Sớm bỏ chiếc “phao” bảo hộ cho đường

(ĐTTCO) - Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện tồn kho tại các nhà máy đường 674.487 tấn, tại các công ty thương mại 43.032 tấn. 
Tổng cộng ngành đường đang tồn kho 717.000 tấn - mức tồn kho cao nhất của ngành mía đường. Nguyên nhân chính do đường lậu với giá rẻ tràn vào qua nhiều cửa khẩu biên giới phía Tây và Tây Nam. Nhưng cho đến nay nhiều đơn vị kinh doanh cho biết còn do các công ty chưa chịu giảm giá để bán.
Đường nhập ồ ạt vì giá rẻ

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho biết năm nào cũng có đường tồn kho, nhưng lượng tồn kho năm nay quá cao và có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết nên hầu hết nhà máy đường năm nay vào vụ muộn so với các năm trước 15 ngày đến 1 tháng. Thậm chí, có những nhà máy ở Tây nguyên, ĐBSCL vào vụ nhưng không chạy liên tục, phải nghỉ giữa chừng nên lượng đường sản xuất ra dồn nhiều ở giai đoạn cuối.
 Theo lộ trình Việt Nam cam kết, đến năm 2018 tháo dỡ toàn bộ bảo hộ đường, nhưng bỏ càng sớm càng tốt cho ngành mía đường, cho nền kinh tế. Bởi chỉ có bỏ bảo hộ mới buộc DN nâng cao năng lực sản xuất, giảm giá thành để cạnh tranh và người dân được hưởng lợi. Hãy chấp nhận điều đó để xây dựng nội lực cho mình, đừng bám vào chiếc "phao bảo hộ".
TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế
Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu đường và gian lận thương mại năm nay có diễn biến phức tạp hơn so với mọi năm. Tạm nhập tái xuất và nhập không chính thức cũng chiếm một lượng khá lớn vào nước ta. “Chúng tôi đến cửa khẩu Lao Bảo, việc buôn lậu diễn ra gần như công khai. Họ sang bao, xếp hàng lên xe tải và đem đi phân phối tự nhiên như chỗ không người” - ông Doanh nói. Giá đường lậu hiện thấp hơn khá nhiều so với giá đường trong nước. Theo khảo sát của VSSA, hiện giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội 15.600-16.300 đồng/kg, miền Trung 15.000-15.400 đồng/kg, TPHCM 15.600-16.400 đồng/kg. Thế nhưng, giá đường Thái Lan nhập lậu ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) chỉ 14.000 đồng/kg, ở Đông Hà 14.500 đồng/kg, ở biên giới Tây Nam 14.500 đồng/kg và ở TPHCM 15.000 đồng/kg. Đáng chú ý khoảng cách giữa giá đường trong nước với giá lậu đang được nới ra. Cuối tháng 3 giá đường lậu ở TPHCM thấp hơn đường nội 500-1.000 đồng/kg thì hiện nay thấp hơn 600-1.400 đồng/kg. Đường lậu đang có xu hướng thâm nhập mạnh qua cả biên giới Tây Nam và biên giới với Lào. Theo phản ánh của một số DN ngành mía đường, đường lậu thường được hợp thức hóa bằng cách đóng bao, mang nhãn hiệu của một số công ty sản xuất, kinh doanh đường ở khu vực miền Tây và miền Trung.
Thậm chí, có nơi đường lậu vẫn để nguyên bao bì Thái Lan mà vẫn được vận chuyển, cung cấp trên thị trường. Có những tàu chở đường từ Thái Lan, tạm nhập qua cảng Hải Phòng để tái xuất sang Trung Quốc nhưng được lén đưa vào tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Nghịch lý tồn kho giá vẫn cao

Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký VSSA, cho biết tình hình tiêu thụ đường hiện đang rất chậm. Tháng 4, ngành mía đường tiêu thụ được 120.636 tấn đường. Dù đã có 17 nhà máy kết thúc ép mía niên vụ 2016-2017, nhưng lượng đường sản xuất ra vẫn đang cao hơn nhiều so với khả năng tiêu thụ. Tháng 4, lượng đường sản xuất từ ép mía ước tính 165.000 tấn. Qua tháng 5, sẽ có thêm khoảng 150.000 tấn đường bổ sung vào nguồn cung, sức ép tiêu thụ còn khó khăn thêm. Trong khi nguồn cung không thiếu nhưng giá đường vẫn duy trì ở mức cao so với hồi đầu năm.
Theo ghi nhận, tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá đường chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Giá đường kính trắng xuất khẩu trong siêu thị 21.000 đồng/kg; giá đường bán lẻ 19.000-21.000 đồng/kg. Đường giữ giá cao trong khi nguồn cung không thiếu là một nghịch lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các DN sản xuất cần sử dụng tới đường.
Sớm bỏ chiếc “phao” bảo hộ cho đường ảnh 1 Nhiều nhà máy đường tự nâng giá mía, gây tình trạng tranh mua - tranh bán. 
Theo VSSA, giá đường hiện ở mức cao trước hết bởi sản lượng mía giảm nhiều do hạn, mặn. Đầu niên vụ 2015-2016, để khuyến khích nông dân trồng mía, nhiều nhà máy đường đã tăng giá thu mua mía lên. Vì thế, các nhà máy đang buộc phải điều chỉnh giá đường bán ra theo hướng tăng lên để bù chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, việc một số DN, nhà buôn trung gian tranh thủ găm hàng, chưa chịu hạ giá bán để trục lợi.
Chỉ rõ hơn thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay còn quá nhiều khâu trung gian phân phối đường đã tạo điều kiện cho các tư thương gom hàng trục lợi bất chính. Muốn hạ giá đường, phải tổ chức lại khâu phân phối, cắt bớt các khâu trung gian không cần thiết để đường từ nhà máy có thể đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. 

VSSA cũng đã có công văn đề nghị các nhà máy đường không được tự nâng giá mía cũng như không tạo tâm lý khan hiếm hàng để làm giá trong thời gian tới. Nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng, VSSA yêu cầu các nhà máy đường, công ty không tự nâng giá mía, gây ra trình trạng tranh mua-tranh bán, phá vỡ giá mua mía đã thống nhất trong vùng.
Các nhà máy đường, công ty nếu có chủ trương hỗ trợ người trồng mía thì áp dụng các chính sách ngoài giá như hỗ trợ vận chuyển, phân bón, vật tư... Bên cạnh đó, các nhà máy đường, công ty phải có kế hoạch bán hàng linh hoạt, phù hợp về số lượng và giá, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả. 

Chủ động bỏ bảo hộ càng sớm càng tốt

Theo nhiều chuyên gia, do chính sách bảo hộ quá lâu, nên VSSA và các DN mía đường không quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu để đổi mới và phát triển ngành, dẫn đến sức cạnh tranh yếu kém, người dân sống bằng nghề trồng mía bỏ nghề, chuyển đổi cây trồng. Hệ quả là chất lượng đường kém, giá thành đắt so với mặt bằng chung trên thế giới 30-40%.
Với sự chênh lệch này, theo tính toán của TS. Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ), nguyên liệu trong giá thành đường tại Việt Nam khoảng 12.000 đồng/kg, đứng ở hàng cao nhất thế giới, trong khi Thái Lan 8.000 đồng/kg, mức trung bình của thế giới khoảng 10.000 đồng/kg. Giá bán lẻ trên thị trường còn cao hơn, người dùng trong nước luôn phải mua đường với giá đắt hơn 3.000-5.000 đồng/kg. 

Theo lộ trình, Hiệp định thương mại hàng hóa các nước Đông Nam Á (ATIGA) trong năm 2015 đã có đến 93% trên tổng danh mục hàng hóa nhập khẩu giữa các nước Đông Nam Á với nhau có thuế nhập khẩu 0% trong đó có ngành mía đường. Mục đích của ATIGA là giúp các nhà máy đường chuẩn bị tốt hơn để cạnh tranh với đường từ các nước trong khu vực.
Còn lại 7% hàng hóa cũng sẽ áp dụng thuế suất 0% vào năm 2018. Thế nhưng VSSA đã kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính lùi thời hạn giảm áp dụng thuế nhập khẩu đường 0% đến năm 2018, thay vì 2015 như kế hoạch. Theo lý giải của VSSA, nếu giảm thuế nhập khẩu đường bằng 0% quá sớm nhiều nhà máy đường trong nước sẽ phá sản. 

Việc VSSA kỳ vọng vào “bảo bối” bảo hộ đang khiến DN ngành mía đường ngày càng mất sức cạnh tranh. Bởi lẽ, hàng chục năm nay ngành sản xuất mía đường và sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế đã không mang lại kết quả như kỳ vọng.
Tính đến thời điểm này, đối tượng chính trong chính sách bảo hộ bị thiệt thòi là nông dân và người tiêu dùng. Nông dân trồng mía vẫn khổ sở vì thường xuyên bị ép giá, giá mía luôn thấp, bỏ mía…, đồng thời họ cũng là nạn nhân phải mua đường với giá cao - điều này đồng nghĩa với việc ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế nước nhà.

Các tin khác