Tháo gỡ khó khăn cho DN Nhật Bản

(ĐTTCO) - Tại Hội nghị bàn tròn DN Nhật Bản 2017 diễn ra ngày 20-12 (ảnh), ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định chính quyền TP luôn hoan nghênh và sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN Nhật Bản đầu tư vào TPHCM. 
 
Nhiều vấn đề được giải quyết
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận Hội nghị bàn tròn giữa Lãnh đạo TP và các DN Nhật Bản do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp với Hiệp hội DN Nhật Bản (JBAH) tổ chức là một trong các hoạt động thường niên, nhằm hiện thực hóa chủ trương cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư của TP, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư Nhật Bản. Đây là sự kiện được duy trì liên tục trong suốt 16 năm qua.
“Tôi được biết sau buổi đối thoại năm ngoái và trước hội nghị năm nay có nhiều vấn đề phía hiệp hội nêu ra đã được giải quyết, trong đó có miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT cho các mặt hàng phục vụ các dự án ODA; mã hóa hàng hóa HS, nới lỏng thời gian nộp thuế môn bài... Điều này thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn. TP luôn đánh giá Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực” - ông Tuyến chia sẻ. 
Để chuẩn bị cho sự kiện lần này, ITPC đã làm việc với JBAH từ giữa năm để tổng hợp những khó khăn vướng mắc của các DN Nhật Bản liên quan đến 4 nhóm vấn đề: môi trường - đời sống, pháp luật - lao động, thuế và hải quan để chuyển đến các sở ban ngành có liên quan. Từ đầu tháng 11, các sở ngành TP đã có các cuộc họp trù bị để giải đáp các vướng mắc. Và đến ngày hội nghị chính thức từ 50 câu hỏi chỉ còn tập trung giải quyết 5 vấn đề. 
Tháo gỡ khó khăn cho DN Nhật Bản ảnh 1
Lắng nghe, chia sẻ vướng mắc tồn đọng
Phía hiệp hội DN Nhật Bản muốn biết về tình trạng hiện nay của quy định về hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ (KH-CN) TP, cho biết hiện Bộ KH-CN đang phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ chuyên ngành lập phương án sửa đổi Thông tư 23/2015/TT-BKHCN theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị Quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 trong đó có một số hướng mới như quy định “số tuổi” của máy móc nhập theo từng chủng loại chứ không quy định chung.
Liên quan đến quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc với người lao động nước ngoài, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP, cho biết hiện Bộ LĐ-TB-XH đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo nghị định quy định về thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động là người nước ngoài để trình Chính phủ. Việc đóng BHXH cho lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ được thực hiện khi có nghị định hướng dẫn, và chỉ áp dụng đối với những quốc gia có ký hiệp định song phương về BHXH với Việt Nam.
Riêng vướng mắc của phía DN Nhật Bản về vấn đề xác nhận sự cần thiết của thủ tục đăng lý góp vốn theo Điều 26 Luật Đầu tư, với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đã có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Sở KH-ĐT TP nhấn mạnh nhà đầu tư nước ngoài khi tăng vốn phải thực hiện thủ tục góp vốn mua cổ phần. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường cũng được DN Nhật Bản quan tâm, nhất là Khoản 5, Điều 100 của dự thảo này.
Bà Nguyễn Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), chia sẻ: “Bộ TN-MT không chỉ có dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường mà còn dự thảo các nghị định, thông tư khác, trong đó có các nội dung liên quan đến đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Các nghị định, thông tư này sẽ cụ thể hóa loại hình ngành nghề, quy mô sản xuất của các cơ sở lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, được đề cập tại Khoản 5, Điểm b, Điều 100.
Ngoài ra, khi các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường sẽ xem xét chi tiết về công nghệ sản xuất, các công trình bảo vệ môi trường, các giải pháp phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường”.
Hội nghị cũng đưa ra các vấn đề về thuế, hải quan, trong đó một số nội dung phía DN Nhật Bản đưa ra đã được Cục Hải quan TPHCM phản hồi và các DN Nhật hài lòng với phản hồi này. Tương tự, Cục Thuế TPHCM cũng hỗ trợ DN giải quyết các vướng mắc của các DN, với những vấn đề chưa thể giải quyết ngay Cục Thuế TP ghi nhận để báo cáo với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính.

Các tin khác