Thiếu chủ động, doanh nghiệp nguy cơ mất thị phần xuất khẩu

(ĐTTCO)-Có hơn 1.000 tiêu chuẩn kỹ thuật có thể được các nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam thay đổi trong 1 năm. Chẳng hạn, từ tháng 7-2021 đến nay, nhiều nước đã có 60 văn bản thay đổi quy định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nhập khẩu. 
Chế biến cà tím xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận 12, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến cà tím xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận 12, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Do vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thiếu chủ động trong tiếp cận thông tin thì sẽ có nguy cơ bị thu hồi hàng hóa, bị đóng cửa trước thị trường xuất khẩu.

Những thay đổi liên tục

Nói về những quy định liên quan đến rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu cũng như nhiều thị trường khó tính khác, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ NN-PTNT, cho biết, từ khi có các hiệp định thương mại tự do ký kết trên toàn cầu, các nước thường xuyên thay đổi tiêu chuẩn rào cản kỹ thuật, nhất là rào cản liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện trung bình mỗi năm có đến hàng ngàn quy định về tiêu chuẩn, tỷ lệ thành phần các chất có trong hàng hóa được các quốc gia thay đổi, bãi bỏ hoặc bổ sung thêm.

Chỉ tính riêng trong tháng 7-2021, đã có 12 thông báo về các quy định trong hiệp định về những biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật của Tổ chức Thương mại thế giới tại Brazil, Ukraina, Nhật Bản, Hồng Công có hiệu lực và 53 thông báo lấy ý kiến góp ý của các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới.

Nhắc đến vụ việc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam và Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương phải thu hồi sản phẩm mì gói và miến có chứa chất Ethylene Oxide, vừa được thông tin trên báo chí, cho thấy, đây là một vụ việc khá đáng tiếc. Bởi trước đó vào cuối năm 2020, tại các quốc gia thành viên châu Âu đã xảy ra nhiều tranh cãi trái chiều về việc có nên buộc thu hồi hàng trăm ngàn lô hàng bị phơi nhiễm chất Ethylene Oxide do doanh nghiệp châu Âu sản xuất hoặc nhập khẩu từ quốc gia khác hay không. Đó là các mặt hàng như hạt mè, ớt, gừng, hẹ tây, cà phê, bánh mì, bánh quy và đồ ăn sẵn…

Đến giữa tháng 7-2021, một quyết định của Ủy ban châu Âu đã được thống nhất và ban hành. Theo đó, áp dụng cho tất cả các nước thành viên EU là sẽ phải thu hồi các sản phẩm có chứa Ethylene Oxide để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân tại đây.

Như vậy, nếu căn cứ vào thời gian sản xuất và xuất khẩu các lô hàng của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam với mì Hảo Hảo hương vị tôm chua cay, loại 77gr và miến Good, hương vị sườn heo, loại 56gr lần lượt vào tháng 3 và tháng 5-2021 thì khi đó quy định này chưa được ban hành chính thức.

Mặt khác, cũng phải thấy rằng, trước đó những lô hàng này đã được thông qua tại châu Âu. Điều này có nghĩa là chất lượng hàng của công ty đã được kiểm tra mẫu ngẫu nhiên và đạt tiêu chuẩn cho phép. Trường hợp của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương cũng tương tự.

“Nhập gia tùy tục”

Theo nhiều chuyên gia, tùy mỗi quốc gia mà quy định loại chất, hoặc tỷ lệ nồng độ các chất, hoặc danh mục các chất cho phép trong sản xuất và kiểm dịch động vật khác nhau. Ngay như chất Ethylene Oxide hiện được sử dụng rộng rãi với tác dụng tiệt trùng các vật tư thiết bị trong lĩnh vực y tế, thiết bị chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, chất này cũng được sử dụng để diệt vi sinh vật trong một số loại gia vị, rau sấy và việc này được chấp thuận tại một số quốc gia như Mỹ và Canada; nhưng tại thị trường châu Âu lại không được chấp nhận.

Tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có những quy định danh mục chất cho phép sử dụng trong thực phẩm, hàng hóa nhưng lại bị cấm ở nhiều nước khác.

Danh mục các chất cấm hoặc cho phép sử dụng rất thường xuyên được các nước thay đổi, thậm chí, có những chất cấm sử dụng mà từ thời điểm đưa ra, lấy ý kiến đến khi áp dụng chỉ có 60 ngày, khiến nhà sản xuất trở tay không kịp.

Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam luôn phải chủ động cập nhật thông tin để có ứng xử phù hợp. “Nhập gia tùy tục” là việc mà doanh nghiệp cần làm nếu muốn xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM đã có báo cáo UBND TPHCM và các cơ quan chức năng về việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu sản xuất, khiến một số doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu khác để thay thế.

Chưa hết, theo hội này, tình trạng phải sử dụng quá nhiều chất sát khuẩn y tế trong hoạt động phun xịt, khử khuẩn cho công nhân, nhà máy, phương tiện vận chuyển… trên diện rộng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm.

Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp đã phải thành lập nhanh bộ phận kiểm soát rủi ro. Bộ phận này thường xuyên cập nhật quy định về các loại chất cấm và không cấm tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, để từ đó chủ động có kế hoạch điều chỉnh sản xuất. Trong khâu nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất. doanh nghiệp cũng đang phải rà soát lại quy trình bảo quản, vận chuyển và cung ứng, tránh để phát sinh chất cấm tồn dư trong sản phẩm.

Ông Ngô Xuân Nam cho biết thêm, hiện Văn phòng SPS Việt Nam đang nỗ lực cập nhật thông tin những thay đổi về rào cản kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp. Riêng với thị trường châu Âu, văn phòng đang biên soạn sổ tay hướng dẫn thực thi các quy định SPS để chuyển sớm đến các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với quy định của các thị trường xuất khẩu, tránh nguy cơ thiệt hại không cần thiết, nhất là khi dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn đa chiều.

Các tin khác