Nikkei: Việt Nam thu hẹp khoảng cách với nhiều nước về start-up

(ĐTTCO)-Tác giả bài viết trên Nikkei Asia Review cho rằng Việt Nam có tiềm năng để thiết lập cho mình hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á.
Luxstay là một start-up cung cấp dịch vụ chia sẻ phòng tương tự như Airbnb.
Luxstay là một start-up cung cấp dịch vụ chia sẻ phòng tương tự như Airbnb.

Tờ Nikkei Asia Review mới đây đã đăng tải bài viết của tác giả Kentaro Iwamoto về sự phát triển của phong trào khởi nghiệp (start-up) ở Việt Nam.

Với tiêu đề “Các start-up của Việt Nam thu hẹp khoảng cách với Indonesia và Singapore nhờ nguồn vốn mới,” bài viết khẳng định hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, bất chấp sự trì trệ của nền kinh tế thế giới.

Bài viết đề cập đến kết quả một nghiên cứu chung giữa quỹ đầu tư mạo hiểm ESP Capital (có trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh) và công ty Cento Ventures (Singapore).

Nghiên cứu cho thấy đến cuối tháng 6, tổng số vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam lên tới 246 triệu USD cho 56 hợp đồng.

Con số này có thể sẽ đạt 800 triệu USD vào cuối năm nay, tăng ít nhất 80% so với con số 444 triệu USD của năm ngoái.

Trong nửa đầu năm 2019, tổng số vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đông Nam Á là khoảng 5,9 tỷ USD.

Tính theo quốc gia, Việt Nam chiếm 17% trong tổng vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong khu vực, tăng mạnh so với con số 5% cho cả năm 2018, và chỉ đứng sau Indonesia (chiếm 48%) và Singapore (25%).

Bài viết phản ánh thực trạng đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam bắt đầu tăng trong năm ngoái, trong đó các lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thanh toán và giáo dục thu hút nguồn vốn lớn.

Trong số các start-up đã huy động vốn năm ngoái, ứng dụng thanh toán điện tử Momođã huy động khoảng 100 triệu USD từ quỹ đầu tư cổ phần tư nhân Warburg Pincus của Mỹ. Đây là một trong những start-up Việt Nam huy động được số vốn lớn nhất trong một vòng gọi vốn.

Năm nay, theo nghiên cứu của ESP và Cento, nền tảng thương mại điện tử Tiki đã được bơm nguồn vốn lớn dù công ty này chưa tiết lộ số tiền huy động được.

Một số thông tin cho thấy Tiki đã huy động được 75 triệu USD hồi tháng 3 từ các nhà đầu tư do quỹ đầu tư cổ phần tư nhân Northstar Group của Singapore.

Công ty giải pháp thanh toán VNPay cũng huy động 50 triệu USD từ quỹ đầu tư Nhà nước GIC của Singapore, trong khi công ty quản lý game trực tuyến VNG nhận 29 triệu USD từ tập đoàn Temasek Holdings.

Các start-up nhỏ hơn cũng đang được thành lập. Theo dữ liệu về doanh nghiệp khởi nghiệp Crunchbase, Luxstay (một start-up cung cấp dịch vụ chia sẻ phòng tương tự như Airbnb) đã huy động 4,5 triệu USD vào tháng 5 và nhà điều hành hệ thống bán hàng KiotViet nhận 6 triệu USD vào tháng 8.

Bài viết nhấn mạnh, với dân số khoảng 96 triệu người và một nền kinh tế đang tăng trưởng lành mạnh với tốc độ 6,7% trong quý 2 vừa qua, Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Nhiều dịch vụ sử dụng công nghệ do các kỹ sư trong nước phát triển trong một số lĩnh vực như thanh toán điện tử, thương mại điện tử, gọi xe và logistics đang nở rộ.

Báo cáo nghiên cứu trên nhấn mạnh: “Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng khi các bộ phận chính của một nền kinh tế số mạnh mẽ đang bắt đầu định hình.”

Nền kinh tế số của Việt Nam sẽ hưởng lợi từ dân số trẻ, với số người dưới 35 tuổi chiếm tới 60% dân số, trong khi tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và Internet vẫn đang tăng. Nghiên cứu trên dự báo vào năm 2023, Việt Nam sẽ có thêm hơn 10 triệu người tiêu dùng sử dụng Internet.

Bài viết khẳng định Việt Nam có một lực lượng lao động được đào tạo tốt. Cụ thể, các học sinh của Việt Nam đứng thứ 8 thế giới trong bài kiểm tra về khoa học quốc tế PISA, cao hơn cả xếp hạng của Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Cùng với chi phí lao động tương đối thấp, Việt Nam từ lâu là trung tâm gia công phần mềm ở châu Á, nơi sản sinh ra nhiều công ty công nghệ thông tin lớn như FPT.

Bài viết cũng đề cập đến sự góp sức của nhiều doanh nhân được đào tạo ở nước ngoài trong việc giúp định hình hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.

Công ty khởi nghiệp giáo dục Elsa có trụ sở ở Silicon Valley do Vũ Văn, một người Việt Nam đã tốt nghiệp Đại học Stanford làm tổng giám đốc, đang có khoảng 50% trong số 40 nhân viên của mình ở Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển hoạt động kinh doanh ứng dụng học tiếng Anh tại Việt Nam.

Bà Lê Vy, một thành viên của ESP Capital, đánh giá sự hỗ trợ của Chính phủ, thông qua các chương trình vườn ươm và hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần đáng kể vào hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. 

Nghiên cứu chung giữa ESP và Cento cho thấy, hiện Indonesia và Singapore đang dẫn đầu lĩnh vực doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đông Nam Á khi có 6 trong số 8 "Kỳ Lân" (cụm từ chỉ những start-up chưa niêm yết có giá trị ít nhất 1 tỷ USD).

Tuy nhiên, chắc chắn Việt Nam có tiềm năng thiết lập cho mình hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á trong tương lai.

Các tin khác