Nửa tháng gỡ phong tỏa, doanh nghiệp TPHCM tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh

(ĐTTCO) - Sau hơn nửa tháng nới lỏng giãn cách, TPHCM ghi nhận 60% doanh nghiệp phục hồi sản xuất với quy mô lên tới 83%. Việc “phá băng” giãn cách cộng với việc nối lại hệ thống GTVT từ thành phố đi các tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi để DN tăng tốc sản xuất. 

“Giải nén” lò xo 

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, thông tin ngay khi “giải nén”, các DN đã chủ động làm việc với công nhân, đối tác để tăng ca sản xuất, giải quyết đơn hàng tồn đọng, tạo cơ sở tiếp nhận đơn hàng mới. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết công ty đã phục hồi 98% năng lực sản xuất, 2% còn lại đang chờ bổ sung.

DN này đang liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để xác định “vùng xanh”, nhằm hỗ trợ địa điểm ở an toàn cho người lao động. 

Theo Ban Quản lý KCX-KCN TPHCM, tính đến nay có gần 200.000/288.000 công nhân các KCX-KCN trở lại làm việc. Rất nhiều DN đã phục hồi sản xuất đến 90% năng lực.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM, chia sẻ, sau 15 ngày tái sản xuất, 1.500 DN, trong đó có 500 DN FDI, vốn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đã hoạt động trở lại. Ước tính có 60% DN phục hồi sản xuất với quy mô 83%.

Doanh nghiệp tăng tốc phục hồi sản xuất - kinh doanh ảnh 1Sản xuất tại một đơn vị ở TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng 

Dạo một vòng các nhà máy, chúng tôi ghi nhận giải pháp “sống chung với dịch” của thành phố đã phát huy hiệu quả nhất định.

Đơn cử như Công ty Freetrend, từng ngưng hoạt động vì phát sinh ca F0, nhưng từ đầu tháng 10, hơn 4.800 công nhân đã trở lại nhà máy làm việc. Trong 15 ngày qua, có khoảng 20 ca F0 phát sinh song được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, DN không để dịch tái phát, phun xịt khử khuẩn nhà máy, đưa người lao động đi điều trị và duy trì sản xuất.

Lĩnh vực dệt may và da giày khá gian nan trong việc tìm lại lao động, giờ cũng cơ bản trở lại hoạt động bình thường.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho biết, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 có đến 80% công nhân đi làm lại. Nhiều DN thành viên có quy mô lớn khác cũng ghi nhận tình hình khả quan. Chỉ những DN quy mô nhỏ gặp khó về nguồn lao động. Tuy nhiên, tình hình này có lẽ sẽ sớm được khắc phục khi các tỉnh đang hỗ trợ tiêm vaccine cho người dân có nhu cầu trở lại TPHCM làm việc.

Lãnh đạo TPHCM cũng chủ động làm việc với các DN để bố trí phương tiện hỗ trợ công nhân từ các tỉnh trở lại thành phố. 

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ DN

Để hỗ trợ DN có thể bứt tốc trong sản xuất, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đã kiến nghị Chính phủ thực hiện 2 giải pháp cấp bách. Đầu tiên là ban hành gói tài chính hỗ trợ dành riêng cho DN, trong đó đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính để DN dễ tiếp cận. Những trường hợp DN đã hoàn tất hồ sơ để được tiếp cận vốn hỗ trợ trước đó, ngành chức năng nên đẩy nhanh tiến trình xét duyệt.

Ngoài ra, cần giãn thuế, giảm thuế để DN có thêm khả năng tăng vốn lưu động trong nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất.

Ở góc độ thành phố, ông Chu Tiến Dũng cũng đề nghị giảm chi phí điện, nước cho DN, nhất là tạm thời chưa áp dụng tăng thu phí hạ tầng cảng biển. 

Doanh nghiệp tăng tốc phục hồi sản xuất - kinh doanh ảnh 2Công nhân KCX Tân Thuận, quận 7, TPHCM ra về bằng phương tiện cá nhân  lúc 14 giờ ngày 18-10. Ảnh: Hoàng Hùng 

Cùng chia sẻ vấn đề trên, theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, quý IV-2021 là thời điểm DN tăng tốc xuất khẩu - và tăng nhập khẩu nguyên liệu. Khó khăn lớn nhất lúc này là giá nguyên liệu đang tăng chóng mặt.

Đơn cử trong lĩnh vực nhựa, giá nguyên liệu các loại đã tăng gấp 2-3 lần so với đầu năm. Mức tăng trên “ngốn” gần hết lợi nhuận của DN. Chưa kể DN còn phải gánh chi phí phát sinh do kiểm soát dịch Covid-19. Do vậy, sự nhanh chóng và kịp thời của những gói chính sách hỗ trợ sẽ giúp DN vượt khó, bứt tốc nhanh hơn. 

Cùng với giải pháp kinh tế, việc tăng khu điều trị thu dung tại các khu vực có đông nhà máy sản xuất cũng rất cần thiết. KCX Linh Trung 2 sắp khánh thành khu thu dung 1.500m2 với 250 giường, có sự phối hợp của Bệnh viện TP Thủ Đức. Đây là mô hình chủ động hỗ trợ các DN khi có phát sinh ca F0, nên rất cần nhân rộng trong thời gian tới. 

Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, DN nào có khu vực ký túc xá hoặc khu lưu trú công nhân tươm tất thì DN đó rất chủ động trong phòng chống dịch và thực hiện “3 tại chỗ”. Do vậy, thành phố cần bổ sung những quy định về việc xây dựng khu lưu trú công nhân trong quá trình phát triển mới hoặc cải tạo các KCX-KCN. 

Các DN cũng cho rằng, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan sớm thống nhất phương thức kiểm soát thông thương liên tỉnh Bắc - Nam bằng hệ thống quản lý chung toàn quốc.

Theo đó, 400 KCX-KCN và khu kinh tế trên cả nước cần nhanh chóng được kết nối giao thương để đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa, nguyên phụ liệu, hàng xuất nhập khẩu qua các tỉnh đến các cảng. Có như vậy mới tạo động lực tổng thể thúc đẩy kinh tế TPHCM phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm 2021.

Theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, lực lượng lao động không phải là vấn đề quan ngại lớn của các DN FDI.
Bởi trong thời gian qua, tuy giới hạn số lượng công nhân sản xuất do phải đảm bảo tiêu chuẩn “3 tại chỗ”, nhưng các DN này đã bố trí làm việc luân phiên theo ca cho từng nhóm công nhân. Nhờ vậy, người lao động duy trì việc làm, thu nhập ổn định nên không bỏ về quê. Chỉ số ít công nhân do việc riêng, ra ngoài thành phố hiện còn mắc kẹt ở các tỉnh. Chính quyền các địa phương và TPHCM đang hỗ trợ họ quay trở lại làm việc.
Hiện nay, 100% DN trong khu đã sản xuất trở lại với quy mô 50%-75%. Phần còn lại cũng sẽ được các DN lên kế hoạch phục hồi từ nay đến giữa tháng 11-2021.

Các tin khác