Nhiều lao động lo ngại công việc sẽ thay đổi trong 5 năm tới vì Covid-19

(ĐTTCO) - PwC lần đầu công bố Báo cáo Mức độ sẵn sàng về Kỹ năng số Việt Nam, dựa trên kết quả cuộc khảo sát gần đây về công nghệ, việc làm và kỹ năng trong nền kinh tế số, trước những thay đổi nhanh chóng về công việc dưới tác động của đại dịch Covid-19.
Nhiều lao động lo ngại công việc sẽ thay đổi trong 5 năm tới vì Covid-19
Các kết quả chính từ báo cáo nhấn mạnh những thay đổi về việc làm đang cận kề, và sẽ diễn ra một cách nhanh chóng. Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, 83% người Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng công việc của họ sẽ thay đổi trong vòng 3-5 năm tới và tỷ lệ này cao hơn, ở mức 90% người được hỏi khi xét về trung hạn (6-10 năm).
Báo cáo cũng ghi nhận rằng 45% người Việt Nam tham gia khảo sát bày tỏ lo ngại về vấn đề đảm bảo việc làm do tự động hóa. Điều này không đáng ngạc nhiên khi việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số đang trở thành giải pháp ngày một quan trọng đối với các ngành công nghiệp. 
Một kết quả khác của báo cáo cho thấy những tín hiệu tích cực bên cạnh sự lo ngại đó chính là việc học hỏi và tiếp thu kỹ năng mới của người lao động. Kết quả từ báo cáo cho thấy có tới 93% đã và đang học các kỹ năng mới để hiểu rõ hơn hoặc sử dụng công nghệ tốt hơn. Các kỹ năng liên quan tới kỹ thuật số được chú trọng, với 43% người tham gia khảo sát chia sẻ nguyện vọng trở nên thành thạo hơn trong việc học và tiếp thu các công nghệ mới, và 34% muốn phát triển kỹ năng chuyên sâu hơn với một công nghệ cụ thể.
Ở các mức độ khác nhau, 88% người tham gia khảo sát cho biết họ được trao cơ hội để nâng cao kỹ năng số tại nơi làm việc. Đây là một con số đáng khích lệ, cho thấy nỗ lực từ phía doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực của nhân viên. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự mất cân bằng cung cầu kỹ năng (skill mismatch) và khoảng cách cơ hội đang ngày một gia tăng khi nền kinh tế đang có những bước chuyển mình ngày càng mạnh mẽ theo xu hướng số hóa, tại Việt Nam cũng như trên thế giới. 
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho biết: “Covid-19 đã làm gia tăng sự chênh lệch giữa nguồn nhân lực có các kỹ năng cần thiết và những công việc, ngành nghề thiếu nhân lực. Việc nâng cao kỹ năng hay đào tạo lại nguồn nhân lực là nhu cầu ngày một quan trọng để họ có thể tham gia vào nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục và chính phủ cần hợp tác để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động nhằm đáp ứng những nhu cầu về nhân lực trong tương lai và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội bền vững và bao trùm cho Việt Nam”. 

Các tin khác