“Thẻ vàng” EU và thế khó cho hải sản xuất khẩu

(ĐTTCO)-Tình trạng khai thác thủy, hải sản chưa được quản lý chặt chẽ đã dẫn tới nạn đánh bắt trái phép diễn ra trong một thời gian dài. Ngoài việc ngư dân bị bắt giữ, phương tiện bị tịch thu, vừa qua Ủy ban châu Âu (EC) chính thức rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam. 
 
Ngư dân vận chuyển cá từ tàu lên bờ ở cảng Phước Tỉnh
Ngư dân vận chuyển cá từ tàu lên bờ ở cảng Phước Tỉnh
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy hải sản gặp khó khăn.
Đối mặt với khó khăn
Với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (theo như quy định IUU), ngày 23-10, EC đã chính thức rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam. Đây mới chỉ là hình thức cảnh cáo, chưa đi kèm các biện pháp trừng phạt nhưng đó là thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam. Bởi uy tín, thương hiệu cũng như hoạt động xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
Vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là một ngư trường đánh bắt lớn của phía Nam, tại tỉnh này có hàng trăm DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu hải sản. Công ty CP XNK Côn Đảo (Coimex), một DN hoạt động lâu năm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và xuất khẩu trong lĩnh vực hải sản cho biết, lượng hàng xuất khẩu của công ty này vào thị trường châu Âu chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu. Để đưa được mặt hàng này sang thị trường vốn được cho là khó tính như EU, công ty phải đáp ứng được những yêu cầu hết sức khắt khe, như nguồn gốc, tính hợp pháp của nguyên liệu và các chỉ số về sản phẩm xuất khẩu.
Tuy nhiên, khi dính “thẻ vàng”, theo lãnh đạo công ty, trước mắt 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến thời gian thực hiện thủ tục bị kéo dài, chi phí tăng (khoảng 500 bảng Anh/container), chưa kể chi phí lưu giữ cảng. Rủi ro lớn nhất là tỷ lệ các container hàng bị trả lại khá cao gây tổn thất sẽ lớn cho DN.
Điều này đã từng xảy ra với các nước trước đây dính “thẻ vàng” của EC. Ảnh hưởng vụ việc chưa hẳn đã dừng lại ở EU, bởi trong thời gian tới Mỹ - thị trường nhập khẩu thủy hải sản nhiều thứ hai trên thế giới, cũng sẽ áp dụng chương trình giám sát nhập khẩu thủy hải sản vào Mỹ (SIMP) có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Theo ông Lê Văn Kháng, Ủy viên Thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, khoảng 5 năm trước thời điểm EU rút “thẻ vàng” đối với mặt hàng hải sản, các đoàn chuyên gia của EU đã nhiều lần cảnh báo việc đánh bắt trái phép có thể sẽ bị rút thẻ của EC. Việc ngư dân cho rằng ngư trường bị đánh bắt cạn kiệt là nguyên nhân xảy ra nạn đánh bắt trái phép là nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ. Ngư trường ta còn rất nhiều nguồn lợi thủy sản có giá trị, cá trên biển theo dòng nước chứ không phải nằm yên một chỗ. Nhưng có thể nhận thấy, nguồn lợi này đang bị suy giảm, trong đó một phần nguyên nhân là do công tác quản lý của ta chưa chặt chẽ, có phần buông lỏng. 
Đồng quan điểm như trên, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty XNK thủy sản Baseafood tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một thương hiệu uy tín ở hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có thị trường EU bày tỏ: “Việc EC rút thẻ vàng đối với mặt hàng thủy sản nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn cho doanh nghiệp và mức độ thiệt hại trong việc dính “thẻ vàng” của EC chưa dừng lại ở DN mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác thủy hải sản của ngư dân. Bởi lẽ nếu sản phẩm của DN bị từ chối nhập khẩu vào EU, đồng nghĩa các thị trường khác như Australia, Nhật Bản... cũng sẽ áp dụng việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu dẫn đến việc thu mua nguyên liệu của tàu cá ngưng trệ, gây ra những hệ lụy hết sức quan ngại”.
Cần có biện pháp cứng rắn
Trước viễn cảnh có thể bị rút “thẻ đỏ” trong thời gian tới, nếu tình hình không được cải thiện, các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản đề nghị Nhà nước cần xử lý một cách quyết liệt đối với các tàu cá khai thác bừa bãi, gây ảnh hưởng đến uy tín của hải sản Việt Nam, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử phạt vấn nạn khai thác theo kiểu tận diệt để tránh cạn kiệt ngư trường. 
Từ đầu năm đến nay, Sở NN-PTNT tỉnh đã mời các DN hoạt động trong lĩnh vực hải sản cung cấp các thông tin liên quan đến các quy định IUU và yêu cầu các DN khi thực hiện các đơn hàng, ngoài giấy chứng nhận nguồn gốc phải có sổ nhật ký theo dõi; chủ tàu nào xin cấp phép khai thác hải sản phải có sổ nhật ký theo dõi và nếu phát hiện các tàu cá vi phạm lãnh hải bị bắt, ngành sẽ xóa bộ không cho đăng ký, đăng kiểm.
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thêm: Trước tình trạng đánh bắt thủy hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 24 về việc tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tỉnh kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm, tàu cá bị bắt giữ chuộc, thả hoặc trốn về nước; tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng đến 1 năm đối với tàu cá vi phạm lần đầu và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tàu cá tái phạm. Chủ tàu có tàu vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Tỉnh cũng hạn chế phát triển tàu vỏ gỗ, ưu tiên đóng mới tàu vỏ thép, composite có kích thước, công suất lớn, trang bị hiện đại. Buộc các tàu cá khai thác hải sản xa bờ có công suất máy chính từ 90 CV trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật; không cấp, gia hạn giấy phép khai thác đối với những tàu cá chưa trang bị lắp thiết bị giám sát hành trình. Tổ chức thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác, tiêu thụ, chế biến hải sản quý hiếm trái phép.

Các tin khác