Nhiều sai phạm đất đai tại Samco: Lãnh đạo nhận rút kinh nghiệm

(ĐTTCO) - Như ĐTTCO phản ánh, Tổng Công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn- TNHH một thành viên (Samco) đã có nhiều sai phạm trong công tác quản lý tài sản công, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng. 
Cảng Phú Hữu.
Cảng Phú Hữu.
Samco vừa có báo cáo gửi UBND TPHCM về việc, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan những sai phạm tại đơn vị này theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
Theo Samco, sau khi có kết luận của Thanh tra TP, Hội đồng thành viên tổng công ty đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân trực thuộc đơn vị gồm: Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát, Hội đồng xử lý công nợ, Phòng Tài chính kế toán, Giám đốc nhân sự thực hiện kiểm điểm theo từng nội dung tại kết luận thanh tra. 
Kết quả thanh tra cho thấy, Samco được UBND TP giao quản lý, sử dụng 12 cơ sở nhà, đất trên địa bàn các quận, huyện, nhưng 5/12 cơ sở thực hiện không đúng mục đích, tùy tiện cho các đơn vị khác sử dụng. Điển hình, mặt bằng tại số 1450 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 6; số 444 - 448 Nguyễn Chí Thanh, phường 6, quận 10; số 1135 Quốc lộ 1A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân... Samco xin thuê nhưng không sử dụng mà cho các đơn vị khác thuê lại. Trong quá trình quản lý, các lãnh đạo tổng công ty có dấu hiệu làm thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước. 
Thế nhưng, trong báo cáo gửi lãnh đạo TP, phía Samco chỉ giải thích chung chung. Tại mặt bằng số 1 Xa lộ Hà Nội, lãnh đạo tổng công ty cho rằng, do kế thừa giai đoạn trước từ tháng 7-2006, tổng công ty tiếp tục khai thác mặt bằng nhà xưởng. Tuy nhiên, sau khi có kết luận thanh tra, tổng công ty đã thanh lý hợp đồng với đơn vị thuê mặt bằng. Tương tự, tại mặt bằng số 1450 Võ Văn Kiệt, Tổng công ty và CTCP Hòa Phú (con ty con của Samco) đã thanh lý hợp đồng cho thuê văn phòng sau khi có kết luận thanh tra. 
Còn tại mặt bằng số 444 - 448 Nguyễn Chí Thanh, phía Samco giải thích, do giai đoạn 2011 - 2012 kinh tế khó khăn nên công ty đã ký kết hợp tác với CTCP Quốc tế Anh văn Hội Việt Mỹ để khai thác. Mặt bằng này đã giúp tổng công ty thu hồi giá trị đầu tư trong thời gian ngắn. Đối với các mặt bằng tại số 1135 Quốc lộ 1A; 264 Trần Hưng Đạo, lãnh đạo Samco không nhận làm sai mà chỉ nêu kiến nghị UBND TP chấp thuận cho tổng công ty tiếp tục sử dụng mặt bằng hoặc cho thuê.  
Cuối cùng, các tổ chức, cá nhân lãnh đạo thuộc Samco cho biết, qua tổ chức kiểm điểm đã thống nhất nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát và quản lý điều hành. 
Trong khi đó, đối với các công ty con của Samco gồm: Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông; Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé; Công ty TNHH MTV đóng tàu An Phú; Công ty TNHH MTV Cảng sông TP cũng bị Thanh tra TP chỉ ra hàng loạt sai phạm, nhưng lãnh đạo các đơn vị này cũng nhận hình thức kỷ luật không khác công ty mẹ. 
Trong diễn biến khác, sau khi có kết luận của Thanh tra TP về những sai phạm của Samco, vừa qua Chi cục Tài chính doanh nghiệp (thuộc Sở Tài chính TPHCM) cũng đã có báo cáo gửi UBND TPHCM về những hoạt động Samco làm trái quy định pháp luật. 
Cụ thể, việc Samco cho Công ty TNHH ôtô Toyotsu thuê nhà xưởng tại số 264 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, khi chưa có ý kiến của các sở, ngành là không đúng với chỉ đạo của UBND TPHCM. Tương tự, việc Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn với hình thức cho CTCP cảng Phú Hữu thuê lại toàn bộ Cảng Phú Hữu không đúng quy định và không đúng đối tượng. Chi cục Tài chính doanh nghiệp đề xuất UBND TP giao Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giao-thông Vận tải có ý kiến việc này.  

Các tin khác