Siêu dự án điện chậm tiến độ

(ĐTTCO) - Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện 5 siêu dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 (Hậu Giang), Long Phú 1 (Sóc Trăng), Duyên Hải 3 mở rộng (Trà Vinh), Vĩnh Tân 4 mở rộng, Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận), cho thấy tình trạng các dự án nguồn điện này chậm tiến độ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cấp điện cho khu vực miền Nam trong giai đoạn 2019-2020.
Ảnh hưởng cấp điện khu vực miền Nam
Đây là 5 siêu dự án đầu tư phát triển nguồn cung điện, trong đó nhiệt điện Sông Hậu 1, vốn đầu tư 2 tỷ USD (1.200MW), Long Phú 1 vốn đầu tư 29.580,9 tỷ đồng (1.200MW), Vĩnh Tân 1 vốn đầu tư 1,75 tỷ USD (1.240MW), Duyên Hải 3 mở rộng vốn đầu tư 1,08 tỷ USD (660MW), Vĩnh Tân 4 mở rộng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD (600 MW). Bộ Công Thương đánh giá, trong số 5 dự án điện này, dự án Vĩnh Tân 1 đầu tư theo hình thức BOT có thể hoàn thành đóng điện trước 5-6 tháng, dự án Vĩnh Tân 4 mở rộng có thể bảo đảm tiến độ.
3 dự án còn lại đều rơi vào tình trạng chậm tiến độ nghiêm trọng, trong đó dự án Duyên Hải 3 mở rộng chậm tiến độ từ 6-12 tháng, dự án Sông Hậu 1 chậm tiến độ khoảng 22-24 tháng, dự án Long Phú 1 chậm tiến độ trên 16 tháng và có nguy cơ chậm tiến độ đến 36 tháng do ảnh hưởng cấm vận của Hoa Kỳ đối với tổng thầu PM (Nga).
Nguyên nhân của tình trạng chậm tiến độ dự án nhiệt điện Vĩnh Tân1, Vĩnh Tân 4 mở rộng thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân được xác định do việc thực hiện phương án điều chỉnh phương án nạo vét khu vực lấn biển của cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Việc điều chỉnh này phát sinh tăng chi phí tiếp nhận chất nạo vét, chi phí lựa chọn nhà thầu nạo vét, thay đổi biện pháp thi công.
Căn cứ vào hợp đồng BOT đã ký kết, Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 kiến nghị Bộ Công Thương tính chi phí này vào chi phí san mặt bằng Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Vì hiện chi phí này đang thừa 20 triệu USD. Hơn nữa, đối với dự án truyền tải 500KV đấu nối phục vụ giải phóng công suất phát điện của cụm Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, đến nay việc giải phóng mặt bằng móng cột, hành lang tuyến đường dây 500KV Vĩnh Tân - Rẽ Sông Mây - Tân Uyên tại khu vực các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương bị kéo dài, có nhiều vướng mắc, có nguy cơ không bảo đảm tiến độ truyền tải đồng bộ với tiến độ phát điện Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Siêu dự án điện chậm tiến độ ảnh 1 Ảnh: Long Thanh 
Đối với dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - chủ đầu tư, theo quy định của hợp đồng EPC, đơn giá cho phần xây dựng, lắp đặt và gia công chế tạo trong nước được điều chỉnh. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước về phương thức điều chỉnh giá, nên ban quản lý dự án và Tổng thầu Lilama, tư vấn thẩm tra mất nhiều thời gian trao đổi, thống nhất trong thực tế triển khai.
Mặt khác, hạng mục sân phân phối 500KV, theo hợp đồng EPC đã ký với nhà thầu Vinaincon từ tháng 5-2017, tiến độ thực hiện hợp đồng 602 ngày, dự kiến hoàn thành vào tháng 1-2019, nhưng đến nay vẫn trong giai đoạn thẩm định thiết kế kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ chậm hơn.

Sớm tháo gỡ vướng mắc
Riêng dự án nhiệt điện Long Phú 1, dự án được phê duyệt đầu tư từ năm 2010 đến nay không còn phù hợp với tình hình thực tế của dự án, nhiều hạng mục công việc trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt còn thiếu, định mức đơn giá chưa có. Hiện ban quản lý dự án và các đơn vị tư vấn đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tổng mức đầu tư điều chỉnh theo quy định để trình Bộ Công Thương xem xét chấp thuận.
Một khó khăn khác ảnh hưởng đến tiến độ dự án nhiệt điện Long Phú 1 là tổng thầu PM-PTSC (Nga) đang bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa vào danh sách các công ty bị cấm vận. Lệnh cấm vận đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổng thầu PM-PTSC thực hiện hợp đồng EPC.
Cụ thể, các nhà thầu phụ Hoa Kỳ tham gia dự án bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh cấm vận, đã đơn phương thông báo dừng thực hiện hợp đồng. Trong đó có nhà thầu phụ General Electric cung cấp tua bin hơi và máy phát điện, hạng mục thiết bị quan trọng của nhà máy Vĩnh Tân 1, đã thông báo đơn phương dừng hợp đồng. Các nhà thầu phụ còn lại tham gia dự án cũng bị ảnh hưởng do không thể giao dịch bằng đồng USD, nhiều ngân hàng quốc tế từ chối giao dịch thanh toán với PM-PTSC.
Theo báo cáo của liên danh nhà thầu PM-PTSC lệnh cấm vận của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả công việc thiết kế, mua sắm, chế tạo và thi công dự án nhiệt điện Long Phú 1, sẽ tiếp tục gây chậm trễ dự án.
Đồng thời lệnh cấm vận cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh thực hiện hợp đồng do Ngân hàng UniCredit phát hành. Bảo lãnh hợp đồng dù còn hiệu lực đến 11-4-2019, nhưng bảo lãnh tạm ứng đã hết hạn ngày 13-5-2018, với giá trị tạm ứng còn lại khoảng 107 triệu USD/139 triệu USD.
Khó khăn tài chính dự án càng tăng lên khi ngân hàng HSBC và một số ngân hàng quốc tế khác thông báo không thể tiếp tục tài trợ vốn cho dự án theo kết quả đàm phán với PVN khoảng 780 triệu USD. Đến nay, dự án Long Phú 1 chỉ thu xếp được khoảng 220 triệu USD từ ngân hàng VEB (Nga), và phía ngân hàng IBB chỉ xem xét thu xếp khoảng 100 triệu USD cho dự án.

Các tin khác