Sửa luật doanh nghiệp theo yêu cầu thực tiễn

(ĐTTCO) - Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2014 đã tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của DN. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, số lượng DN thành lập mới với số vốn đăng ký luôn tăng theo hàng năm, do hạn chế các thủ tục đăng ký DN, quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư được cải thiện mạnh mẽ…  

Tuy nhiên, trước áp lực mạnh mẽ của Chính phủ cần cải cách hơn nữa chất lượng môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển DN theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và bền vững, Luật DN 2014 đang được rà soát để sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. 
Cắt giảm tối đa chi phí cho DN
Gia nhập thị trường được hiểu là toàn bộ quá trình lúc nhà đầu tư bắt đầu thực hiện thủ tục đến lúc có thể tiến hành kinh doanh. Nếu đo lường bằng số thủ tục và thời gian theo quy định hiện hành, bao gồm 8 bước thủ tục và khoảng 20 ngày làm việc, không kể ngày nghỉ và thời gian chờ (xem chi tiết trong bảng).
So sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập DN và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Theo so sánh của Ngân hàng Thế giới năm 2019, nước ta được xếp hạng thứ 104/190 quốc gia và nền kinh tế. 
 Luật DN sửa đổi lần này được đặt trong kỳ vọng tiếp tục cải cách mạnh mẽ, toàn diện, triệt để hướng đến sự an toàn, chuyên nghiệp.
Với thực trạng này, đòi hỏi cải cách rất lớn, mạnh mẽ trong cắt giảm thủ tục không cần thiết nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho DN. Xét về tính cần thiết, phải bãi bỏ các thủ tục về dấu, thủ tục về đăng ký lao động lần đầu với cơ quan lao động thương binh xã hội.
Đồng thời, rút ngắn thời gian mua hóa đơn và in hóa đơn; hoặc thay vào đó cần đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử. Thay đổi cơ bản cách thức thực hiện thủ tục về thông báo thông tin tài khoản và nộp thuế môn bài. Thay vì yêu cầu thực hiện một thủ tục riêng, nên để DN nộp thuế môn bài tại thời điểm gần nhất DN thực hiện nộp thuế.
Đồng thời, việc kê khai tài khoản DN thực hiện khi DN thực hiện thủ tục về thuế đầu tiên với cơ quan thuế. Tuy nhiên, để thực hiện toàn diện cải cách này đòi hỏi không chỉ sửa Luật DN mà cả pháp luật về thuế, lao động.
Sửa luật doanh nghiệp theo yêu cầu thực tiễn ảnh 1  
Hoàn thiện chế định bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư
Bảo vệ cổ đông là một nội dung quan trọng của khung quản trị DN. Việc hoàn thiện quy định về bảo vệ cổ đông sẽ đóng góp quan trọng làm cho DN trở thành công cụ kinh doanh an toàn, thông qua đó thúc đẩy và huy động đầu tư.
Nội dung quan trọng của quy định về bảo vệ cổ đông là đảm bảo các cổ đông được đối xử công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp không bị chiếm đoạt. So với Luật DN năm 2005, Luật DN năm 2014 đã tạo ra sự đột phá về nội dung này.
Theo đó, quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư có cải thiện mạnh mẽ, hiện xếp hạng 89/190 quốc gia (so với thứ hạng 117 năm 2014, thứ hạng 169 năm 2013). Song nếu so sánh với các quốc gia tương đồng, nước ta còn thấp xa so với Indonesia - quốc gia tương đồng nhất; thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Singapore và Malaysia. 
Sửa luật doanh nghiệp theo yêu cầu thực tiễn ảnh 2  
Thực tế thực hiện Luật DN cho thấy một số quy định của luật chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông thực hiện quyền của mình. Thậm chí một số quy định “vô hình” tạo rào cản cho cổ đông trong bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, hoặc bị cổ đông lớn, công ty lạm dụng gây thiệt hại cho cổ đông.
Việc sửa đổi Luật DN sẽ tập chung hoàn thiện cơ chế bảo vệ nhà đầu tư theo hướng mở rộng quyền cổ đông; tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền của mình; nâng cao trách nhiệm thành viên HĐQT và người quản lý công ty.
Thí dụ, bãi bỏ hạn chế về thời hạn sở hữu cổ phần đối với cổ đông khi thực hiện quyền của mình tại các Khoản 2 Điều 114, Khoản 4 Điều 149 và Khoản 1 Điều 161. Thay đổi nhằm mục tiêu sâu xa hơn là thúc đẩy quản trị công ty tốt, chuyên nghiệp và thúc đẩy đầu tư xã hội, thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế.

Cởi trói và chuyên nghiệp hóa hộ kinh doanh
Vấn đề rất lớn đang thảo luận hiện nay là việc sửa Luật DN như thế nào để tạo ra cú hích cho sự phát triển của hộ kinh doanh. Theo Tổng cục Thống kê (năm 2018), tính đến năm 2017, cả nước có trên 5,14 triệu hộ kinh doanh. Xét theo quá trình, tổng số lượng hộ kinh doanh liên tục tăng qua các năm. Vấn đề lớn nhất hiện nay là so với DN, hộ kinh doanh bị hạn chế nhiều quyền, như hạn chế địa bàn, hạn chế kinh doanh trong một số ngành nghề, hóa đơn…
Ngược lại, hộ kinh doanh lại được cho có khung khổ pháp luật dễ hơn và phù hợp với tích chất kinh doanh đơn giản, quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, một số hộ kinh doanh quy mô rất lớn, thậm chí lớn hơn nhiều lần công ty, nhưng vẫn hoạt động dưới hình thức là hộ kinh doanh. 
Với thực trạng này, việc sửa đổi Luật DN sẽ trước hết cởi trói những hạn chế về quyền kinh doanh cho hộ. Mặt khác có cơ chế khuyến khích các hộ lớn phải chuyển thành DN để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Tuy nhiên, nhận thấy sửa Luật DN là chưa đủ, đòi hỏi phải đồng thời sửa đổi quy định khác có liên quan, như thuế, hóa đơn, lao động… Như vậy mới đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng. 

Các tin khác