Thận trọng trước mác hàng Nhật, Hàn

(ĐTTCO) - Chuỗi cửa hàng Mumuso có phải của Hàn Quốc, Miniso có đúng của Nhật Bản hay không, đang là điều mà nhiều người tiêu dùng Việt Nam quan tâm sau những nghi vấn mà đài MBC (Hàn Quốc) đặt ra cho chuỗi cửa hàng Mumuso. 

Thương hiệu Nhật, Hàn Quốc gia công tại Trung Quốc
Trời vừa tối, cửa hàng Mumuso trên đường Quang Trung (Gò Vấp, TPHCM) đã có khá đông các khách hàng trẻ đang đứng xem hàng. Hầu hết hàng hóa ở đây đều có mẫu mã đẹp, giá thành rất hợp túi tiền, lại thêm phong cách phục vụ rất Hàn Quốc. Có lẽ vì thế Mumuso nhanh chóng chinh phục được người tiêu dùng trẻ, và dù chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng chuỗi này đã có vài chục cửa hàng suốt từ Nam ra Bắc.
 Có thể thấy, khi các đại gia trong lĩnh vực bán lẻ của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam trong những năm gần đây, thì hàng hóa của các quốc gia này cũng hiện diện ở Việt Nam nhiều hơn, người tiêu dùng cũng dễ dàng sở hữu những món hàng mà trước phải nhờ xách tay hay phải đặt mua qua website. Thế nhưng, để tránh bị những “cơn lốc” ấy cuốn đi, không còn cách nào khác, mỗi người mua hàng phải là một người tiêu dùng thông minh.
Thế nhưng, nếu chú ý đến nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm được bày bán mới thấy gần như đều từ Trung Quốc. Ghé đến quầy bán mỹ phẩm, chúng tôi hỏi thăm một nhân viên rằng hàng Hàn Quốc mà toàn xuất xứ Trung Quốc, thì nhận được câu trả lời tất cả hàng ở đây là hàng Hàn nhưng gia công tại Trung Quốc.
Thậm chí nhân viên còn khẳng định “đến điện thoại iPhone còn gia công ở Trung Quốc thì chị không phải lo”. Nhân viên nói thế nhưng tôi không khỏi băn khoăn, Hàn Quốc vốn nổi tiếng là thiên đường mỹ phẩm và giá sản phẩm cũng không rẻ, vậy tại sao Mumuso phải gia công ở Trung Quốc.
Có phải nhờ thế mà giá bán khá rẻ? Chưa hết khi xem nhãn phụ tiếng Việt dán trên các sản phẩm chỉ đề đơn giản như: nước hoa hồng, xuất xứ Trung Quốc, giá bán, công ty nhập khẩu. Chứ không thấy ghi thành phần. 
Cách Mumuso không xa cũng trên con đường Quang Trung, là cửa hàng Miniso, nếu Mumuso giới thiệu là chuỗi cửa hàng đến từ Hàn Quốc, thì Miniso vẫn được biết đến với nguồn gốc Nhật Bản. Và đây cũng là chuỗi cửa hàng thu hút đông khách hàng trẻ. Hàng hóa ở đây cũng tương tự Mumuso với kiểu dáng đa dạng, giá thành rẻ và hầu hết xuất xứ cũng từ Trung Quốc.
Vẫn quan tâm nhiều đến mặt hàng mỹ phẩm, tôi chú ý đến một chai nước hoa hồng khá giống thương hiệu Muji của Nhật nhưng khi xem nhãn phụ chỉ đề nước hoa hồng, giá bán, xuất xứ Trung Quốc, còn thương hiệu tất cả của Miniso. Với chữ Miniso - Japan được in đậm gây chú ý cho người mua. Các sản phẩm khác cũng tương tự, không có nhiều thông tin bằng tiếng Việt nên nhân viên đứng cạnh phải giải thích… từng sản phẩm. 
Thận trọng trước mác hàng Nhật, Hàn ảnh 1 Một góc cửa hàng Mumuso. 
Trong cửa hàng Miniso liên tục vang lên tiếng loa chào mừng khách, và thông báo cho khách biết chuỗi cửa hàng này được tư vấn bởi các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản. Đến nay Miniso cũng có khoảng 40 cửa hàng trên khắp Việt Nam chỉ sau gần 2 năm có mặt.
Thu Hương, một khách hàng trẻ hay mua hàng tại Minoso cho biết, cái được là họ công khai cho khách biết hàng xuất xứ Trung Quốc, nhưng còn lại chất lượng kiểm soát ra sao thì chỉ họ mới biết. Còn khách cứ tin tưởng hàng Trung Quốc nhưng được kiểm soát bởi những chuyên gia Nhật. 

Người tiêu dùng có bị lừa?
Một trong những lý do mà người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hàng Nhật Bản hay Hàn Quốc, chính là nhờ sự tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng của hàng hóa được sản xuất ở 2 quốc gia này. Nhưng sâu hơn là nỗi lo chất lượng hàng Trung Quốc không đảm vẫn bảo tràn lan ở thị trường Việt Nam.
Tất nhiên, với vai trò là công xưởng của thế giới, Trung Quốc gia công cho nhiều thương hiệu lớn, chất lượng cũng rất đa dạng. Đó cũng là lý do dù sợ hàng Trung Quốc, nhưng khi được “bảo lãnh” dưới thương hiệu Nhật hay Hàn thì người tiêu dùng lại rất tin tưởng. Thế nhưng, mới đây khi kênh truyền hình MBC của Hàn Quốc làm phóng sự đặt nghi vấn Mumuso không phải thương hiệu Hàn Quốc, thì người tiêu dùng bắt đầu hoang mang. 
Ngay sau đó, phía Mumuso có đăng tải đính chính thông tin trên trang fanpage của mình, rằng có giấy phép đăng ký thương hiệu tại Hàn Quốc, có giấy chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn hợp quy từ Bộ Y tế - Cục An toàn thực phẩm – Cục quản lý mỹ phẩm. Thậm chí chuỗi này còn cho biết về sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc luôn công khai xuất xứ, không lừa dối khách hàng. 
Đúng là xuất xứ thì công khai, nhưng có một điểm là nhiều sản phẩm mỹ phẩm của Mumuso khá “đụng hàng” với các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn. Thí dụ như sản phẩm gel lô hội của Mumuso, rất giống vẻ bề ngoài của Gel đến từ thương hiệu Nature Republic. Đương nhiên giá thành hợp túi tiền hơn. Điều này dễ gây nhầm lẫn cho không ít người tiêu dùng. Trước nhiều thắc mắc của người tiêu dùng và giới truyền thông, Mumuso cho biết sẽ họp báo sớm nhất có thể để giải đáp các thắc mắc. 
Sự nghi ngại của người tiêu dùng không chỉ dành riêng cho Mumuso, mà Minoso cũng được lôi vào cuộc. Sự đụng hàng của một số mặt hàng mỹ phẩm tại Miniso với một vài thương hiệu tại Nhật Bản đã được chúng tôi nhắc đến ở phía trên. Khác với Mumuso, ngay từ khi mới rục rịch thông tin vào thị trường Việt Nam, giới truyền thông cũng đặt câu hỏi về nguồn gốc thực sự của chuỗi cửa hàng này là Nhật Bản hay Trung Quốc, khi số cửa hàng của chuỗi này tại Nhật Bản quá ít ỏi, trong khi những quốc gia khác đặc biệt là tại Trung Quốc con số lên tới hàng trăm, hàng ngàn cửa hàng.
Tất nhiên, việc các chuỗi này có thực sự lừa dối người tiêu dùng hay không cần có kết luận điều tra của các cơ quan chức năng. Nhưng chỉ với một vài điểm được chỉ ra người tiêu dùng hẳn sẽ phải cân nhắc lại địa chỉ khi mua sắm.

Các tin khác