Quan ngại nguy cơ doanh nghiệp giải thể số lượng lớn

(ĐTTCO)-Trong số các doanh nghiệp giải thể, có 9,2 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng và 168 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng.
Sản xuất tại Công ty TNHH Green Energy Technology Việt Nam, trong khu công nghiệp VSip, Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Sản xuất tại Công ty TNHH Green Energy Technology Việt Nam, trong khu công nghiệp VSip, Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Trước những mối lo do dịch COVID-19 gây ra, nền kinh tế trong nước và trên toàn cầu vẫn đang phải đối diện với những hậu quả và thiệt hại to lớn do tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả những “ông lớn” trên thị trường cũng đang bị “ngấm đòn” do tác động của COVID-19.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, có tới 60% doanh nghiệp cho biết doanh thu trong nửa đầu năm 2020 đã giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong số đó, gần 15% doanh nghiệp có doanh thu bị sụt giảm mạnh.

Song song đó, có 54% doanh nghiệp cho biết lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, có 31% doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh về lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nghiêm trọng.

Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố số liệu, 8 tháng năm 2020. Theo đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2019; có 24,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong số các doanh nghiệp giải thể, có 9,2 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng và 168 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy với gần 3,8 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.175 doanh nghiệp; xây dựng có 897 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 620 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 589 doanh nghiệp…

Nhận thức rõ được những khó khăn từ tác động của đại dịch cũng như sự bất ổn tình hình kinh tế-chính trị thế giới, Một số doanh nghiệp đã tiến hành điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 để phù hợp và sát với thực tế hơn.

Cụ thể, có 77,1% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết đã hoàn thành trên 50% kế hoạch doanh thu năm 2020; trong đó, 36,1% doanh nghiệp đã hoàn thành trên 80% kế hoạch cả năm.

Về mức độ hoàn thành lợi nhuận năm 2020, có 68,9% doanh nghiệp cho biết đã hoàn thành trên 50% kế hoạch, 31,1% trong số đó đã hoàn thành trên 80% kế hoạch của cả năm 2020. Tuy nhiên, đó chưa phải là những vùng sáng chủ đạo trên bức tranh tổng thể của nền kinh tế quốc gia.

Là một trong những hiệp hội có nhiều doanh nghiệp đăng ký giải thể, ngừng hoạt động, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) cho hay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ôtô và bến xe đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Vận tải hành khách, hàng hóa giảm đến 90%, số còn lại hoạt động không hiệu quả, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Ở thời điểm đỉnh dịch, các doanh nghiệp vận tải gần như phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng và không có doanh thu. Nhưng để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp vẫn duy trì việc trả tiền lương, lại cộng thêm các chi phí khác cho việc phòng chống dịch, dẫn tới việc cạn kiệt các nguồn lực. Doanh nghiệp khó trụ nổi buộc phải tính chuyện giải thể là lẽ đương nhiên.

Ông Quyền cũng phản ánh một thực tế, mặc dù một số doanh nghiệp đã tiếp cận được các chính sách trợ giúp của Chính phủ, các địa phương như hỗ trợ lãi vay ngân hàng, giãn nợ, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc cho bổ sung vốn lưu động với lãi suất thấp để khôi phục sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên không quyết định được việc doanh nghiệp có thể duy trì và ổn định lâu dài được hay không. Đó là điều thực sự quan ngại. 

Ở góc độ nghiên cứu, Tiến sỹ Tạ Quang Bình, Trường Đại học Thương mại cho hay, cũng như nhiều nước trên thế giới, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động.

Có thể vì thực lực yếu kém của doanh nghiệp hoặc cũng có thể tác động của các điều kiện khách quan như thiên tai, địch họa...; thậm chí là do độ vênh giữa thực tiễn của doanh nghiệp với các chính sách kinh tế hiện hành.

Trước thực trạng ấy, theo Tiến sỹ Tạ Quang Bình, cần có những giải pháp khắc phục triệt để thay vì việc dàn trải nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ, "cứu" doanh nghiệp mà biết chắc rằng việc hỗ trợ đó sẽ khó đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Bởi lẽ, việc tiếp tục cứu trợ các doanh nghiệp "ngoắc ngoải" có thể một mặt sẽ giúp kiềm chế tỷ lệ gia tăng của thất nghiệp, tuy nhiên, chi phí và những tác động xấu cho việc duy trì các doanh nghiệp còn rất ít khả năng "tồn tại" sẽ đem lại những hậu quả xấu hơn cho nền kinh tế.

Bình luận về giải pháp trước nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động như hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Cụ thể như hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh thông qua giảm giá điện; Hỗ trợ tín dụng và điều hành tỷ giá thông qua việc ban hành các quy định mới về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.…

Tuy nhiên, các giải pháp hỗ trợ trên dù rất phù hợp với kỳ vọng chung nhưng vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế và bất cập nên việc triển khai, giải ngân các gói cứu trợ rất chậm chạp và chưa thu lại hiệu quả.

Một khảo sát mới đây của Vietnam Report về những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, hiện có tới gần 70% doanh nghiệp đang rất quan tâm và đề xuất Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan xem xét việc gia hạn nộp thuế, hơn 56% doanh nghiệp đề xuất tăng thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đồng thời, mở rộng phạm vi nhóm ngành và đối tượng được hưởng ưu đãi; 55% doanh nghiệp yêu cầu triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả các gói hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn đưa ra các đề xuất hỗ trợ giảm lãi vay ngắn hạn và đầu tư trung hạn, sửa đổi và nới lỏng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội; cũng như giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp.

Biết rằng, đáp ứng mong muốn của số đông doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế là rất khó khăn.

Tuy nhiên, với những nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng hành của Chính phủ cùng các cấp ngành, rất nhiều doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào cơ hội tăng trưởng trở lại của nền kinh tế, không chỉ trong năm nay mà nhất là năm 2021.

Các tin khác