Thị trường hàng hóa TPHCM: Trái tin đồn, hàng đầy ắp siêu thị

(ĐTTCO)-Trái với thông tin lan rộng trên các trang mạng xã hội (TPHCM đang xảy ra tình trạng “cháy hàng” do nhu cầu dự trữ của người dân tăng cao), ngày 10-2, phóng viên Báo SGGP đã đi thực tế và ghi nhận trừ 2 mặt hàng là khẩu trang và dung dịch rửa tay khô sát khuẩn còn thiếu, tất cả các mặt hàng thiết yếu khác vẫn đầy ắp trên các quầy kệ, giá bán ổn định. 
Rau tràn đầy tại siêu thị chiều 10-2. Ảnh: CAO THĂNG
Rau tràn đầy tại siêu thị chiều 10-2. Ảnh: CAO THĂNG

Chỉ thiếu khẩu trang và dung dịch rửa tay khô sát khuẩn

Sáng 10-2, rảo một vòng quanh các siêu thị Co.opmart Văn Thánh, Vinmart Lê Thánh Tôn, Big C An Phú…, hàng hóa được chất ngồn ngộn trên các quầy kệ. Từ thực phẩm ăn liền như mì, phở, miến, cháo, gia vị các loại đến gạo, nui, mì, thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thậm chí mặt hàng mới nhất được cư dân mạng cho là “cháy hàng” (muối) cũng không thiếu.

Chị Nguyễn Thanh Hà (ngụ phường 25 quận Bình Thạnh) cho hay, do gia đình chị sử dụng hệ thống lọc nước, đã đến thời điểm sục rửa và súc bình nên cần mua 7kg muối biển, vì lo ngại hết muối nên chị lật đật đi mua ngay. Đến siêu thị Vinmart Thảo Điền, chị Hà lao thẳng vào quầy bán muối thì sản phẩm này được chất đầy trên quầy hàng.

Riêng tại siêu thị Emart, theo phản ánh của chị T.M. Thùy (ngụ quận Phú Nhuận), có hiện tượng một số khách hàng đi mua gom mì ăn liền loại mức giá thấp (khoảng hơn 3.000 đồng/gói). Ở nhóm các loại gia vị nhập khẩu từ Hàn Quốc, khăn giấy ướt có cồn cũng trở nên hiếm hàng hơn bình thường, đang trong tình trạng chờ để nhập lô mới.

Ngoài ra, tất cả các loại thực phẩm tươi sống, chế biến và thực phẩm công nghệ, kể cả mì gói các loại có giá bán cao  hơn 4.000 đồng/gói thì hàng rất nhiều và chờ khách.

Trao đổi nhanh với chúng tôi, ông Lê Trung Nhã, Giám đốc Co.opmart Văn Thánh, khẳng định hàng hóa tràn ngập trong siêu thị, trong khi sức mua chưa đạt như mong muốn của nhà kinh doanh.

“Từ khi xảy ra dịch bệnh, tôi nghe đồn là hàng hóa rất khan hiếm nhưng tại siêu thị sức mua vẫn bình thường. Ở thời điểm này, chỉ có mỗi mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay khô là thiếu thôi, do sức mua tăng đột biến vì khách hàng mua để tích trữ. Hy vọng trong vài ngày tới các nhà sản xuất sẽ tăng sản lượng và cung ứng đầy đủ trở lại”, ông Lê Trung Nhã cho biết.

Mới đây, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã đi thực tế, kiểm tra và làm việc tại một số hệ thống phân phối lớn về các mặt hàng thiết yếu và giá cả sau Tết Nguyên đán 2020. Tại buổi làm việc, các nhà phân phối hàng đầu của Việt Nam khẳng định, nguồn cung hàng hóa rất dồi dào, phong phú, không có tình trạng khan hàng, tăng giá.

Theo đó, các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị kỹ phương án dự trữ hàng hóa, đồng thời theo dõi sát khả năng cung cầu và sức mua trong giai đoạn dịch bệnh nhằm tạo sự ổn định chung trên thị trường.  

Cụ thể, hệ thống siêu thị Big C đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho; hệ thống siêu thị Co.opmart tăng 50% lượng hàng và hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 30%-50% lượng hàng cung ứng cho thị trường.

Hiện nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của người dân như rau củ quả, gạo, mì gói, thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, gia vị các loại… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với trước tết. Tại những hệ thống phân phối khác như MM Mega Market, Lotte Mart… đã chủ động hợp tác với các nhà cung cấp, các nhà vườn để ổn định về nguồn cung và giá bán. 

Thực hiện tốt kế hoạch ứng phó dịch bệnh

Trao đổi thêm về tình hình cung cầu và giá cả hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Huỳnh Trang khẳng định, các DN đang thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị và dự trữ hàng hóa thiết yếu theo đúng kế hoạch của thành phố ứng phó khẩn cấp đối với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý 1-2020, tăng 30%-40% so với sản lượng thực hiện cùng kỳ năm 2019, trong trường hợp dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng, các DN sẽ tổ chức chương trình cung cấp miễn phí các sản phẩm thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng.

Thị trường hàng hóa tại TPHCM: Trái với tin đồn, hàng đầy ắp siêu thị ảnh 2Người tiêu dùng chọn mua củ quả tại siêu thị ở TPHCM chiều 10-2. Ảnh: CAO THĂNG

Cũng theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, trong ngắn hạn, thành phố tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến cung - cầu đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chủ động xây dựng, đề xuất các phương án nhằm ổn định thị trường.

Theo đó, Sở Công thương đang phối hợp với Sở TT-TT thực hiện cung cấp thông tin chính xác tình hình diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa; xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

Thành phố cũng vận động, khuyến khích các DN trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Trong tháng 2-2020, các DN sản xuất phối hợp hệ thống phân phối sẽ tổ chức bán hàng giảm giá 10%-15% đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Trong dài hạn, TPHCM chủ động làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho thị trường thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất, cung ứng hàng hóa; hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất, chăn nuôi tạo nguồn hàng; ký kết, tổ chức thu mua, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao của các tỉnh, thành, tăng cường liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, đảm bảo cung ứng trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

Không có hiện tượng khan hàng như lo ngại

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông, sau khi có thông tin một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở Hà Nội và TPHCM khan hàng, nhiều loại nông sản bị “mua vét”, vụ đã kiểm tra tình hình cung ứng tại các cửa hàng, siêu thị. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tại các siêu thị, cửa hàng lớn, nguồn thực phẩm vẫn rất dồi dào, không có hiện tượng khan hàng như lo ngại.

Theo Vụ Thị trường trong nước, tâm lý người dân mua lượng hàng hóa, thực phẩm nhiều hơn bình thường là có, nhưng chủ yếu là đối với một số loại rau củ quả, thực phẩm và chỉ xảy ra cục bộ ở một vài khu vực, song giá vẫn ổn định như trước tết. Một số khách hàng đi mua sắm thực phẩm sau tết cho biết, do lo ngại dịch bệnh và thiên tai nên nhiều người có tâm lý mua sắm, dự trữ nhiều hơn bình thường một chút.

Nhưng điểm khác biệt là từ khi xảy ra dịch bệnh, lượng người đến siêu thị không nhiều như trước, mà chủ yếu khách hàng, người tiêu dùng đặt mua qua mạng (online) để hạn chế ra đường, đi lại, đến chỗ tập trung đông người. Hiện các mặt hàng vẫn đang rất dồi dào trong siêu thị lẫn ngoài chợ. Bộ Công thương khẳng định sẽ tiếp tục kiểm tra bất cứ siêu thị, cửa hàng thực phẩm nào mà dư luận phản ánh có tình trạng khan hiếm hàng.

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Đặng Hoàng Hải, cục đã có công văn gửi các website, sàn giao dịch xử lý các DN đẩy giá sản phẩm lên cao. Các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đã xử lý nhiều DN vi phạm đẩy giá sản phẩm, ngăn chặn tình trạng trục lợi bằng cách tăng giá phí vận chuyển sản phẩm (phí ship).

Các tin khác