Rộng đường xuất khẩu trái cây tươi

(ĐTTCO) - Khi nhiều ngành hàng xuất khẩu vẫn gặp khó vì dịch Covid-19, Công ty Vina T&T lại tất bật với khá nhiều đơn hàng, thậm chí sản phẩm dừa tươi không đủ để xuất khẩu. Để hiểu hơn về việc xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường khó tính, ĐTTC đã trao đổi với ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG (ảnh), Tổng giám đốc Vina T&T, người được mệnh danh “ông vua xuất khẩu trái cây tươi qua Mỹ”. 

PHÓNG VIÊN: - Thời điểm dịch bùng phát mạnh, Vina T&T đã bị ảnh hưởng như thế nào, việc phục hồi sau đó ra sao, thưa ông? 
Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG: - Từ cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 4, khi dịch bùng phát mạnh ở Mỹ, châu Âu và Việt Nam thực hiện việc giãn cách xã hội, Vina T&T đã phải dừng xuất khẩu 3 tuần liên tiếp. Sau đó, thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, người tiêu dùng thay vì chỉ mua thực phẩm khô để dự trữ đã chuyển qua mua thực phẩm tươi sống và trái cây tươi được lựa chọn nhiều. Đó cũng là lý do chúng tôi hồi phục khá nhanh và là một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu trái cây tươi trở lại thị trường Mỹ. Vina T&T cũng là một trong những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vải đầu tiên sang Mỹ và Australia. 
Có được sự hồi phục nhanh như vậy là nhờ chúng tôi có nền tảng công nghệ bảo quản để có thể đưa trái cây đi bằng đường biển. Hiện nay với công nghệ của Vina T&T, trái vải có thể bảo quản được 50 ngày, nhãn 50 ngày, thanh long 40 ngày, dừa 70 ngày và sầu riêng cấp đông có thể kéo dài cả năm. Tính đến nay cả 4 nhà máy của chúng tôi đều hoạt động hết công suất, riêng trái dừa vì Thái Lan đang mất mùa nên cơ hội cho Vina T&T càng lớn hơn. Bằng uy tín và những kết quả có được trong công nghệ bảo quản, chúng tôi không những nhanh chóng hồi phục, còn có thêm nhiều khách hàng mới ở thị trường Mỹ. 
Rộng đường xuất khẩu trái cây tươi ảnh 1
- Mỹ là thị trường lớn nhưng quy định rất khắt khe, cạnh tranh với các đối thủ cùng xuất khẩu vào thị trường này như Thái Lan không đơn giản, thưa ông? 
- Thị trường Mỹ có những quy định khắt khe nhưng nếu nắm bắt được không khó để đưa hàng vào thị trường lớn này. Thí dụ, trái sầu riêng nếu xuất tươi chắc chắn không vào được nhưng cấp đông họ lại chấp nhận. Mỹ cũng quy định rất chặt chẽ về dư lượng thuốc trừ sâu, các tác nhân gây bệnh trên trái cây tươi… nhưng nếu DN làm tốt thông quan rất nhanh. Ngoài ra, khi đưa hàng vào Mỹ nên có nhiều thương hiệu và chia nhỏ thành nhiều công ty để giảm rủi ro. Vina T&T hiện nay có 7 công ty con và khá nhiều thương hiệu khi xuất hàng. Chúng tôi mong có nhiều DN Việt Nam cùng đồng hành vào thị trường Mỹ, vì thị trường này rất rộng lớn, 1 hay vài DN không thể chiếm lĩnh thị trường. 
Về chuyện cạnh tranh với trái cây Thái Lan đúng là không đơn giản. Bởi nông sản Thái Lan đi trước Việt Nam rất lâu (có thể lên tới 50 năm) vì Chính phủ Thái Lan hỗ trợ rất mạnh cho nông nghiệp. Thí dụ, trong lĩnh vực nghiên cứu giống những loại trái cây ngon phần nhiều là giống Thái. Chính phủ Thái Lan cũng hỗ trợ cho DN xuất khẩu rất tốt. Đơn cử, công nghệ bảo quản (yếu tố then chốt trong xuất khẩu trái cây tươi) trong khi DN Việt Nam phải tự mày mò tìm tòi, đầu tư và phải trả giá không ít trước khi thành công, DN Thái lại được hỗ trợ tối đa. 
Ngoài ra, việc Thái Lan sở hữu sân bay lớn với sự có mặt của nhiều hãng hàng không, cũng giúp giảm giá vận chuyển trái cây tươi bằng đường hàng không. Trong khi Việt Nam hiện chỉ có 4 hãng hàng không chấp nhận chuyển hàng đi Mỹ, nên giá nào DN cũng phải chấp nhận. Giá vận chuyển cao khiến giá bán tại Mỹ không thể thấp, đã làm giảm sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam vận chuyển bằng đường hàng không. 
- Ngoài thị trường chính là Mỹ, Vina T&T còn xuất hàng sang EU, Canada, Australia… Với EVFTA, Vina T&T có kỳ vọng đẩy mạnh hơn sang thị trường EU, thưa ông?
- Lâu nay EU vẫn chiếm khoảng 10% tổng thị phần xuất khẩu của Vina T&T. Chúng tôi dự kiến sau khi EVFTA có hiệu lực sẽ đẩy mạnh xuất hàng sang thị trường này, mức tăng khoảng 3, 4 lần so với trước do EU chấp nhận tất cả mặt hàng đạt yêu cầu, không cần đàm phán như một số thị trường khác. Cũng cần nói thêm việc giảm thuế của hiệp định không phải là yếu tố quan trọng nhất, vì lâu nay thuế các mặt hàng nông sản vào EU không cao. Giá trị cốt lõi là làm sao vượt qua được hàng rào kỹ thuật. EU đòi hỏi nhiều chứng nhận như Gloabal GAP, chứng nhận môi trường, xã hội… 
Để đạt những chứng nhận này chi phí bỏ ra không nhỏ và DN phải đủ năng lực. Đó là lý do khi EVFTA có hiệu lực không phải là đòn bẩy để hàng hóa vào thị trường này ồ ạt, nhưng sẽ là bước đệm quan trọng cho các mặt hàng nông sản Việt Nam từng bước hoàn thiện. Chỉ tính riêng chứng nhận Global GAP làm hàng năm cho các mặt hàng trái cây của Vina T&T mỗi vùng trồng, mỗi loại trái cây khoảng 200 triệu đồng/năm. Vì thế, hiện nay ngoài vùng trồng của mình, Vina T&T còn liên kết với nhiều vùng trồng của nông dân trên khắp cả nước. 
- Việc liên kết với nông dân có thể nói là mắt xích quan trọng trong thành công của xuất khẩu nông sản. Ông có bí quyết nào để liên kết này được bền vững? 
- Chỉ có uy tín mới giúp liên kết được bền vững, người nông dân uy tín và DN cũng phải uy tín. Từ năm 2015 đến nay, sản lượng xuất khẩu của chúng tôi ngày một tăng mạnh nhờ vào liên kết bền vững với bà con nông dân. Qua những đợt trái cây mất giá vào cuối năm 2019 hay dịch đầu năm 2020, uy tín của Vina T&T ngày càng được khẳng định trong mắt bà con, khi chúng tôi vẫn thu mua trái cây với giá đã cam kết ban đầu. 
Tất nhiên giai đoạn đầu khi làm việc với bà con ở nhiều địa phương, chúng tôi cũng thu được nhiều bài học. Cụ thể, khi đến làm việc với các HTX nếu không nhận được sự đồng thuận của 100% hội viên không thể làm việc. Nhưng để đạt mức đồng thuận này rất khó, vì trong HTX cũng có thương lái, những người bán phân bón - những người không muốn hợp tác với DN. Sau này chúng tôi chọn những hộ uy tín, hướng dẫn kỹ thuật, đưa phân bón của mình xuống… khi họ làm có hiệu quả, những hộ khác sẽ tự động đi theo. 
- Được biết ông quyết định mở chuỗi ở thị trường nội địa? 
- Khi xuất khẩu đã ổn định tôi đã nghĩ về việc mở chuỗi cửa hàng trái cây ở thị trường nội địa. Tôi muốn chứng minh cho người tiêu dùng rằng trái cây Việt Nam ngon, sạch, đẹp và được trưng bày trong những cửa hàng tươm tất. Hiện vào nhiều siêu thị dễ thấy trái cây ngoại được trưng bày đẹp mắt, trong khi trái cây nội địa lại khuất tầm, thiếu sự chăm sóc của nhân viên. Cuối tháng 12 năm ngoái chúng tôi chính thức ra mắt cửa hàng Fruit T&T đầu tiên ở quận 1, TPHCM. Thời gian tới sẽ mở thêm 1 cửa hàng ở quận 3.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác