Thị trường thương mại điện tử: Cân nhắc “cửa” cho doanh nghiệp nội

(ĐTTCO)- Để vừa quản lý vừa thúc đẩy thương mại điện tử, cần một chiến lược bài bản – “1 chiến lược lan tỏa” - giúp duy trì năng lực sẵn có của các doanh nghiệp nội, mới mong tăng tốc, phát triển bền vững toàn ngành như kỳ vọng, đóng góp vào tăng trưởng chung.
Thương mại điện tử là thương trường đa biên giới, thậm chí là vô biên (Ảnh minh họa: KT)
Thương mại điện tử là thương trường đa biên giới, thậm chí là vô biên (Ảnh minh họa: KT)

Doanh nhân Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Tập đoàn công nghệ triệu đô Nextech - 1 trong 10 người có sức ảnh hưởng lớn nhất nền Internet Việt Nam vốn là doanh nhân khởi nghiệp thương mại điện tử (TMĐT), với dự an Chodientu.vn - website tiên phong mua, bán trực tuyến tại Việt Nam. Xuất phát từ mô hình eBay và Alibaba, Chodientu sớm nhận được đầu tư từ Quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc Tập Đoàn Dữ Liệu Quốc Tế IDG.

Tuy nhiên, thị trường sàn thương mại điện tử dần bị chiếm lĩnh bởi các tên tuổi có yếu tố ngoại như Shopee, Lazada,…, Chodientu.vn dần yếu thế. Quỹ đầu tư rút dần, doanh nhân Nguyễn Hòa Bình phải tìm hướng đi mới.

Một thông điệp doanh nhân này đúc rút được và chia sẻ “thương mại điện tử là thương trường đa biên giới, thậm chí là vô biên. Khi doanh nghiệp ngoại với nguồn lực dồi dào tràn vào, doanh nghiệp nội sẽ khó đương đầu, sớm hụt hơi. Không phải các doanh nhân, doanh nghiệp cần chỗ dựa, mà cần 1 đường băng đủ tốt để lấy đà chạy nhanh-trụ vững được”.

Theo ông Bình, nhiều quốc gia bỏ mặc, có quốc gia để thương mại điện tử lấn lướt kinh tế truyền thống. Việt Nam đang có quan điểm trung dung – khuyến khích phát triển nhưng lại phải đảm bảo công bằng với kinh tế truyền thống, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng.

“Tôi ủng hộ, thúc đẩy để cả 2 cùng phát triển, không bên nào bị thui chột, không bên nào độc quyền, để dảm bảo ngân sách quốc gia và đảm bảo quyền lợi cho người lao động… Chính vì vậy, cần có chế tài kiểm soát làm sao hạn chế được điểm yếu của kinh tế chia sẻ nói chung. Hiện các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực kinh tế lớn, họ vào thả con săn sắt, họ bắt con cá mập, cuối cùng các doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam lại phải trả giá đắt cho những nền tảng chúng ta đang sử dụng”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Tại Thông tư 40/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, yêu cầu cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải đăng ký, kê khai thuế đầy đủ.

Đáng chú ý, tại Khoản 1 Điều 8 của Thông tư 40 nêu rõ: tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện kê khai thuế thay, nộp thuế thay các cá nhân đang có gian hàng kinh doanh trên Sàn, theo lộ trình cơ quan Thuế quy định.

Thông tư có những thông tin rất chi tiết, “sát sườn” như: từ nay đến trước ngày 1/7/2022, các sàn phải cung cấp chứng từ theo từng đơn hàng cho người mua và người bán; nếu người mua yêu cầu hóa đơn, cá nhân kinh doanh phải đáp ứng hóa đơn theo quy định. Song song với đó, các sàn phải thực hiện các quy định về hóa đơn điện tử, tiến dần đến thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn.

Đặc biệt, kể từ ngày 1/8 tới đây - ngày Thông tư số 40 có hiệu lực, định kỳ hàng tháng, các sàn có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế theo hình thức điện tử.

Nhiều doanh nhân-doanh nghiệp thương mại điện tử thuần Việt, hay 1 số cách thức kinh doanh online nội địa thuộc tầm ngắm của Thông tư 40, bản chất đang phải “đốt tiền” nhiều để xâm nhập được vào thương trường mới mẻ này, để trụ được song song với những doanh nhân - doanh nghiệp đã “chắc chân” vì được những gã khổng lồ nuôi.

Theo Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh, Viện Kinh tế Việt Nam, sự cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ còn sôi động hơn rất nhiều. Ngoài Alibaba, thì Tencent và JD.com là những gã khổng lồ đã đầu tư đáng kể vào Shopee và Tiki để thiết lập sự hiện diện của họ ở Việt Nam. Amazon - công ty thương mại điện tử lớn nhất và lâu đời nhất thế giới cũng chính thức xâm nhập với vai trò hỗ trợ và tạo điều kiện cho người bán hàng Việt Nam tiếp cận thị trường đa quốc gia.

Đặc biệt, khi các Hiệp định Thương mại tự do FTA thế hệ mới được thực thi, tạo điều kiện cho các tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới xâm nhập, sẽ gia tăng tính cạnh tranh của thị trường non trẻ - thương mại điện tử Việt.

Thông tư 40 với những yêu cầu - quy định mới là quá khắt khe - không phải không thể triển khai mà hiệu quả sẽ không như kỳ vọng, thậm chí kéo giảm tốc độ tăng hoặc đánh sập các sàn thuần Việt.

“Luật là trên hết, sau đó đến Nghị định, Thông tư phía dưới. Tuy nhiên, Nghị định 52 còn đang sửa đổi. Ví dụ, việc liên quan đến trách nhiệm của các sàn với chất lượng hàng hóa cũng là nội dung còn đang tiếp tục có ý kiến và mong muốn có sự rành mạch hơn. Trong Thông tư 40 cũng nói rằng có căn cứ pháp lý và căn cứ Nghị định 52...

Giả sử Nghị định 52 khi thay đổi chốt có nội dung quy định thế nào là Sàn TMĐT, có thể quy định 1 số hình thái của mạng xã hội có cho phép kinh doanh, thanh toán, giao dịch chính là 1 mô hình của các sàn, thì họ sẽ phải áp theo Thông tư 40 này – cũng phải kê khai, cũng phải nộp thuế. Và có chăng 1 số mô hình ở nước ngoài người ta tham gia vào thì có khả thi hay không?”, ông Đoàn Quốc Tâm, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nêu cụ thể.

Chưa kể, khi nhận thấy các điều kiện thủ tục có thể quá khắt khe, các thương nhân đang kinh doanh trên các “sàn nội” có thể tìm cách chuyển sang các sàn ngoại để tiếp tục hoạt động. Cơ chế quản lý thuế lại chưa dễ dàng “nhắm” đến các đối tác là các sàn thương mại điện tử trụ sở ở nước ngoài. Vậy việc siết thuế, khả thi tới đâu? Điều này nếu không được cân nhắc, bất lợi lại nghiêng về doanh nghiệp nội.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, chủ trương của Đảng, Nhà nước là khuyến khích TMĐT. Ngoài việc đảm bảo các vấn đề quản lý, cần cân nhắc đến yếu tố mang tính khuyến khích. Thuế cũng là một trong những công cụ có thể khuyến khích được hoạt động thương mại điện tử.

Cho nên, ngoài việc đảm bảo không thất thu ngân sách nhà nước, cần có những ưu đãi phù hợp để tạo động lực khuyến khích sự tham gia rộng hơn nữa của các tổ chức và cá nhân xã hội trong hoạt động này, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, TMĐT là động lực của kinh tế và thương mại.

“Không để có việc phân biệt đối xử giữa TMĐT của các sàn với TMĐT trên những phương thức khác, ví dụ như trên mạng xã hội và kể cả với hoạt động kinh doanh truyền thống. Bởi vì một khi chúng ta quản quá chặt hoạt động TMĐT trên các sàn có thể vô hình trung các cá nhân kinh doanh họ có thể chuyển sang phương thức khác, để tránh những nghĩa vụ thuế thì đây là điều cần lưu ý để làm sao đảm bảo được sự cân bằng tương đối với những hoạt động kinh doanh trong các môi trường khác”, bà Lại Việt Anh lưu ý.

Để vừa quản lý, vừa thúc đẩy thương mại điện tử, các chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, cần một chiến lược bài bản – “1 chiến lược lan tỏa” - giúp duy trì năng lực sẵn có của các doanh nghiệp nội, mới mong tăng tốc, phát triển bền vững toàn ngành như kỳ vọng, đóng góp vào tăng trưởng chung.

Để làm được điều đó, trước hết, chính cơ quan quản lý liên ngành phải thống nhất được quan điểm: thương mại điện tử là lĩnh vực mới, tiềm năng, cần rộng đường phát triển hay đã đến lúc phải siết chặt - kiểm soát chặt tương đồng mọi loại hình kinh doanh khác, thì chủ trương đưa ra mới nhận được sự đồng thuận và triển khai hiệu quả. Trong đó, cần cân nhắc “cửa” cho doanh nghiệp nội tăng tốc, trong bối cảnh đây vẫn được Chính phủ khẳng định là “lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số Việt Nam”.

Các tin khác