Niềm vui kép cho thủy sản Việt

(ĐTTCO)-Cuối cùng Mỹ đã chính thức công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cho cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là tương đương với hệ thống kiểm soát chất lượng của Mỹ, sau 3 năm nỗ lực của Việt Nam.
Chế biến cá da trơn xuất khẩu tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: THÀNH TRÍ
Chế biến cá da trơn xuất khẩu tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: THÀNH TRÍ

Sự kiện đáng mừng

 Ngày 4-11, Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) cho cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là tương đương với hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Mỹ.

Đây là kết quả sau hơn 3 năm nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho hàng triệu hộ nông dân về điều kiện bảo đảm vệ sinh, ATTP trong toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống, nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế, chế biến, xuất khẩu cá tra vào Mỹ; thực hiện  nhiều cuộc đàm phán, đánh giá thực địa hệ thống kiểm soát ATTP trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá da trơn Việt Nam.

Theo Đạo luật Nông nghiệp 2014 (Farm Bill 2014), được cụ thể hóa bằng Chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ, để tiếp tục xuất khẩu cá da trơn (chủ yếu là cá tra) vào Mỹ, Việt Nam phải xây dựng và tổ chức hệ thống kiểm soát ATTP tương đương với Mỹ về hệ thống pháp luật, năng lực thực thi và điều kiện bảo đảm vệ sinh, ATTP trong toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống, nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế, chế biến, xuất khẩu cá tra vào Mỹ.

Để đáp ứng quy định mới của Mỹ, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động ứng phó xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ. Tháng 5-2018, đoàn thanh tra của Cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Mỹ đã sang đánh giá thực địa tại Việt Nam. Kết quả khảo sát ý kiến của người dân Mỹ có tới 80% ủng hộ cá da trơn của Việt Nam (đạt mức cao nhất, trong khi tỷ lệ dành cho Trung Quốc chỉ là 57% và Thái Lan là 40%.

Mở thêm cánh cửa

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc Mỹ công nhận hệ thống kiểm soát ATTP cho cá da trơn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành cá tra bền vững trong thời gian tới. Điều này khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam đã đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ sang Mỹ mà còn các thị trường khác.

Hiện nay Việt Nam đang có tổng cộng 13 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ nhưng sau sự kiện này, Việt Nam sẽ được bổ sung thêm doanh nghiệp và quan trọng hơn là tạo niền tin cho nhà nhập khẩu Mỹ yên tâm đưa cá tra của Việt Nam vào thị trường này. 

Cùng với công nhận hệ thống kiểm soát ATTP cho cá da trơn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết, vào ngày 11-10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã thông báo quyết định sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1-8-2017 đến ngày 31-7-2018 đối với cá tra, cá basa của Việt Nam.

Theo đó, Công ty Vĩnh Hoàn, Công ty Biển Đông được duy trì mức thuế suất là 0USD/kg; và bổ sung 2 doanh nghiệp sẽ được xem xét áp dụng mức thuế suất 0USD/kg dự kiến trong tháng 11 là Công ty cổ phần Thủy sản NTSF và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ - CASEAMEX. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vẫn lo ngại cuộc cạnh tranh giành thị trường cho cá da trơn Việt Nam sẽ khốc liệt. Theo thống kê, hiện Việt Nam có sản lượng cá tra là 1,3 triệu tấn, còn Ấn Độ cũng đã có 650.000 tấn, Bangladesh có 450.000 tấn, Indonesia có 110.000 tấn.

Thậm chí, Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam. Sản phẩm cá tra của các nước này đã tham gia vào thị trường xuất khẩu, mặc dù hiện đang chiếm thị phần nhỏ, nhưng việc các quốc gia này đầu tư tăng sản lượng nuôi sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị các doanh nghiệp, chủ trại nuôi phải thay đổi theo hướng tích cực, cải thiện từ nuôi, chế biến, xuất khẩu và tổ chức sản xuất, chế biến gắn kết chặt chẽ với phát triển thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. Trong đó, tìm ra giống tốt là khâu quan trọng nhất, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng.

Các tin khác