Thị trường đồng dự báo thặng dư trong năm 2022

(ĐTTCO) - Giá kim loại đồng từ lâu đã được xem là chỉ báo rất đáng tin cậy về lạm phát, và được dùng làm tín hiệu hiệu để quan sát xu hướng của nền kinh tế thế giới, bởi mức độ phổ biến được sử dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau thuộc các lĩnh vực như: xây dựng, điện và thiết bị điện, phương tiện vận tải, công nghiệp nặng, sản xuất, chế tạo máy… 

Đầu năm 2020, thị trường đồng đã có phản ứng sớm với dịch bệnh Covid-19 diễn ra tại Vũ Hán, và giảm khoảng 25% trong 3 tháng. Đến khi dịch bệnh dần được Trung Quốc kiểm soát, giá đồng đã tạo đáy sớm nhất trong các hàng hóa nguyên vật liệu thô và dẫn đầu xu hướng tăng giá của thị trường nguyên vật liệu thô nói chung.

Tăng 2 năm liên tục
Trên sàn COMEX, giá đồng đã ghi nhận giá cao nhất mọi thời đại 4,9 USD/pound vào ngày 10-5-2021, cao hơn so với mức đỉnh 4,46 được thiết lập từ năm 2011. Như vậy giá đồng đã tăng 137,8% tính từ khi tạo mức đáy 2,06 USD/pound hồi tháng 3-2020, cùng thời điểm tạo đáy chung trên thị trường hàng hóa do tác động từ Covid-19. Hiện tại, giá đang được giao dịch quanh mức 4,45 USD/pound (ngày 12-1-2022). 
Thị trường đồng dự báo thặng dư trong năm 2022 ảnh 1
Trên sàn Thượng Hải (SHFE), giá đồng cũng tạo đỉnh ở mức 78.990 NDT/tấn trong tháng 5-2021. Tuy không vượt qua được mức giá đỉnh lịch sử của năm 2006 (84.100 NDT/tấn), nhưng cao hơn mức đỉnh 75.800 NDT/tấn của năm 2011, và tăng 124,6% so với mức đáy 35.170 NDT/tấn thời điểm tháng 3-2020.
Nguyên nhân của đà tăng giá ấn tượng bởi sản lượng khai thác giảm trong năm 2020 và 2021, trong khi nhu cầu sử dụng đồng tăng kể từ khi Trung Quốc bắt đầu hồi phục kinh tế sau khi trải qua đại dịch (3-2020). Ngoài ra, nguyên nhân tăng giá còn được cộng hưởng bởi xu hướng yếu đi của đồng USD kéo dài từ tháng 3-2020 đến tháng 5-2021.
Thị trường đồng dự báo thặng dư trong năm 2022 ảnh 2
Thị trường đồng dự báo thặng dư trong năm 2022 ảnh 3
Việc giá trị của USD giảm đã dẫn tới các công ty khai thác đồng ở Chile, Peru có xu hướng muốn tăng giá bán xuất khẩu, điều này hỗ trợ giá tăng. Trong khi đó, USD cũng giảm so với NDT của Trung Quốc, điều này dẫn tới các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn để mua đồng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Cơ cấu thị trường đồng thế giới
Chile và Peru là 2 quốc gia khai thác và xuất khẩu quặng đồng lớn nhất thế giới. Tỷ trọng cộng gộp của 2 quốc gia này chiếm hơn 53% thị trường xuất khẩu đồng toàn cầu. Vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở khu vực Nam Mỹ đã gây khó khăn tới hoạt động khai thác quặng trong năm 2020, dẫn tới nguồn cung giảm.
Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc là rất lớn, nhưng sản lượng khai thác chỉ đủ đáp ứng 7,8% nhu cầu. Do đó mỗi năm quốc gia này cần nhập khẩu hơn 21 triệu tấn quặng đồng, chiếm 57% tỷ trọng thị trường nhập khẩu. Đợt giảm mạnh của giá đồng vào đầu năm 2020 có nguyên nhân bởi diễn biến dịch bệnh Covid-19 căng thẳng tại nước này. Tuy nhiên, sau thời gian đó, giá đồng tăng liên tục do dịch bệnh dần dần được kiểm soát và khôi phục lại nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Dự báo giá đồng năm 2022
Nhóm Nghiên cứu Đồng quốc tế (ICSG) nhận định sau 2 năm liên tiếp thiếu hụt nguồn cung, dự kiến năm 2022 sẽ thặng dư khoảng 328.000 tấn đồng tinh chế. Nguyên nhân do sản lượng khai thác quặng đồng tăng khoảng 3,9% nhờ một số mỏ mới được đưa vào vận hành và sự gia tăng khai thác của các mỏ đồng hiện tại.
Thị trường đồng dự báo thặng dư trong năm 2022 ảnh 4
Thị trường đồng dự báo thặng dư trong năm 2022 ảnh 5
Bên cạnh đó, hoạt động tái chế đồng cũng dự kiến được đẩy mạnh, do đó càng góp phần vào viễn cảnh thặng dư trong năm 2022. Ngoài ra, xu hướng tăng của đồng USD vẫn còn tiếp diễn trong năm nay, và sản lượng khai thác quặng đồng có mối tương quan thuận cao đối với sức mạnh của đồng USD. Khi giá trị của USD tăng, các công ty khai thác quặng có nhiều dư địa hơn để giảm giá bán và gia tăng lượng khai thác để cạnh tranh xuất khẩu. Kết quả của điều này là giá đồng có xu hướng giảm khi USD tăng cao.
Vì vậy, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo trung bình giá đồng năm 2022 khoảng 7.500 USD/tấn, tương đương 3,4 USD/pound. Trong khi đó, hãng Liberum Capital Inc. thậm chí còn bi quan hơn khi cho rằng trung bình mức giá đồng năm 2022 khoảng 6.698 USD/tấn, tương đương 3,04 USD/pound. Mức giá này thấp hơn nhiều so với mức giá trung bình trên sàn COMEX của năm 2021 là 4,2 USD/pound. 
Tuy nhiên, mặc dù các chuyên gia cho rằng xu hướng giá đồng trong năm 2022 gặp trở ngại, nhưng về dài hạn là thời kỳ nhu cầu sử dụng đồng tăng cao do sự dịch chuyển cùa thế giới sang sử dụng nguồn năng lượng sạch nhiều hơn để giảm khí thải CO2. Do đó nhu cầu khai thác năng lượng từ điện sẽ bùng nổ, và kim loại đồng có vai trò quan trọng bởi tính dẫn điện, dẫn nhiệt tốt, bền và dễ xử lý. Trong khi đó, tốc độ tìm kiếm các mỏ đồng mới là khó khăn và tốn kém nên sẽ không kịp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tương lai. 

Các tin khác