Người lao động trong nhà máy '3 tại chỗ' chỉ có thể kéo dài 1 tháng, khó duy trì lâu hơn

(ĐTTCO) - Theo chia sẻ của nhiều chủ doanh nghiệp thì sản xuất "3 tại chỗ" chỉ có thể kéo dài trong 1 tháng, vì nếu dài hơn sẽ có nhiều hệ luỵ, đặc biệt là tinh thần của người lao động rất lo lắng, bất an. 
Chia sẻ tại buổi cafe doanh nhân do Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức sáng nay, ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó Chủ tịch hội Cơ khí điện TPHCM, cho biết việc duy trì sản xuất 3 tại chỗ không thể kéo dài quá 1 tháng. Lý do các nhà máy vốn được thiết kế dành cho sản xuất và thông thường là phục cụ người lao động 1 bữa trưa. Nay nếu kéo quá dài có thể gây đến nhiều hệ luỵ. 
Người lao động trong nhà máy '3 tại chỗ' chỉ có thể kéo dài 1 tháng, khó duy trì lâu hơn ảnh 1 Nhiều doanh nghiệp lo sức khỏe, tâm lý người lao động bị ảnh hưởng khi phải ăn ở quá lâu trong nhà máy. Ảnh: Tuổi trẻ
Đó là chưa nói đến tâm lý người lao động khi phải liên tục ở trong nhà máy, xa gia đình. Mỗi doanh nghiệp đều nỗ lực động viên tinh thần người lao động. Thế nhưng trước nhiều luồng thông tin cả chính thống và không chính thống, khiến nhiều người vẫn hoang mang. Ông Duy dẫn chứng khi thấy tin tức nhiều nhà máy "3 tại chỗ" thành ổ dịch, không ít người lao động rất lo sợ. 
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh, cho rằng khi thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải đồng thời quan tâm chăm sóc sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần cho người lao động. Trong đó sức khoẻ tinh thần hết sức quan trọng.
"Ngoài thời gian làm việc thì đa phần người lao động sẽ lên mạng đọc thông tin. Trong bối cảnh tin giả nhiều làm tâm lý họ bị ảnh hưởng không nhỏ", ông Ngân nhấn mạnh. 
Theo ông Ngân, cần kiểm soát tốt hơn các nguồn thông tin trên mạng, cần có thêm nhiều nguồn tin chính thống để mỗi doanh nghiệp có thể làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên của mình, khi thực hiện "3 tại chỗ". 
Một số ý kiến khác cho rằng thực hiện "3 tại chỗ" nhưng cũng cần có những giải pháp linh hoạt, như cho phép người lao động được đi về nếu đã tiêm vaccine dưới sự kiểm soát chặt chẽ của doanh nghiệp và địa phương. Hoặc cho phép thay đổi hai ca theo định kỳ, có kiểm soát chặt chẽ.
Hiện nay, theo quy định người lao động trong các nhà máy "3 tại chỗ" sẽ không được đi ra khỏi nhà máy. Nhưng nếu người lao động nhất quyết đi, doanh nghiệp cũng không thể cản, như vậy sẽ gây ảnh hưởng cho cả hai bên. 
"3 tại chỗ" cũng khiến doanh nghiệp phải gồng gánh thêm rất nhiều chi phí, nên nhiều doanh nghiệp mong mỏi có thể nhận được sự trợ lực của các cơ quan chức năng. 
Người lao động trong nhà máy '3 tại chỗ' chỉ có thể kéo dài 1 tháng, khó duy trì lâu hơn ảnh 2 Thành phố cam kết cùng đồng hành với doanh nghiệp để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. 
Chia sẻ với các doanh nghiệp, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết cả thành phố đang cùng chiến đấu trên 2 mặt trận phòng chống dịch Covid-19 và duy trì sản xuất kinh doanh. Ông Hoan khẳng định trong quá trình làm việc cùng các doanh nghiệp cũng đã nhận thấy doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. 
Hiện lãnh đạo thành phố đang cố gắng thực hiện 3 nhóm công việc: Thứ nhất nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Thứ hai, tiếp tục thực hiện một số chính sách xã hội cho người lao động của các doanh nghiệp. Thứ ba là cố gắng giải quyết bài toán vaccine. 
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định trong quá trình thực hiện "3 tại chỗ" và "một cung đường hai điểm đến", nếu doanh nghiệp có bất cứ phương án nào linh động mà vẫn đảm bảo an toàn sản xuất, có thể đề xuất. Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố sẽ yêu cầu Ban chỉ đạo phòng dịch quận, huyện cùng ngành chức năng thẩm định và vận hành theo phương thức đó. Vì hơn ai hết doanh nghiệp cũng muốn an toàn cho sản xuất của mình, và khi doanh nghiệp an toàn thì phòng chống dịch của thành phố cũng an toàn. 
Phó Bí thư Phan Văn Mãi cũng khẳng định các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp thành phố sẽ ghi nhận. Những ý kiến góp ý trong phạm vi của thành phố sẽ giao cơ quan chức năng triển khai sớm. Những gì vượt thẩm quyền thành phố sẽ tổng hợp kiến nghị trung ương. Thành phố sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp để chúng ta không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. 

Các tin khác