Tạo cơ chế, chính sách cho nữ doanh nhân

(ĐTTCO) - Trên mặt trận kinh doanh, không ít phụ nữ Việt Nam đã trở thành những nữ tướng tài ba từ khởi nghiệp. Tuy nhiên, để phụ nữ khởi nghiệp thành công đòi hỏi cần phải có những cơ chế hỗ trợ tích cực. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ĐTTC ghi lại ý kiến của các nữ quản lý.

HÀ THỊ THU THANH, Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Deloitte Việt Nam:
DN do nữ làm chủ có các điểm mạnh về sự bền bỉ trước khó khăn, thường quan tâm đến các chính sách cho người lao động, đóng góp cho xã hội do đặc thù tính giới của nữ lãnh đạo.
Hiện nay, DNNVV là khu vực có đông DN do phụ nữ quản lý và điều hành, chiếm 98% tổng số DN, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Hàng năm, các DN này tạo ra trên 1 triệu việc làm mới, và đóng góp hơn 40% GDP quốc gia. Thống kê cho thấy, DN do phụ nữ nắm vị trí lãnh đạo, điều hành chiếm hơn 25% trong tổng số DN, tương đương hơn 100.000 DN do phụ nữ làm chủ, chủ yếu thuộc khu vực DN nhỏ và siêu nhỏ. 
Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 1 triệu DN, trong đó có 350.000 DN do phụ nữ làm chủ. Như vậy trong thời gian tới, số lượng DN nữ sẽ phải tăng gấp hơn 3 lần, cao hơn so với tốc độ tăng DN chung của cả nước. Đây là một mục tiêu rất lớn đối với khối  DN do phụ nữ làm chủ.
Tuy nhiên, do đặc thù nên DN do phụ nữ làm chủ cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như quy mô nhỏ, sức cạnh tranh của DN còn thấp, trình độ năng lực quản trị DN và tiếp cận thông tin, công nghệ còn hạn chế; nữ doanh nhân lại phải cùng một lúc gánh trách nhiệm kép, định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ trong kinh doanh vẫn còn tồn tại, do đó đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì của các doanh nhân nữ phải rất lớn.
Tạo cơ chế, chính sách cho nữ doanh nhân ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các nữ doanh nhân tiêu biểu nhân kỷ niệm 109 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. 
MAI THỊ THÙY, Chủ tịch Hội Nữ DNNVV TP Hà Nội: 
Các doanh nhân nữ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân, có nhiều đóng góp cho ngân sách của nhà nước. Việt Nam ngày càng có nhiều những nữ doanh nhân thành đạt, những nữ tiến sỹ thành công trong khoa học. Đơn cử như doanh nhân Thái Hương, Mai Kiều Liên… là những nữ doanh nhân thành công không chỉ trong nước, mà còn vươn tầm ra thế giới.
Họ là những người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn nghiên cứu sưu tầm, áp dụng công nghệ… để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn hài hòa được công việc với gia đình. Ưu điểm của các doanh nhân nữ là luôn cẩn thận, chắt chiu, biết chi tiêu có kế hoạch, cho nên tỷ lệ DN do nữ làm chủ phá sản rất ít. 
Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, đòi hỏi các doanh nhân nữ phải nỗ lực hơn trong bối cảnh hội nhập. Muốn nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội, cần phải nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong kinh doanh.
Đây là hai phạm trù không thể tách rời nhau, cần cụ thể hóa các quy định và những chính sách hỗ trợ DN do phụ nữ làm chủ, bởi nếu họ phát huy được sẽ đóng góp rất nhiều cho xã hội, đóng thuế vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động.

NGUYỄN THỊ TUYẾT MINH, Chủ tịch Hội đồng nữ Doanh nhân, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Trong quản lý kinh doanh, doanh nhân nữ sẽ làm tốt hơn khâu sắp xếp và chú ý đến những chi tiết nhỏ, do đó các sản phẩm dịch vụ của DN do nữ lãnh đạo có thể đáp ứng đúng, thậm chí hơn cả yêu cầu của khách hàng hay thị trường.
Ngoài ra, doanh nhân nữ thường quan tâm và chăm lo đến đời sống của người lao động, vì vậy DN do nữ lãnh đạo thường ít xảy ra đình công, tranh chấp lao động. Doanh nhân nữ cũng thường cẩn trọng hơn trong việc ra quyết định, quản lý tài chính, điều này sẽ giúp hạn chế những rủi ro trong các hoạt động kinh doanh và đầu tư của DN. 
Tuy nhiên, doanh nhân nữ còn gánh chịu thiệt thòi và gặp nhiều trở ngại trong quá trình khởi sự và điều hành DN. Rào cản lớn nhất đối với nhiều doanh nhân nữ đó là không được đào tạo bài bản, chính quy, thiếu kỹ năng kinh doanh, trình độ ngoại ngữ và khả năng áp dụng tin học hóa cũng chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
Bên cạnh đó, các DN do phụ nữ lãnh đạo còn thiếu năng lực cạnh tranh về tài chính, và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, quy mô vốn của nhiều DN còn rất nhỏ bé, kém hiệu quả. Doanh nhân nữ còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, công nghệ, hạn chế trong việc tham gia các hoạt động xã hội, kết nối mạng lưới.
Hiện nay phụ nữ Việt Nam còn nhiều rào cản trong quá trình khởi nghiệp cũng như vận hành DN, vì vai trò của người phụ nữ Á Đông cũng chưa thực sự được bình đẳng so với nam giới cả trong gia đình và ngoài xã hội. Điều này dẫn đến những khó khăn đối với phụ nữ khi tham gia kinh doanh như quyết định thành lập DN, huy động vốn, điều hành DN, mở rộng quan hệ đối tác, giao lưu tìm hiểu thị trường và tiếp cận các chương trình trợ giúp.
Vì vậy các doanh nhân nữ rất cần những chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa DN và nhà khoa học, thuận lợi trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh, dễ dàng tiếp cận và tham gia các chương trình xúc tiến, kết nối đầu tư hợp tác kinh doanh trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.

Các tin khác