Phát triển kinh tế dựa vào cảng biển

(ĐTTCO) - CTCP Cơ khí ô tô Trường Hải (Thaco) vừa khởi công dự án mở rộng và đầu tư xây dựng bến cảng 50.000 tấn tại Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), qua đó mở ra nhiều cơ hội trong việc thúc đẩy mạnh mẽ  năng lực vận chuyển hàng hóa tại các bến cảng không chỉ của Quảng Nam, mà cả khu vực miền Trung.

Cảng loại 1
Theo thiết kế, bến cảng Chu Lai có chiều dài 790m, tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sẽ triển khai xây dựng và mở rộng 335m về phía hạ lưu với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng, nhằm đón nhận tàu có trọng tải lớn lên đến 50.000 tấn.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ khí ô tô Trường Hải, cho biết cảng Chu Lai sau khi mở rộng sẽ trở thành cảng loại 1 và là trung tâm dịch vụ logistics tập trung của KKTM Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và cả miền Trung. Qua đó, giúp khai thác hàng xuất khẩu, tạo nguồn hàng đối lưu cho các tuyến hàng hải quốc tế, giảm giá thành vận chuyển, góp phần thu hút đầu tư vào KKTM Chu Lai trong thời gian tới.
 Thời gian tới, những chuyến tàu chở theo linh kiện, thiết bị phục vụ kinh doanh ô tô của Thaco xuất phát từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đến Chu Lai sẽ đầy hàng hóa đối lưu trong chuyến về. Nông sản, trái cây tươi hay các sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn của nước nhập khẩu từ khu công nghiệp nông - lâm nghiệp hay các vùng nguyên liệu của Hoàng Anh Gia Lai sẽ giải bài toán hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu về lâu dài.
Thủ tướng  NGUYỄN XUÂN PHÚC
Cùng với việc Thaco phát triển kinh doanh dịch vụ logistics trên toàn chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh nông - lâm nghiệp sẽ giúp việc vận chuyển trái cây và nông sản chuyên dụng từ Lào, Campuchia và Tây nguyên về cảng Chu Lai thuận lợi.
“Việc triển khai lập quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Chu Lai thành cảng loại 1 đón các tàu quốc tế trọng tải lớn và chuẩn bị đầu tư nạo vét luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn cập cảng; điều chỉnh quy hoạch và xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư lớn vào đầu tư sân bay Chu Lai thành sân bay trung chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế và phát triển đô thị hàng không… sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Thaco tiếp tục nâng cao năng lực chuỗi dịch vụ logistics, giảm giá thành, đẩy mạnh logistics nông nghiệp phục vụ vận chuyển và xuất khẩu nông sản.
Đặc biệt, dự án sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương, giúp đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, có trình độ kỹ thuật và kỷ luật cao” - ông Trần Bá Dương chia sẻ.
Thực tế, trong tình hình kinh tế phát triển hiện nay, việc đầu tư, nâng cấp các cảng biển được nhiều địa phương chú trọng. Mới đây Chính phủ đã đồng ý giao UBND TP Đà Nẵng đảm nhận toàn bộ việc đầu tư, xây dựng bến cảng Liên Chiểu (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), quy mô 220ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng. Theo đó, dự án được chia thành 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn khởi động năm 2022 nhằm xây dựng khu bến cảng đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT (trọng lượng an toàn), tàu container có sức chở 6.000-8.000teus (đơn vị đo hàng hóa của container), năng lực thông qua cảng năm 2022 khoảng 17 triệu tấn/năm (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn đầu tư của Nhà nước dự kiến 3.426 tỷ đồng, phần vốn đầu tư của tư nhân 3.951 tỷ đồng.
Phát triển kinh tế dựa vào cảng biển ảnh 1 Dự án mở rộng và đầu tư xây dựng bến cảng 50.000 tấn tại cảng Chu Lai. Ảnh: NG.PHÚC  
Thúc đẩy kinh tế phát triển
Quảng Nam và Đà Nẵng sở hữu khoảng 155km bờ biển (Quảng Nam 125km) với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, nhất là các cảng nước sâu. Ngoài cảng Kỳ Hà (Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) còn có cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) - cảng tổng hợp phục vụ TP Đà Nẵng, Bắc Tây nguyên và hàng hóa quá cảnh của Thái Lan, Lào...
Với thiết kế hiện tại, cảng Tiên Sa có thể tiếp nhận tàu 30.000-50.000 tấn, tàu container chở đến 4.000teus và tàu hành khách tổng dung tích 100.000 GT. Tuy nhiên, hiện cảng Tiên Sa chỉ đạt công suất khai thác khoảng 6 triệu tấn/năm do chịu áp lực lớn về kết nối giao thông. Do đó, phát triển các cảng nước sâu trong vùng nhằm giảm tải và đáp ứng nhu cầu vận chuyện hàng hóa là rất cần thiết.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công các dự án tại KKTM Chu Lai ngày 24-3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc phát triển dịch vụ logistics và vận tải quốc tế, nhất là đầu tư bến cảng Chu Lai đón tàu 50.000 tấn của Thaco sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, nhất là xuất khẩu nông sản, trái cây trong vùng khi dự án phát triển nông - lâm nghiệp của Thaco được triển khai.
Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, mở rộng nâng cấp các cảng biển đã được tỉnh Quảng Nam quan tâm từ vài năm trước. Trong đó, việc nâng cấp mở rộng các bến cảng Kỳ Hà và Chu Lai (kể cả sân bay Chu Lai) sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho kinh tế của tỉnh Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung phát triển.
Đặc biệt, khi dự án khai thác mỏ dầu khí Cá voi xanh của Exxon Mobil đưa vào hoạt động sẽ mở ra cho Quảng Nam nhiều cơ hội lớn để phát triển các hoạt động logistics.
“Trong quy hoạch đến năm 2020 định hướng 2030, cảng Kỳ Hà là cảng tổng hợp địa phương loại 2, có 2 khu bến Kỳ Hà và Chu Lai. Dự kiến lượng hàng hóa thông qua cảng vào năm 2020 khoảng 5-5,8 triệu tấn/năm; năm 2030 là 11,7-12,7 triệu tấn/năm. Ngoài 2 khu bến Kỳ Hà và Chu Lai, khu vực vịnh An Hòa (huyện Núi Thành) hiện cũng hội đủ các điều kiện để phát triển thêm một số khu bến khác, không chỉ phục vụ vận chuyển hàng hóa, còn đưa đón các đoàn tàu khách quốc tế tham quan các địa điểm du lịch như Hội An, Cù Lao Chàm, Lý Sơn… Đồng thời, giúp kết nối với tỉnh Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng, góp phần gia tăng lượng hàng hóa qua cảng đạt trên 50 triệu tấn/năm giai đoạn đến năm 2030” - ông Thanh phân tích.

Các tin khác