Phải có tiêu chí du lịch và môi trường

(ĐTTCO)-Với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư những công trình đẳng cấp, quy mô lớn. Tuy nhiên, thực tế không ít “con sếu” đầu đàn đang đứng trước nhiều rủi ro và vấp phải những quan điểm trái chiều về việc phát triển dự án xâm hại đến môi trường. 
Cây cầu vàng Bà Nà đã trở thành biểu tượng của du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Cây cầu vàng Bà Nà đã trở thành biểu tượng của du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Vẫn loay hoay khai thác tiềm năng
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2018, ngành du lịch đã hoàn thành mục tiêu đón 15,5 triệu lượt khách đến, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.
Trong đó, một số địa phương là trung tâm du lịch lớn của cả nước đều có tốc độ tăng trưởng cao. Như TPHCM đón 36,5 triệu lượt khách (7,5 triệu lượt khách quốc tế), Hà Nội đón khoảng 28 triệu lượt khách du lịch (5,5 triệu lượt khách quốc tế), Quảng Ninh đón 12,5 triệu lượt khách (5,3 triệu lượt khách quốc tế), Đà Nẵng đón 7,7 triệu lượt khách du lịch (3 triệu khách quốc tế)...
Năm 2019, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách, gồm 18 triệu khách quốc tế và 85 triệu khách nội địa. Ngành du lịch cũng quyết tâm về đích trước 1 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa.
Trong 9 tháng năm 2019, Việt Nam đã đón 12,78 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,8% so với cùng kỳ và hơn 66 triệu lượt khách nội địa, đóng góp 7,8% cho GDP.
Xếp hạng mới đây của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp thứ 34/140 thế giới, tài nguyên văn hóa đứng thứ 29, đều là những thứ hạng rất cao và cải thiện nhiều bậc so với những năm trước.
Tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp đã xây dựng được những khách sạn, resort đẳng cấp, doanh nghiệp lữ hành điều hành tour đều lớn mạnh tầm cỡ thế giới, doanh nghiệp điều hành khách sạn, resort làm rất tốt. Nhìn chung, ở mọi phân khúc trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp trong nước đều làm chủ được. 
Với tiềm năng rất lớn về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, không có lý gì du lịch không trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thế nhưng, điều đáng buồn là so với Thái Lan, du lịch Việt Nam đến nay vẫn chỉ bằng một nửa về cả du lịch quốc tế lẫn nội địa. Vì sao lại có thực trạng này.
Nhận định về vấn đề này, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bày tỏ quan ngại trước việc ngành du lịch đang chạy đua thành tích khi lượng khách năm sau luôn tăng so với năm trước.
Thế nhưng, đầu tư cho du lịch phải xứng tầm, khác biệt, đặc sắc, đẳng cấp, không thể vì muốn ăn nhanh, muốn tăng lượng khách, muốn có thành tích… để thu hút khách đến ồ ạt. “Tài nguyên du lịch của Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc… cần được đầu tư xứng tầm. Làm sao để khách đến lưu trú nhiều ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn” - ông Thiên nhấn mạnh. 
Đánh đổi bao nhiêu là hợp lý?
 Nhà nước cần sớm ban hành những bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững, chỉ tiêu để áp vào từng dự án du lịch xem có phù hợp. Từ đó ủng hộ hay không, còn nếu tranh luận sẽ vô chừng và không rõ ràng. Bởi liên quan đến phát triển bền vững, cái gì đụng đến văn hóa, tài nguyên cần hết sức rõ ràng, càng minh bạch càng tốt.
TS. Lương Hoài Nam,
thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia
Hiện nay, một số doanh nghiệp địa ốc lớn như Vingroup, Sungroup, FLC, Tuần Châu… xác định phát triển BĐS du lịch là một trong những phân khúc chủ đạo. Việc xây dựng các cở sở lưu trú, khu du lịch của các doanh nghiệp này không những góp phần tăng lượng du khách đến tham quan, nghỉ ngơi và mua sắm, còn làm đổi đời cả một vùng đất như Sầm Sơn, Quy Nhơn, Phú Quốc, Hạ Long…
Đơn cử, tại Đà Nẵng, loạt dự án phát triển du lịch Bà Nà của các tập đoàn lớn như Sungroup đã giúp nơi đây trở thành điểm du lịch được khách trong nước và quốc tế ưa thích. 
Tuy nhiên, một số dự án du lịch lớn ở Tam Đảo, Tam Chúc, Bà Nà hay Sơn Trà… đã không tránh khỏi dư luận do xâm hại môi trường. Mặc dù những sản phẩm du lịch này làm thay đổi bộ mặt địa phương, được thế giới vinh danh nhưng đang vấp phải sự chỉ trích về môi trường, gây hoang mang, chia rẽ trong dư luận, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cũng lúng túng. Chính điều này đẩy nhà đầu tư vào rủi ro. 
Trao đổi với ĐTTC, TS. Thiên cho rằng: “Để phát triển một ngành hay lĩnh vực gì cũng phải chấp nhận sự đánh đổi, phải được đặt trên bàn cân lợi ích. Đánh đổi bao nhiêu là hợp lý cần được xác định, ưu tiên trong lợi ích tổng thể, dài hạn và cần luật, cần tiêu chuẩn. Nếu không định hình, không có hành lang pháp lý không doanh nghiệp và chính quyền nào dám làm”. 
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có những nghiên cứu về lượng giá môi trường, về rừng và tài nguyên... Chẳng hạn, một doanh nghiệp muốn đầu tư vào khu rừng, chặt cây làm resort, quy đổi số lượng cây đó là bao nhiêu, doanh nghiệp phải trồng bù đắp lại. Bên cạnh đó, việc phát triển phải chấp nhận đánh đổi nhưng đánh đổi này dựa trên các căn cứ, luận chứng khoa học rõ ràng.
Nhìn ra các nước trong khu vực, mỗi năm Singapore thu hút khoảng 19 triệu khách quốc tế, gần gấp đôi Việt Nam. Nước này dự tính đến năm 2030 sẽ tăng thêm 100km² dành cho du lịch bằng cách dời non, lấp biển.
Trong khi đó, Việt Nam sở hữu bờ biển dài hơn 3.000km và hàng trăm hòn đảo rất thích hợp cho việc phát triển kinh tế từ du lịch. Vì vậy, đối với các dự án phát triển du lịch đòi hỏi cơ quan quản lý phải đánh giá dự án có phù hợp hay không, có ủng hộ và triển khai được hay không.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần minh bạch các dự án du lịch tác động đến thiên nhiên, tài nguyên, văn hóa để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và phản biện, tạo sự đồng thuận, giảm sự xung đột. 

Các tin khác