Thất thu thuế khoán: Hộ kinh doanh - đông nhất, nộp thuế ít nhất

(ĐTTCO)-Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 8 lần số lượng doanh nghiệp. Và theo số liệu cơ quan thuế quản lý thì cả nước có hơn 1,7 triệu lượt hộ nộp thuế (doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp), cũng gấp 3 lần số lượng doanh nghiệp. Thế nhưng, số thuế hàng năm các hộ kinh doanh cá thể nộp cho ngân sách chưa đầy 2% trong tổng số thu thuế.
Mua bán tại một hộ kinh doanh cá thể. Ảnh: THÀNH TRÍ
Mua bán tại một hộ kinh doanh cá thể. Ảnh: THÀNH TRÍ

Trong khi lượng hộ kinh doanh cá thể mỗi năm một tăng nhưng số thu lại ngày một giảm. Nguyên nhân vì sao?!

Số lượng tăng, số thu giảm

Số liệu thu thuế của Tổng cục Thuế cho thấy, số thu tuyệt đối từ hộ kinh doanh chỉ tăng nhẹ qua các năm, trong khi tính theo tỷ trọng đóng góp cho ngân sách thì lại giảm.

Năm 2015, cả nước có 1,61 triệu hộ kinh doanh, chỉ nộp thuế gần 14.200 tỷ đồng, chiếm 1,9% trong tổng số thu thuế (744.800 tỷ đồng); năm 2016 số hộ kinh doanh tăng lên 1,63 triệu hộ, số nộp thuế cũng chỉ khoảng 15.570 tỷ đồng, chiếm 1,9% trong tổng số thu thuế (818.300 tỷ đồng); năm 2017 số hộ kinh doanh tăng lên thành 1,7 triệu hộ, nộp cho ngân sách khoảng 16.300 tỷ đồng, chiếm 1,66% tổng số thu thuế (919.300 tỷ đồng) và năm 2018 số hộ kinh doanh tăng đạt gần 1,8 triệu hộ, nộp khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm 1,6% tổng thu thuế (1.118.600 tỷ đồng).

So sánh tốc độ phát triển số thu của ngành thuế thì số thu của đối tượng hộ kinh doanh cá thể tăng trưởng chậm hơn, dẫn đến tỷ lệ thu của khu vực hộ kinh doanh cá thể chiếm tỷ lệ ngày càng nhỏ lại trong tổng thu thuế.

Nếu xét giai đoạn 2015 đến nay, tỷ lệ thu thuế của đối tượng hộ kinh doanh cá thể trong tổng số thu của ngành thuế chiếm tỷ lệ giảm dần qua các năm, từ tỷ lệ 1,9% xuống 1,6%. Trong khi, số lượng hộ kinh doanh cá thể tăng dần qua các năm, từ 1,61 triệu hộ lên 1,8 triệu hộ. Xu hướng ngược chiều này đã đặt ra nghi vấn mà trong các cuộc họp của Chính phủ nhiều lần nêu ra là kiểm tra kỹ việc cán bộ thuế bắt tay với hộ kinh doanh để ấn định doanh số thấp nhằm giảm số thuế phải nộp và cần giám sát cả việc cán bộ thuế quản lý lỏng lẻo, bỏ sót đối tượng nộp thuế.

Có chăng việc “cưa” lợi ích?

Sở dĩ hộ kinh doanh cá thể nộp thuế ít là do quy định pháp luật lâu nay cho phép đối tượng này được áp dụng thuế khoán (trong khi doanh nghiệp áp dụng theo phương pháp kê khai, khấu trừ). Nếu doanh nghiệp phải khai báo doanh số đầu vào trừ đầu ra để khấu trừ thuế thì hộ kinh doanh được cơ quan nhà nước ấn định mức thuế ổn định trong vòng 1 năm. Mức thuế bao nhiêu dựa trên doanh số bán hàng một cách cảm tính, vì doanh số bán hàng bao nhiêu không có cơ sở kiểm tra. Do vậy, nguy cơ cán bộ thuế bắt tay - thỏa thuận ngầm nhằm giảm số thuế phải nộp, “cưa” lợi ích với hộ kinh doanh là khó tránh khỏi. Việc này đã bị Chính phủ cũng đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không giảm.

Khảo sát của phóng viên tại một số chợ đầu mối TPHCM, mỗi quầy hàng có doanh số hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng/đêm (doanh số mỗi tháng hàng chục tỷ đồng) nhưng mỗi hộ chỉ phải khoán thuế từ hơn 10 triệu đến vài chục triệu đồng/tháng. Nếu so sánh con số bán ra trong báo cáo của Ban Quản lý chợ với số thuế thực nộp tại Chi cục Thuế sẽ thấy rõ bất cập này.
Một nguyên nhân khác khiến việc thu thuế khoán dễ thất thoát là do quy định mức thuế khá phức tạp, khó kiểm soát, qua nhiều mức thuế suất của từng loại dịch vụ, trong khi trong thực tế việc phân chia các ngành dịch vụ không rõ ràng.

Theo quy định, hộ kinh doanh được phân thành 4 nhóm ngành nghề và phải nộp mức thuế khoán khác nhau. Hộ kinh doanh thuộc nhóm thương mại thì nộp thuế 1,5% (gồm 1% thuế giá trị gia tăng - GTGT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân - TNCN) của doanh thu; ngành dịch vụ, xây dựng (không bao thầu nguyên vật liệu) thì thuế suất 7% (gồm 5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN) trên doanh thu; ngành sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu thì thuế suất 4,5% (gồm thuế GTGT 3% và 1,5% thuế TNCN) trên doanh thu; ngành nghề, lĩnh vực khác thì thuế suất 3% (gồm 2% thuế GTGT và 1% thuế TNCN) trên doanh thu.

Quy định này dẫn đến bất hợp lý là một hộ kinh doanh bán nhiều mặt hàng ở các nhóm ngành khác nhau thì áp dụng mức thuế suất nào thì không thể phân định rạch ròi được. Từ đó dẫn đến bất hợp lý là bãi giữ xe nộp thuế cao hơn phòng khám. Vì bãi xe là dịch vụ, phải nộp thuế suất 7%, trong khi phòng khám bác sĩ được phân vào “lĩnh vực khác” thì chỉ nộp 3%!

Theo quy định thuế khoán, hộ kinh doanh không cần phải sử dụng hóa đơn chứng từ, thế nhưng một số đơn vị mua hàng cần hóa đơn để quyết toán thì hộ kinh doanh được quyền mua hóa đơn của cơ quan thuế để xuất. Một hộ kinh doanh có thể vừa nộp thuế khoán, vừa nộp thuế theo doanh số hóa đơn. Việc này phát sinh hệ quả là các hộ kinh doanh trở thành là nơi trốn thuế, dùng doanh số bán lẻ không xuất hóa đơn để bán hóa đơn cho những đơn vị cần hóa đơn để quyết toán khấu trừ thuế. Một số doanh nghiệp thành lập thêm hộ kinh doanh cá thể để san sẻ thuế cho nhau.

Chẳng hạn doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng thì tạo thêm hộ kinh doanh ăn uống, “đầu vô” thực phẩm được kê khai khấu trừ ở doanh nghiệp, trong khi doanh số bán ra thì không phải khai thuế. Một số công ty rượu lập thêm hộ kinh doanh cá thể để bán lẻ hàng hóa cho người tiêu dùng với giá không có thuế, rẻ hơn, dễ cạnh tranh hơn… Đó là khoảng trống gây thất thu thuế.

Các tin khác