Tạo môi trường cạnh tranh taxi bình đẳng

(ĐTTCO) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014//NĐ-CP (NĐ86) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, theo hướng nới lỏng quy định với taxi truyền thống, siết điều kiện kinh doanh taxi công nghệ Uber, Grab. 
ĐTTC đã trao đổi với ông PHAN ĐỨC HIẾU, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), về mục tiêu chính sách này.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông nội dung dự thảo nghị định thay thế NĐ86 có đi ngược quyền tự do kinh doanh của người dân?
 Dự thảo nghị định thay thế NĐ86 cần loại bỏ tất cả những rào cản kinh doanh với loại hình taxi truyền thống, không nên tạo rào cản kinh doanh với taxi công nghệ để khuyến khích DN taxi đẩy mạnh áp dụng công nghệ, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, mang lại tối đa lợi ích cho người dùng. 
Ông PHAN ĐỨC HIẾU: - Dự thảo nghị định thay thế NĐ86 có những điểm tích cực nhưng cũng tồn tại nhiều nội dung bất hợp lý. Dự thảo có nhiều tiến bộ với taxi truyền thống khi nâng niên hạn sử dụng xe, góp phần giảm chi phí DN, tài sản DN được sử dụng lâu hơn; loại bỏ các điều kiện kinh doanh về nhân lực, phương tiện, thiết bị tối thiểu như số lượng xe, bỏ yêu cầu về trình độ của người điều hành DN vận tải. Đây là những thứ không cần thiết làm phát sinh chi phí DN.
Dự thảo cũng bỏ quy định về phương án kinh doanh, một quy định bất hợp lý, tạo rào cản thị trường. Tuy nhiên, cách tiếp cận trong xây dựng dự thảo nghị định lần này không phù hợp khi bỏ một số điều kiện kinh doanh với taxi truyền thống nhưng lại bổ sung một số điều kiện kinh doanh với taxi công nghệ với lý do tạo sự cân bằng thị trường.
Theo tôi phải coi lĩnh vực vận tải cả hành khách lẫn hàng hóa là lĩnh vực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung. Việc phát triển đa dạng hóa các loại hình vận tải hiện đại như Uber, Grab sẽ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như tắc đường, giảm sự gia tăng phương tiện cá nhân. Bản chất các DN tư nhân kinh doanh dịch vụ taxi công nghệ là hoạt động kinh doanh vận tải công cộng, bởi nó có vai trò thay thế phương tiện cá nhân.
Việc xây dựng nghị định thay thế NĐ86 nên coi đây là mục tiêu quản lý, không nên đặt vấn đề ngăn chặn sự phát triển của các loại hình vận tải hiện đại như Uber, Grab. Nên thúc đẩy sự phát triển loại hình vận tải này thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn với biện pháp quản lý phù hợp.
Tạo môi trường cạnh tranh taxi bình đẳng ảnh 1
 Vấn đề đặt ra với dự thảo nghị định là phải giải quyết được 2 vấn đề lớn: xe hợp đồng trá hình tuyến cố định và sự cạnh tranh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực vận tải, đáp ứng quyền lợi chính đáng của người dân, DN. Đồng thời không cản trở sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong xã hội.
Theo dự thảo nghị định này việc cung cấp hợp đồng điện tử chỉ do các HTX, DN vận tải thực hiện, các cá nhân như hộ kinh doanh không được cung cấp hợp đồng điện tử. Quy định như vậy tác động trực tiếp đến các đối tượng cá nhân đang thực hiện cung cấp hợp đồng vận tải điện tử cho khách hàng thông qua Uber, Grab, tạo rào cản phát triển với loại hình taxi công nghệ.
- Ông nhìn nhận thế nào về sự bất lợi của taxi truyền thống so với taxi công nghệ?
- Bản chất taxi công nghệ là loại hình kinh doanh mới nên taxi truyền thống có sự bất lợi xét trên góc độ cạnh tranh. Nhưng bất lợi này không phải do cạnh tranh từ thị trường, mà do chính những quy định hiện hành tạo ra. Việc Uber, Grap có được khách hàng thông qua ứng dụng công nghệ không phải là lợi thế độc quyền.
Các hãng taxi truyền thống cũng có thể dễ dàng ứng dụng cho phép người dùng kết nối dịch vụ vận tải theo cả 2 cách truyền thống và hiện đại. Nhìn từ góc độ này thì taxi truyền thống thậm chí còn có lợi hơn taxi công nghệ, có nhiều cách để tiếp cận khách hàng hơn. 
Mô hình taxi truyền thống thường do 1 DN hoặc nhóm người tổ chức kinh doanh từ đầu đến cuối, nghĩa là họ phải bỏ tiền ra để đầu tư xe, quản lý vận hành, sửa chữa. Người lái taxi cũng là người của công ty nên DN phải thực hiện các nghĩa vụ với người lao động về bảo hiểm, lương, thưởng. Các DN taxi truyền thống cũng phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế, cũng như các quy định về an toàn giao thông khi lưu thông. Những quy định như vậy làm tăng chi phí của taxi truyền thống, làm giá vận chuyển của taxi truyền thống kém cạnh tranh.
Ngược lại, taxi công nghệ Uber, Grab cũng tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải nhưng không kinh doanh toàn bộ từ đầu đến cuối như taxi truyền thống. Họ chỉ có 1 khâu là tổng đài kết nối giữa khách hàng và lái xe nhưng có nhiều lợi thế khi sự kết nối trên nền tảng kinh tế chia sẻ.
Bên cạnh đó họ có các lợi thế khác về thị trường, về giá. Giá vận chuyển của Uber, Grab không dựa trên một mức cố định, mà trên từng giai đoạn cụ thể, từng ngày, từng thời điểm khác nhau. Hình thức kinh doanh taxi công nghệ có nhiều sáng tạo, nên họ có những lợi thế cạnh tranh vượt trội. Sự cồng kềnh về bộ máy của taxi truyền thống đã được taxi công nghệ cắt giảm, nhờ vậy đã nâng cao hiệu quả hoạt động.
- Mô hình kinh doanh mới đặt ra những yêu cầu về quản lý mới. Vậy theo ông nên quản lý hoạt động kinh doanh taxi công nghệ thế nào cho hiệu quả?
- Theo tôi nên cắt giảm tối đa các điều kiện đang áp đặt với taxi truyền thống để bảo đảm những gánh nặng quy định xuống ngang bằng với hình thức kinh doanh mới; lấy hình thức kinh doanh taxi công nghệ làm cơ sở, khuyến khích DN đẩy mạnh sáng tạo, áp dụng công nghệ để giảm tối đa chi phí vận tải. Không thể xây dựng các rào cản với hình thức kinh doanh mới để tạo công bằng với hình thức kinh doanh truyền thống, như vậy sẽ không tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, cản trở các hình thức kinh doanh mới, cản trở sự phát triển.
Tất nhiên khi mô hình kinh doanh mới xuất hiện sẽ đặt ra những yêu cầu về quản lý mới. Đây là điều cần tính toán trong dự thảo nghị định thay thế NĐ86, chỉ nên quy định những quy tắc nhận dạng giữa xe đưa vào kinh doanh vận tải kể cả chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp với xe thông thường.
Thí dụ, yêu cầu xe kinh doanh vận tải phải đăng ký kinh doanh để giám sát thu nhập phát sinh nếu có và để phân biệt với xe cá nhân. Đây là biện pháp hợp lý, không tạo cản trở phát triển các nước đang áp dụng.
Mục tiêu chính của chúng ta là nhận dạng để quản lý, để thu thuế, tránh tạo ra môi trường kinh doanh bất lợi, bảo đảm sự an toàn cho khách hàng. Hơn nữa việc thu thuế loại hình kinh doanh mới không nên tạo ra chi phí quá lớn trong việc nộp thuế, dù đây là việc làm không dễ.
Việc đưa ra những điều kiện kinh doanh với taxi công nghệ trong dự thảo nghị định cũng chỉ giúp quá trình thu thuế dễ dàng hơn, chưa chắc đã thu đủ thuế nhưng nó lại làm thiệt hại cho xã hội. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác