Rà soát gỡ bỏ những chính sách gây khó khăn cho doanh nghiệp trong mùa dịch

(ĐTTCO)-Các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Chính phủ xem xét những chính sách gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp về dòng tiền chi ra trong bối cảnh dịch bệnh.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology, Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology, Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, làm rõ tính cấp thiết, tính cần thiết của việc áp dụng các quy định đang gây áp lực về chi phí cho doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang hết sức khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Kiến nghị trên vừa được Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân Trương Gia Bình đưa ra tại báo cáo số: 22/Ban IV gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong đó tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội trong hai tháng 4-5/2021.

Tránh đẩy doanh nghiệp vào tình trạng kiệt quệ, đổ vỡ hàng loạt

Báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đồng loạt thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong thời gian gần đây.

Đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam như Nghị định 52/2021/NĐ-CP về tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021, các chỉ đạo liên quan tới ưu tiên một phần vaccine để tiêm cho 300.000 người lao động trong các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh và định hướng để doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng Chính phủ trong việc đàm phán, tìm nguồn vaccine...

Mới đây, Ban IV có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cơ chế đẩy mạnh quá trình tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp, trong đó có việc cho phép doanh nghiệp được tham gia tổ chức tiêm phòng COVID-19 cho nhân viên theo đúng hướng dẫn và các yêu cầu an toàn của Bộ Y tế, đồng thời cho phép doanh nghiệp, tổ chức tư nhân được chủ động đàm phán mua vaccine với các đơn vị cung ứng trên toàn cầu, căn cứ trên danh mục vaccine Bộ Y tế chấp nhận.

Ngày 31/5, Bộ Y tế đã có văn bản số: 4433 /BYT-QLD nêu rõ, để tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cho nhu cầu cấp bách, Bộ sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng COVID-19 với các vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt.

Với các vaccine đã được các quốc gia khác phê duyệt nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp thì Bộ Y tế sẽ xem xét, phê duyệt trong thời gian 10 ngày làm việc khi nhận được đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Đối với các địa phương, đơn vị có khả năng nhập khẩu, tiếp cận nguồn cung vaccine phòng COVID-19 nêu trên, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cấp phép nhập khẩu, kiểm định và chỉ đạo tổ chức công tác tiêm chủng đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả.

Theo ông Trương Gia Bình, những quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin và có động lực mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục thiệt hại, vực dậy sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.”

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những chính sách gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp về dòng tiền chi ra trong bối cảnh dịch như: việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (dự kiến áp dụng từ ngày 1/7/2021), hay yêu cầu triển khai lắp đặt đồng loạt camera trên các xe ôtô kinh doanh vận tải trước thời hạn ngày 1/7/2021 của Bộ Giao thông Vận tải, đi kèm với đó, doanh nghiệp sẽ cần đầu tư hệ thống công nghệ thông tin (hệ thống SAN, đường truyền, máy chủ,...) để tổng hợp và truyền tải dữ liệu từ các camera cho cơ quan quản lý...

“Những vấn đề này doanh nghiệp đã kiến nghị từ nhiều tháng nay, Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang đã kiến nghị đến lần thứ 7 (trước đó Hiệp hội đã 6 lần gửi kiến nghị riêng lẻ hoặc tổng hợp trong kiến nghị chung của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - VATA về thời hạn triển khai lắp đặt camera trên các xe ôtô kinh doanh vận tải, tuy nhiên, hoặc cơ quan quản lý nhà nước liên quan không phản hồi chỉ đạo từ Chính phủ, hoặc tiếp tục đưa ra yêu cầu áp dụng quy định,” Trưởng ban IV cho biết.

Chính vì vậy, các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan một lần nữa rà soát, làm rõ tính cấp thiết, tính cần thiết của việc áp dụng các quy định nói trên tại thời điểm này so với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh dịch để ra quyết định cho thấu đáo, tránh đẩy doanh nghiệp vào tình trạng kiệt quệ, đổ vỡ hàng loạt.

Đồng thời, các hiệp hội doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm hoặc tối ưu được dòng tiền chi ra để vượt qua khó khăn.

Đơn giản hóa tối đa quy trình hành chính

Liên quan đến đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam, báo cáo của Ban IV cho thấy, rất nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp logistics và vận tải hiện đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch khiến chuỗi cung ứng hàng hóa và liên kết sản xuất trong nước bị gián đoạn.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu còn gặp một khó khăn rất lớn là tình trạng thiếu vỏ container và tàu biển vẫn diễn ra nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch trên phạm vi toàn cầu, dẫn tới giá thành chi trả tăng rất cao mà chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để cải thiện.

Từ những khó khăn trên, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đơn giản hóa tối đa quy trình hành chính hiện tại, hoặc xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên (như trường hợp vừa áp dụng với việc xuất khẩu vải thiều) để hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu thời gian, chi phí ở các khâu thực hiện trong nước; qua đó, đẩy nhanh quy trình, thủ tục nhập về các mặt hàng thiết yếu hay việc xuất các sản phẩm nông sản, xuất các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ đạo.

Các tin khác