Nước mắt từ hai nhà máy thép

(ĐTTCO) - Đã có những giọt nước mắt chảy ra từ sự việc 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc của Đà Nẵng bị tạm ngừng sản xuất. Lãnh đạo DN khóc vì nguy cơ phá sản, công nhân khóc vì mất việc làm…!

Dân muốn di dời
Buổi đối thoại giữa người dân, chính quyền và DN chiều hôm ấy, trên bàn chủ tọa, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa đọc xong thông báo tạm dừng sản xuất 6 tháng 2 nhà máy thép Dana - Úc và Dana-Ý, bên dưới bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Nhà máy thép Dana - Úc “đổ gục” xuống bàn, bật khóc.
Còn ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty thép Dana -Ý có vẻ “sắt thép” hơn, mắt chỉ đỏ hoe, rơm rớm nước…
 Ngày đặt nhà máy, Luật Môi trường chưa quy định nhà máy phải cách ly khu dân cư bao nhiêu mét, sau này mới ban hành. Như vậy nhà máy có trước. Người dân tại sao biết nhà máy ô nhiễm vẫn mua đất để đó, tách thửa, tách sổ và chính quyền vẫn thừa nhận. Vậy thì bây giờ dân đi hay nhà máy đi, chứ không thể dung hòa dân và DN cùng ở lại được. Lãnh đạo TP nên chọn một phương án. Càng dùng dằng thì càng đau khổ lẫn nhau. 
Ông HUỲNH VĂN TÂN, 
Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty thép Dana -Ý
Ông Tân đứng dậy nói, những kiến nghị đã gửi đi không biết bao nhiêu lần đến lãnh đạo TP, thậm chí lên Trung ương, nhưng lần này chỉ là sẻ chia thôi, để cho nhẹ lòng! Nói vậy nhưng khi nhắc đến nhà máy thép Dana-Ý, như “đứa con” của mình, giọng ông dần chùng xuống: “Nhà máy sản xuất đã có quy trình xử lý, không có khói, không thải nước ra bên ngoài, thì lấy gì ô nhiễm? 10 năm nay, trung bình một năm vài lần các đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT, Cục cảnh sát môi trường (C49)… đến thực địa nhà máy. Còn DN 3 tháng một lần đo đạc, tất cả các chỉ số môi trường đều nằm trong ngưỡng quy định, không thể nói nhà máy thép ô nhiễm được”. 
Kiểm chứng lời ông Tân, chúng tôi đối chất trực tiếp với người dân. Bà Phạm Thị Mai bày tỏ: “Nguyện vọng của người dân chúng tôi bây giờ là muốn TP phải thực thi văn bản quý 2 tháng 4-2017, tức là chúng tôi chọn phương án di dời các hộ dân, để nhà máy hoạt động cho công nhân tại địa phương có công ăn việc làm”.
Là do muốn di dời nên phản ứng nhà máy, chứ nhà máy đâu có gây ô nhiễm? - tôi đặt ngược câu hỏi với người dân. 
Ông Nguyễn Đức Hùng, một người dân cho rằng: “Khu vực dân xung quanh nhà máy đã ô nhiễm nghiêm trọng về mạch nước ngầm, gỉ sắt, không thể canh tác và sinh hoạt”. Nhưng kết quả quan trắc không khí, kiểm tra nguồn nước… đều nằm trong ngưỡng quy định? - tôi hỏi lại. Khựng lại một lát, ông Hùng ậm ừ: “Thì chờ cơ quan chức năng công bố. Nhưng chúng tôi mong muốn chính quyền di dời dân. Bởi vì dân đã đồng tình với TP chủ trương như vậy, nên mới đồng tình giải tỏa để chúng tôi an cư lạc nghiệp”.
Nước mắt từ hai nhà máy thép ảnh 1 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana – Úc gần 2 năm nay liên tục bị người dân bao vây. 
 DN phân trần, chính quyền khó xử
Thực ra sự việc đến nay đã kéo dài gần 2 năm, nên Giám đốc Huỳnh Văn Tân tha thiết mong muốn TP sớm đưa ra hướng xử lý: “Hoặc là di dời nhà máy, hoặc di dời dân. Bởi nếu không cứ thỉnh thoảng dân lại bao vây, cản trở. DN không xây dựng kế hoạch sản xuất được. Ngân hàng đánh giá không tốt về DN trong việc vay vốn. Thương hiệu DN bị ảnh hưởng tiêu cực. Quy trình vận hành của DN bị phá vỡ. Năm 2017, doanh thu là 2.350 tỷ đồng, năm 2018 liên tục thua lỗ, mã chứng khoán luôn đỏ sàn. Từ tháng 3 đến nay, 2 nhà máy này thiệt hại hơn 100 tỷ đồng nhưng vẫn phải trả lương từ 7-15 triệu đồng cho số lao động nghỉ việc”.
“Kiến nghị TP quan tâm cho di dời nhà máy đến địa phương khác. Tuy nhiên, trước khi đến tỉnh khác, DN đề nghị TP có thông báo là DN không ô nhiễm để các tỉnh khác còn đón DN đến đầu tư. Chúng tôi luôn tuân thủ các quy tắc về bảo vệ môi trường, chỉ số đo đạc đều nằm trong giới hạn cho phép. Các cơ quan chức năng không có bất cứ kết luận nào xác định Dana - Ý gây ô nhiễm môi trường”- ông Tân lại tha thiết.
Theo tìm hiểu, việc di dời 2 nhà máy này cũng không hề dễ dàng, khi mà số lao động đang làm việc tại đây có đến hơn 1.000 công nhân. Điều đó có nghĩa liên quan đến khoảng 2.000 gia đình và 4.000 trẻ em. Nhà máy di dời đi, ngành điện mất 500 tỷ đồng mỗi năm, Đà Nẵng mất nguồn xuất 7 triệu tấn thép… Đó là chưa kể hệ lụy lớn về môi trường đầu tư mà TP Đà Nẵng đang nỗ lực cải thiện.
Chấp nhận giải pháp ra đi, DN cũng hy sinh vì sự phát triển chung của TP và quyền lợi của người dân. “Nếu TP đủ khả năng, đủ điều kiện thì vận động dân thế nào để khỏi bao vây nhà máy. Đến hôm nay, đứng ở đây nói thật là tôi căng thẳng lắm, chỉ cần đứt mạch máu não là nằm xuống thôi. Nửa đêm dân gọi điện thoại quấy rối, không làm được gì hết, nguyên liệu nhập về theo đường biển cũng bị người dân bao vây…”- ông Tân nói như nghẹn.
Từ vùng đất xưa kia là mồ mả, hoang vu, nay là 2 nhà máy công nghiệp xuất hiện. Đời sống người dân được cải thiện, hạ tầng giao thông được đầu tư đã đẩy giá đất lên cao, vậy là “cơn sốt” lấn chiếm ồ ạt xảy ra khiến chính quyền địa phương mất kiểm soát. Từ 37 hộ dân ban đầu, khi TP công bố quy hoạch mở rộng KCN Hòa Khánh trên phần diện tích ấy, đến nay số hộ dân đã tăng lên hơn 400 và 1.200 thửa đất chờ đền bù, giải tỏa. 
“Không bỏ dân, không bỏ lãnh đạo, không bỏ DN, vậy phải tìm tiếng nói chung, hài hòa để DN phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, tạo nguồn thu cho TP. Xin nhường bài toán này lại cho lãnh đạo TP”- ông Tân chốt hạ.
 Năm 2006, Đà Nẵng thống nhất chủ trương di dời các hộ dân cạnh 2 nhà máy thép để tạo khoảng cách phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch khu công nghiệp (KCN) Thanh Vinh. Tuy nhiên, vì các KCN thời điểm này ít nhà đầu tư, nên TP đã điều chỉnh quy hoạch, dừng mở rộng KCN Hòa Khánh và không thực hiện di dời dân. 
Cuối 2016 và đầu năm 2017, các hộ dân phản ứng gay gắt vì bị “treo” quá lâu. Để khắc phục, UBND TP lại ra quyết định di dời nhà dân với nội dung: “Thống nhất chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 2 nhà máy theo phương án đề xuất của Sở TN-MT và Sở Xây dựng”. Tuy nhiên, di dời dân rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn khi hộ dân tăng vọt, chi phí hỗ trợ tái định cư, đền bù giải tỏa không bố trí được. Tiến độ thực hiện gần như dậm chân tại chỗ, người dân lại bức xúc, lại kéo ra bao vây hai nhà máy thép vào ngày 28-2-2018. 
TP Đà Nẵng lại ban hành Công văn 1446/UBND/QLĐ hủy bỏ chủ trương giải tỏa di dời dân, và thay vào đó quyết định ngưng hoạt động 2 nhà máy thép từ ngày 2-3-2018. Hai DN này gửi đơn “kêu cứu”. Ngày 23-3-2018, UBND TP ra Thông báo 30/TB-UBND, cho phép nhà máy hoạt động tạm thời (6 tháng) trong thời gian chờ có quyết định chính thức, để giải quyết công việc tồn đọng và không được mở rộng sản xuất. 
Hết 6 tháng, ngày 26-9-2018, trong khi TP chưa có kết luận chính thức để xử lý sự vụ thì người dân đã kéo đến bao vây, 2 nhà máy lại ngừng sản xuất cho đến nay. Hiên CTCP Dana - Ý tiếp tục gửi đơn cầu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, với lý do “bị ép đến bờ vực phá sản”.

Các tin khác