế, tiền thuê đất. Ngược lại, DN nhỏ và siêu nhỏ khó khăn hơn nhiều lại rất khó được gia hạn.
Những DN có hiệp hội đứng ra “chống lưng” có thể tổ chức hội thảo về khó khăn có thực sự đang khó khăn, như kiểu các doanh nghiệp BOT chẳng hạn? Trước kia thu tiền phí của dân có lãi, nay do cách ly xã hội, hoạt động giao thông vận tải ít đi lại nên không thu được tiền và đề nghị tăng phí đánh vào toàn dân và nền kinh tế.
Cần nói thêm, về bản chất phí BOT giống hệt như một loại thuế gián thu, chỉ có khác thuế nộp vào ngân sách, phí BOT nộp cho ông chủ DN. Rõ ràng khó khăn của các DN BOT không thể bằng khó khăn của DN vận tải. Khó khăn của DN bất động sản không thể bằng sự “tồn tại hay không tồn tại” của một bộ phân không nhỏ người dân và DN nhỏ, siêu nhỏ. 
Rõ ràng, việc miễn giãn, giảm thuế thu nhập DN, giảm tiền thuê đất thực ra không có ý nghĩa nhiều trên thực tế. Vì theo sách trắng DN Việt Nam 2020 do Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố, DN nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 93% tổng số DN) suốt từ 2011-2018 luôn có lợi nhuận trước thuế âm, và tình trạng thua lỗ của DN loại này có xu hướng tăng lên.
Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trước thuế của DN siêu nhỏ bình quân giai đoạn 2011-2015 là -0,9%, sang giai đoạn 2016-2018 là -1,3%; DN nhỏ tỷ suất lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2011-2015 là -0,1%, giai đoạn 2016-2018 là -0,3%. 
Như vậy có thể thấy, dù không có dịch Covid-19, các DN siêu nhỏ và nhỏ cũng mấp mé bờ vực phá sản. Do đó, khi theo quy định, để được gia hạn thuế, tiền thuê đất, DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2019 hoặc năm 2020, chẳng khác nào “đánh đố” những nhóm DN này.
Nghịch lý là, dường như không thấy tiếng kêu của tổ chức nào cho các DN nhỏ và siêu nhỏ loại này, và cũng không rõ những DN này còn tồn tại hay không. Hẳn cũng vì thế theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến tháng 6, cả nước mới có… 20% DN gửi giấy xin được gia hạn thuế. 

Các tin khác